|
Ảnh minh họa. |
Để điều trị thiếu máu, thầy thuốc phải căn cứ vào thực trạng người bệnh và nguyên nhân gây thiếu máu để điều trị tận gốc. Thuốc cho bệnh thiếu máu có nhiều loại, có thế dùng riêng rẽ từng thứ hoặc loại thuốc phối hợp. Chủ yếu trong các thuốc chống thiếu máu thường có các hoạt chất sau đây.
Sắt (Fe): Có thể ở dạng muối sắt sulfat hoặc sắt oxalat. Đây là yếu tố cần thiết và rất quan trọng để tổng hợp hemoglobin. Trong cơ thể người lớn bình thường có 4 - 5g sắt và 2/3 lượng này được thấy trong các hồng cầu. Hiện nay, người ta hay dùng dạng sắt oxalat vì nó ít gây táo bón hơn sắt sulfat. Không dùng thuốc có hoạt chất này cho người bị bệnh lý ở dạ dày và ruột như loét dạ dày, viêm ruột hoặc viêm loét ruột kết.
Axit folic là chất thuộc vitamin nhóm B có nhiều trong men bia, một số loại nấm lành, gan, thận, rau xanh như bắp cải, cà chua... Axit folic tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa, nhất là sự tổng hợp purin và pyrimidin. Axit này cũng giúp cho quá trình phục hồi tạo ra nguyên hồng cầu khổng lồ về mức bình thường và có tác dụng giống như cyanocobalamin. Axit folic rất cần cho phụ nữ có thai và sau khi đẻ và những người bị thiếu máu do hồng cầu bị phá hủy ở các tĩnh mạch như bệnh sốt rét.
Vitamin B12 có tác dụng tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin này gây ra chứng thiếu máu hồng cầu to (thiếu máu ác tính) và một số rối loạn về thần kinh. Vitamin B12 thường dùng dưới dạng thuốc tiêm để điều trị các chứng thiếu máu ác tính, thiếu máu do cắt bỏ dạ dày, thiếu máu do bệnh giun móc. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc này nếu chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu, bệnh ung thư và bệnh trứng cá.
ThS Lê Quốc Thịnh (Bệnh viện 71)