|
Bệnh nhi Nguyễn Phương L. liệt tay phải sau sinh (trước mổ) và sau mổ 1 năm, đã có thể vận động được cánh tay cùng bàn tay bên phải. |
Hiện nay, với phương pháp lấy dây thần kinh hiển ở chân đưa lên ghép cho các rễ thần kinh bị tổn thương, Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức đã chữa khỏi cho trên 30 trẻ bị liệt cánh tay sau sinh.
Cháu Nguyễn Phương L. (Hà Nội) được sinh thường với cân nặng 3.9kg, rất xinh xắn, bụ bẫm. Cả nhà chưa hết vui mừng vì "mẹ tròn con vuông" sau một cuộc sinh nở vất vả thì phát hiện một bên mắt phải của cháu càng ngày càng sụp xuống và một cánh tay phải không thể cử động được, mất cảm giác. Gia đình đưa cháu đi khám, chữa ở nhiều nơi đều lắc đầu và được khuyên nên tập trị liệu, châm cứu. Sau 5 tháng điều trị không có kết quả, cháu được đưa đến Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức. Tại đây cháu được chẩn đoán liệt hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay, phải phẫu thuật.
Các bác sĩ đã phải phẫu thuật bộc lộ toàn bộ các rễ thần kinh từ cổ đi ra cánh tay, cắt bỏ toàn bộ những rễ thần kinh bị đụng dập, đã phát triển thành các u sùi (u xơ thần kinh) rồi lấy dây thần kinh hiển (dây thần kinh cảm giác ở chân, khi lấy đi ít ảnh hưởng đến chức năng của chân) đưa lên ghép vào các rễ thần kinh bị tổn thương của đám rối thần kinh cánh tay. Kết quả tái khám sau hơn 1 năm, tay trẻ phục hồi tốt, mắt phát triển bình thường.
TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trước đây cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có khoảng 1 - 3 trẻ bị bệnh này. Nhưng hiện nay kinh tế phát triển, phụ nữ mang thai to ngày càng nhiều nên trẻ bị bệnh cũng gia tăng. Nguyên nhân là thai to, thai ngược... lúc ra đời trẻ bị kẹt vai vào khung chậu của mẹ làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương và vị trí tổn thương mà có các kiểu liệt khác nhau.
Chẳng hạn: Liệt thần kinh quay thì bàn tay rủ cổ cò, bệnh nhi mất khả năng duỗi các khớp bàn ngón, hạn chế dạng ngón I. Liệt thần kinh trụ: Bàn tay móng chân chim, khi nắm bàn tay, các ngón IV, V và một phần ngón III không gập hết được, không gập được đốt cuối ngón V. Liệt dây thần kinh giữa: Bàn tay khỉ, khi nắm bàn tay, ngón I và ngón II không gấp lại được. Ngoài biểu hiện thần kinh, trương lực cơ giảm: Độ rắn chắc của cơ giảm, không có co cơ hoặc co cơ tối thiểu, bệnh nhi xuất hiện teo cơ so với bên lành nhưng ở giai đoạn muộn; phản xạ gân xương giảm hoặc mất bên tay liệt...
TS Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh, trước đây khi bị bệnh trẻ chỉ được tập luyện phục hồi, châm cứu... nếu tổn thương ít thì phục hồi được khoảng 20 - 50% chức năng của bình thường của cánh tay. Trường hợp tổn thương hoàn toàn thì không có gì khắc phục được, cánh tay trẻ liệt và teo dần.
Hiện nay, với phương pháp nối dây thần kinh bằng keo sinh học, thay vì phải khâu nối từng dây thần kinh mất khoảng 5 - 7 tiếng dưới kính hiển vi phẫu thuật gây nguy hiểm cho trẻ thì việc dùng keo sinh học để nối (chỉ cần đổ keo lên trên các đầu dây thần kinh) đã giảm thời gian mổ xuống còn 1,5 - 2 giờ. Nhờ đó tránh được rất nhiều rủi ro cho trẻ. Tuy nhiên, thời điểm mổ tốt nhất là khi trẻ được 3 - 6 tháng tuổi khi các bản vận động ở cơ vẫn còn hoạt động tốt, trẻ sẽ phục hồi 80 - 90% chức năng cánh tay.
Hà Tường