Bệnh nhi là bé Đặng Trúc Chi, 3 tháng tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội, vào viện đêm 19/2 với biểu hiện sốt cao, ho nhiều, chảy nước mắt mũi, nổi ban đỏ, được chẩn đoán là mắc sởi.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là ca bệnh có biến chứng nặng nhất do bệnh sởi mà các bác sĩ tại Khoa đã chữa trị thành công.
Theo ông Dũng, trong suốt một tháng điều trị cho bệnh nhi, có những lúc gia đình và các bác sĩ rất lo cháu không thể qua khỏi. Nhưng với tinh thần quyết tâm và bằng nhiều năm kinh nghiệm, các bác sĩ đã đưa ra biện pháp điều trị phù hợp và cháu được cứu sống.
|
Bé gái Đặng Trúc Chi, 3 tháng tuổi được cứu sống sau khi bị sởi biến chứng lên não |
Trước đó, cháu Chi nhập viện trong tình trạng sốt cao trên 39 độ, ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi và nổi ban đỏ. Sau 8 ngày thở máy thì cháu Chi được cai máy thở, thở ô-xy qua ống nội khí quản, có nhịp thở tốt. Tuy nhiên, sau đó bé lại thở rít, co rút lồng ngực nhiều, nên các bác sĩ phải đặt lại nội khí quản và thở máy lại trong 3 ngày.
Theo nhận định của các bác sĩ, cháu Chi đã bị virus sởi trực tiếp tấn công vào phổi của nên gây suy hô hấp nặng, viêm phổi.
Với tình trạng bệnh nhi có những diễn biến phức tạp, các bác sĩ phải chụp phim hàng ngày để theo dõi diễn biến của bệnh, nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và tìm biện pháp cứu chữa kịp thời cho bệnh nhi.
|
Lãnh đạo BV Bạch Mai, cùng các bác sĩ Khoa nhi tiễn bé Chi ra viện |
“Ngoài việc cho bệnh nhân thở máy, sử dụng các thuốc thông thường thì phải đưa các thuốc khác để nâng cao hệ thống miễn dịch, đặc biệt là đưa dịch thể của bệnh nhân tăng lên nhanh bằng cách truyền các yếu tố miễn dịch vào. Cho bệnh nhân sử dụng vitamin A vì vitamin A có vai trò lớn, bảo vệ các niêm mạc đường hô hấp”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Đồng thời, PGS.TS Dũng cho biết, với những trường hợp mắc sởi thông thường có biến chứng nhiễm khuẩn bác sĩ sẽ dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, với các ca bệnh virus tấn công thẳng vào phổi, không thể dùng thuốc, vì không có thuốc kháng sinh nào tiêu diệt được virus, phương pháp điều trị quan trọng là cho trẻ thở máy và dùng thuốc có chứa kháng thể.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai còn 2 ca khá nặng đang được điều trị và hàng ngày vẫn có ca mắc sởi được nhập viện. Với những diễn biến phức tạp và biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cách tốt nhất để phòng, chống bệnh vẫn là tiêm phòng vắc xin.
Lê Phương