Điểm mặt trái cây không an toàn

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia, bằng cảm quan, có thể phân biệt được loại quả bảo quản bằng hóa chất và quả tươi.

Không tin vào tem mác
Táo, lê, cam, nho... với đầy đủ tem mác được bày bán ở khắp các chợ, siêu thị, nhưng không ai dám khẳng định nguồn gốc thực sự đúng như tem mác của các sản phẩm này. Đặc biệt là có những trái táo, lê để đến 9 tháng không hỏng khiến người tiêu dùng thực sự hoang mang. 
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu kiểm soát tốt đầu vào là khâu nhập khẩu, không có chứng nhận chất lượng thì không cho nhập sẽ không có tình trạng nông sản nhiễm hóa chất độc hại tuồn vào Việt Nam. Nhưng vì khâu quản lý của chúng ta chưa tốt, thậm chí đến tem mác cũng được làm giả bày bán nhan nhản nên chính người dân phải trang bị cho mình kiến thức về từng loại quả, bảo vệ sức khoẻ của mình. 
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, đối với hàng hóa nhập khẩu, có tem mác nhưng cũng phải có mã vạch để truy nguyên xuất xứ. Nếu sản phẩm không có mã số mã vạch mà chỉ có tem dán thông thường thì phải đặt câu hỏi về nguồn gốc sản phẩm. Riêng táo, chỉ cần nhìn màu sắc và hình dạng là người tiêu dùng có thể phân biệt được. Lê Trung Quốc có hình dạng tròn và màu trắng vàng nhạt giống sản phẩm của Việt Nam. Lê Australia thường có màu đỏ vàng, trái dài, lê Hàn Quốc quả tròn, vỏ màu vàng nhạt, thịt trắng, giòn, ngọt và nhiều nước. Nho đỏ của Trung Quốc hay bị gắn tem nho Mỹ, còn với nho đen thì Trung Quốc không trồng được.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, thông thường trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Australia có tem sẵn khi được vận chuyển vào Việt Nam và có thêm mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Còn trái cây Trung Quốc khi nhập qua Việt Nam thường không có mã vạch. Tuy nhiên, màu sắc và hình dạng trái cây là yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng nên để ý. Thông thường trái cây Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... có hình dạng, trọng lượng, màu sắc đậm hơn so với Trung Quốc.
Màu sắc và hình dạng trái cây là yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng nên để ý khi mua. 
Nhận biết hóa chất độc hại
GS Nguyễn Quang Thạch, Viện Sinh học nông nghiệp, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, hiện nay, tình trạng sử dụng hóa chất để bảo quản, thúc chín cho trái cây rất phổ biến. Có nhiều loại hóa chất bảo quản và nói chung việc lạm dụng chắc chắn không tốt cho sức khoẻ của con người. Nhóm hóa chất nguy hiểm nhất là Auxin, trong đó có chất loại 2,4-D - thành phần trong thuốc diệt cỏ, pha với tỷ lệ 5 - 10 phần triệu dùng để ngâm, phun giúp quả, rau tươi lâu hơn. Người tiêu dùng ăn phải những loại quả, rau này, tích lũy chất độc sau thời gian có thể bị ung thư. Bởi vậy, nhóm auxin đã bị nghiêm cấm sử dụng để bảo quản trái cây. 
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, phổ biến nhất trong thúc chín trái cây là etylen. Đây là là một hormon sinh trưởng tự nhiên trong cây, có vai trò chính kích thích gây chín, làm già hóa và rụng hoa quả. Lợi dụng đặc tính này, người ta sản xuất chất ethylen nhân tạo để xử lý làm cho trái cây mau chín, hay áp dụng với xoài, chuối, mít... Những hóa chất này ít độc hại hơn hóa chất bảo quản nếu sử dụng ở nồng độ thông thường và đúng cách, của cơ sở được cấp phép. 
Theo các chuyên gia, với hầu hết các loại trái cây, việc phân biệt có hay không sử dụng chất bảo quản, chất thúc chín rất khó. Nếu dùng auxin để bảo quản với nồng độ cao, quả sẽ xanh bóng, hay to bất thường, khi bổ ra có nhiều chất khô khô xốp xốp bên trong... Với những thủ đoạn tinh vi hiện nay, chỉ có thể khuyến cáo để họ thận trọng hơn khi mua các loại trái cây không rõ nguồn gốc. 
"Nếu để trái cây trong vài tháng xem có hỏng không mới ăn thì không ai có thể áp dụng được. Trái cây bị bảo quản bằng hóa chất độc hại thường hỏng từ bên trong mà ra, dù bên ngoài vẫn bóng đẹp, tươi rói, mà không phải ai cũng có thể ăn thử khi mua, tốt nhất là các cơ quan quản lý phải vào cuộc siết chặt chất lượng mặt hàng này".
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Bảo Khánh

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Chị Ba -

thôi thì cứ ăn để sống qua ngày
đến ngay như cái tên nước sạch mà còn chẳng sạch nói gì đến thực phẩmn chứ

Em gái xóm bên -

Đáng lo
trước ung thư là bệnh hiếm gặp, bây giờ thì không thiếu, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm thì chất bảo quản

Thiên Nhân -

thực phẩm sạch kiếm đâu ra
@Băng Sơn: chuẩn, ăn thì chết dần chết mòn, không ăn thì chết đói. Thôi vẫn phải ăn cho qua ngày.

Thiên Nhân -

Nói không với chất bảo quản
Dân ta lại hại dân ta thôi, cứ chửi bọn Trung Quốc nhưng mình cũng tự giết mình đấy chứ.

Anh có thích nước Mỹ không? -

Khó lắm
Toàn những hóa chất mắt thường khó thấy, các ngành chức năng và cơ quan chuyên môn nghiên cứu không biết có ra kết quả gì không chứ người dân khó có thể phân biệt được

góc phố buồn -

Hoa quả Trung Quốc
Kiểm soát tốt đầu vào thì mới khả quan ngăn chặn được hoa quả Trung Quốc tuồn sang Việt Nam

Băng Sơn -

Phân biệt sao được
Không ăn cũng chết mà ăn cũng toi, trái cây nào cũng có hóa chất cả, mắt thường với người dân còn lâu mới phân biệt được

Lọ lem hè phố -

thực phẩm
tìm được loại thực phẩm sạch ở nước ta bây giờ phải nói là quá hiếm nếu không phải tự tay nhà mình làm ra, cái gì cũng dính chất bảo quản hết .

Lọ lem hè phố -

ăn cũng chết mà không ăn cũng chết
Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết!

Hiển thị thêm bình luận