Đặc biệt, một số phụ nữ sau sinh (phụ nhâm) bị ức chế, căng thẳng, dinh dưỡng (thiếu vi chất), càng uất ức nhiều bệnh càng trầm trọng, khó chữa và mất nhiều thời gian.
Bệnh đến sau khi sinh
Chị N.T.Thảo (33 tuổi ở quận 8, TPHCM), sinh con được 1 tuổi đã đi chữa nhiều nơi vì mất ngủ, mắt mờ, cứng gáy cổ, nhức cổ, đứng dậy thì bị choáng. Chị sống chung với gia đình chồng ở Đồng Tháp. Con nhỏ, sống nơi đất khách quê người nên bị ức chế nhiều nên bệnh ngày càng nặng, ăn uống không đầy đủ, chị lại đang cho con bú nên lâu ngày bị suy nhược cơ thể phải cấp cứu vào bệnh viện với chẩn đoán là rối loạn tiền đình, suy nhược cơ thể...
Sau khi điều trị được 2 tuần, tình trạng sức khoẻ của chị cải thiện được nhiều như ngủ được, không đau vùng đỉnh đầu, thị giác đỡ nhiều, nhìn thấy rõ, đi lại không bị choáng nữa và tăng cân.
|
Lương y Phạm Hùng Dũng, Chủ tịch Hội Đông y quận 1, TPHCM đang châm cứu chữa bệnh cho bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật. |
Cấp tính dễ chữa hơn mạn tính
Lương y Phạm Hùng Dũng, Chủ tịch Hội Đông y quận 1, TPHCM cho biết, đối với trường hợp phụ nữ sau sinh, bệnh dù cấp tính, nguy hiểm nhưng lại dễ chữa hơn do với những người mắc bệnh mạn tính. Bệnh mới phát thì biểu hiện đau đầu, đứng dậy thì xây xẩm, thị lực kém, mất ngủ, ăn không ngon, đau lưng, đau cổ gáy, tê tay.
Khi đó sẽ dùng bài thuốc quy tỳ cho bệnh nhân gồm có các vị: Đẳng sâm 20g, đương quy 20g, viễn chí sao vàng 12g, hắc táo nhân 12g, bạch truật sao vàng 16g, bạch phục linh 12g, xuyên khung 12g, bạch thược 12g, đại táo 3 trái, long nhãn 8g, câu kỷ tử 12g, sa nhân 8g, sanh cương (gừng tươi) 3 lát dày, thục địa chế 20g, bạch chỉ 8g.
Do bệnh nhân mới sinh xong nên bị hao huyết, tổn khí nên dùng bài thuốc này giúp cho bệnh nhân được kiện tỳ, bổ huyết, an thần và phối hợp với châm cứu để hoạt huyết thông kinh lạc. Điều trị khoảng 1 tháng, còn người mạn tính thì 3 tháng.
Các thầy thuốc khuyên, để tránh bị hậu sản thì phụ nữ không nên suy nghĩ nhiều, căng thẳng, buồn rầu khi mang thai và sau khi sinh, cần nghỉ ngơi, thư giãn và ăn uống đủ chất. Nên ăn cơm, canh, thịt cá đa dạng như canh giò heo hầm đu đủ xanh, gà kho gừng, thịt nạc kho, cá đồng kho, canh súp, canh cải cúc nấu thịt nạc, canh đuôi heo đậu đỏ, lạc. Các món canh mát, vi chất nhiều, đạm cao, chất tinh bột, vitamin rất tốt cho sản phụ. Tránh ăn khô khan như kho quẹt, thịt kho tiêu quá mặn, nhịn ăn... Vẫn sinh hoạt, giải trí bình thường xem tivi, đọc sách, vận động nhẹ để thoải mái, tránh căng thẳng và không thức khuya.
Lương y Phạm Hùng Dũng cho biết thêm, đối phụ nữ mãn kinh thì biểu hiện bệnh thường gặp là đau đầu chóng mặt, buồn nôn, ăn chậm tiêu, tê tay chân, thốn gót chân, nhức mỏi toàn thân, người uể oải, mệt mỏi hay bực mình cáu gắt.
Dùng bài thuốc độc hoạt tang ký sinh thang gia giảm: Độc hoạt 14g, tang ký sinh 14g, phòng phong 8g, tần giao 8g, quế chi 8g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 12g, đương quy 16g, bạch thược 8g, cam thảo 8g, xuyên khung 12g, sinh địa 16g, đẳng sâm 16g, bạch phục linh 12g, ngũ gia bì 12g, sa nhân 12g, quỳnh kỳ 14g. Bài thuốc có công dụng giúp hoạt huyết, thông kinh lạc, bổ khí huyết, mạch gân cốt, trị tê nhức mỏi tay chân, chữa buồn nôn, chóng mặt. Không nên thức khuya, tắm đêm, ngâm trong nước lâu, hạn chế thức ăn lạnh. Không nên thức ăn khó tiêu (ốc, sò, thịt vịt, ngan, trứng vịt lộn...), rượu, bia.
Dùng bài thuốc này kèm với châm cứu, đồng thời tập thể dục để giúp cho thông kinh lạc, hoạt huyết, điều kinh, ăn ngon ngủ được. Thời gian điều trị khoảng 3 tháng.
Bùi Hương