Bệnh do ánh sáng
Ai cũng biết rằng, ánh nắng gay gắt của mùa hè nhiều khi làm mắt chúng ta không thể mở to mà nhìn được. Tuy nhiên, tai hại hơn là tác động của bức xạ tia cực tím từ Mặt Trời (UV) còn gây hại không chỉ cho làn da nơi mí mắt mà còn ảnh hưởng sâu bên trong mắt.
Theo ThS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư, mặc dù ánh sáng rất cần thiết cho quá trình nhìn, nhưng việc tăng thời gian phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời lại dẫn đến nhiều khả năng mắt bị nhiễm độc với các loại tia sáng có hại, gây ra nhiều bệnh về mắt, đặc biệt là cho giác mạc, bề mặt nhãn cầu, thể thuỷ tinh và võng mạc. Loại bước sóng có hại nhất trong phổ ánh sáng của Mặt Trời là tia cực tím (tia UV) và ánh sáng xanh. Độ đậm của 2 loại ánh sáng độc hại này cao nhất ở đỉnh trưa, lớn hơn mười lần so với vài giờ trước và sau đó. Mặc dù cấu tạo của mắt người cũng có một số cơ chế bảo vệ tự nhiên chống lại tác hại của ánh sáng chiếu trực tiếp, nhưng thời gian và cường độ phơi nhiễm cao vẫn có nguy cơ dẫn đến các bệnh lý do nhiễm độc ánh sáng.
Tia cực tím đã được biết đến từ lâu là mối nguy hiểm tức thì và tiềm tàng cho mắt. Bỏng mắt do tia UV hay gặp với người tắm nắng quá lâu, người đi trượt tuyết. Lâu dài nếu phơi nhiễm với tia UV quá mức có thể dẫn đến nguy cơ bị lên mộng mắt, ung thư da mi, đục nhân mắt và thoái hóa hoàng điểm. Trong khi đó, ánh sáng xanh hay nhóm tia năng lượng cao phổ nhìn được cũng bị qui kết là có thể gây ra thoái hóa hoàng điểm...
|
Ảnh minh họa. |
Càng tối màu càng hại mắt
Kính râm là một lựa chọn phổ biến nhất để khắc phục các vấn đề này. Ngoài tác dụng thẩm mỹ, che chắn bụi, côn trùng, hóa chất khỏi chui vào mắt, kính râm còn giúp nhìn rõ mọi thứ dưới ánh nắng và có tác dụng bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia cực tím. Thị trường kính râm vô cùng phong phú, từ giá vài chục nghìn đồng hàng bình dân cho đến vài triệu đồng/cặp hàng "xịn". Nhưng đa phần người mua chỉ thường chú ý đến kiểu dáng, mẫu mã mà ít quan tâm đến tác dụng bảo vệ mắt của kính râm, hoặc lại cho rằng kính chống chói lóa là đã cản được tia tử ngoại làm hại mắt.
Theo ThS.BS Hoàng Cương, đối với kính râm thì khả năng lọc tia UV chỉ phụ thuộc phần nào vào màu kính và chất liệu làm kính. Kính làm bằng polycarbonate, CR39 có khả năng lọc khoảng 50% lượng tia UV.
Theo Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ, màu sắc và độ tối hay chất liệu của mắt kính, dù là chất plastic (nhựa) hay thủy tinh cũng chỉ có thể giảm bớt một phần nhỏ cường độ tia tử ngoại. Tia UV cần được ngăn lại bằng một lớp hoá chất đặc biệt tráng trên kính. Do vậy, các chuyên gia khuyên bạn hãy tìm những loại kính trên nhãn có ghi rõ đặc điểm có thể ngăn chặn 99 - 100% tia UV.
Ngoài ra, những loại kính phản chiếu thường được tráng lớp hóa chất mỏng ánh như kim loại và có tác dụng phản chiếu như gương, chỉ có thể giảm độ UV nhưng cũng không đủ để bảo vệ mắt. Các loại kính phân cực (polarized) cũng có khả năng làm giảm độ chói, nhưng không có tác dụng gì đối với tia UV. Những loại kính đen thông thường chỉ giúp làm giảm độ chói của ánh sáng tới mắt, làm tối các cảnh vật trong tầm mắt.
Đặc biệt, loại kính đen không bảo vệ được mắt mà còn có nguy cơ làm hại mắt, bởi con ngươi khi phản xạ với cảnh vật tối sẽ mở to hơn bình thường, như vậy càng làm tăng nguy cơ hấp thụ nhiều tia UV có hại hơn.
Đậm độ của tia cực tím phụ thuộc vào độ cao, càng lên cao thì đậm độ tia UV càng lớn. Ngoài ra, tia UV đặc biệt có nhiều trong ánh sáng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Các nghiên cứu nhân chủng học cũng đã chỉ ra rằng, màu da, màu mắt của chúng ta cũng quan trọng trong việc cản lọc tia UV. Màu càng đậm thì cản lọc tia UV càng tốt.
ThS.BS Hoàng Cương
Đức Anh