Trước đó, 3 bệnh nhân đã phải vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế quân dân y kết hợp Lý Sơn (Quảng Ngãi) do
ăn phải cua mặt quỷ. Cả 3 bệnh nhân vào viện đều có chung triệu chứng là tê lưỡi và chân tay, nhịp tim tăng. May mắn, sau khi được súc rửa ruột kịp thời, cả 3 bệnh nhân đã không nguy hiểm đến tính mạng.
TS Bùi Quang Tề, chuyên gia bệnh học thủy sản (nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho biết, cua đá có hai loại. Một loại cua đá sống ở biển và một loại cua đá sống trên núi chủ yếu ăn lá cây. Cua đá biển vốn là đặc sản của một số vùng biển nổi tiếng ở nước ta như: Cù Lao Chàm, đảo Cồn Cỏ… Chúng rất hiếm, khó bắt và thịt ngon nên được nhiều người ưa chuộng.
Loại cua đá có chứa độc tố, trong quá trình chế biến, nếu không cẩn thận có thể gây ngộ độc. Tuy nhiên, bị ngộ độc cũng tùy từng cơ địa mỗi người, chứ không phải ai ăn cua đá cũng bị. Cũng như cá nóc, có người ăn không sao nhưng có người lại bị ngộ độc hay một số người
ăn hải sản lại bị dị ứng.
Cũng theo TS Bùi Quang Tề, ăn cua đá còn rất dễ nhiễm sán lá phổi. Ở nước ta đã phát hiện loài cua đá Potamicus sp mang ấu trùng sán lá phổi (loài cua này sống ở các suối đá tại các tỉnh miền núi như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái...). Thực tế nhiều trường hợp đã phải nhập viện vì sán lá phổi sau khi ăn cua đá.
Bản thân ấu trùng sán lá nằm trong cơ thịt của cua. Khi con người ăn phải cua, tôm… ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành mất 5- 6 tuần. Khi bị nhiễm bệnh, ngoài phổi ra, sán có thể kí sinh ở một số cơ quan khác như não và màng não…
Người ăn bị nhiễm sán lá phổi có thể bị liệt nửa người, liệt mặt, thậm chí tử vong. Nguy hại hơn là triệu chứng của người nhiễm sán lá phổi lại giống với một số bệnh khác như bệnh lao nên dễ chẩn đoán sai bệnh. Điều trị bệnh không đúng dễ để lại những hậu quả khôn lường.
Một loại cua cũng dễ gây độc là cua mặt quỷ. Cua mặt quỷ có độc tố Saxitonin chứa trong thịt và trứng, nhiều nhất là ở càng và chân cua. Mỗi người chỉ cần ăn 0,5g là đã có thể tử vong. Cua mặt quỷ thường cư ngụ ở các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường gặp tại vùng triều thấp.
Theo các chuyên gia, khi bị ngộ độc do ăn cua lạ, người bệnh có biểu hiện tê rát, bỏng ở môi, đầu lưỡi, đau bụng và có thể xuất hiện thêm triệu chứng đau đầu, tê bì chân tay, đi đứng loạng choạng, rối loạn ý thức, hôn mê. Nặng thì có thể bị suy hô hấp cấp, trụy tim mạch và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ăn cua đá thế nào cho đúng?
Theo TS Bùi Quang Tề, mọi người có thể phòng tránh nhiễm bệnh sán lá phổi bằng cách không ăn cua đá nướng vì phần lớn cua nướng không chín đều, có chỗ cháy nhưng có chỗ vẫn còn sống và sán vẫn tồn tại gây bệnh. Không ăn những loại cua không nấu chín dưới các dạng như mắm cua, uống nước cua sống...
Không ăn cua đá biển đã bị chết vì độc tố, vi khuẩn trong cua sẽ phát triển mạnh hơn. Nếu mua phải cua đá biển đã chết thì hãy loại bỏ ngay. Đồng thời mọi người tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại cua biển nghi ngờ có độc, các loài cua biển lạ, màu sắc sặc sỡ, hình thù kỳ quái để chế biến thành thức ăn. Tốt nhất những loại cua lạ chưa bao giờ ăn thì không nên dùng.
Bên cạnh đó, không nên ăn cua đá đã được nấu chín nhưng để bên ngoài không gian quá lâu. Thịt cua để lâu dễ bị hỏng, ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Nếu ăn không hết có thể để phần dư bảo quản trong tủ lạnh hoặc nơi sạch sẽ, thoáng đãng. Lưu ý là trước khi ăn bắt buộc phải đun nấu lại thật kỹ càng.
Được biết, loại cua đá biển có màu tím, khi chín thì chuyển sang màu gạch. Còn cua đá ở núi có màu đỏ. Để cấp cứu kịp thời khi bị ngộ độc, các chuyên gia y tế khuyến cáo, biện pháp hữu hiệu chỉ là kích thích cho bệnh nhân nôn càng sớm, càng nhiều càng tốt.