Hơn 20 học sinh Hà Nội nhập viện do cúm lạ

Google News

(Kiến Thức) - Tại một trường học trên địa bàn Hà Nội vừa có hơn 20 học sinh phải nhập viện với triệu chứng cúm. Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được chủng virut gây bệnh.

Trong những ngày qua, tại trường THPT Trí Đức (Hà Nội), đã xảy ra hơn 20 trường hợp có biểu hiện sốt cao, ho, viêm long đường hô hấp, nhiễm trùng đường hấp, dấu hiệu điển hình của hội chứng cúm nên đã được chuyển gấp vào bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Ngay sau khi các bệnh nhân được chuyển vào viện, cơ quan chức năng đã đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm để xác định chủng vi rút gây bệnh. “Đây là ca nghi ngờ viêm đường hô hấp do vi rút cúm. Mẫu bệnh phẩm của các ca bệnh đã được lấy xét nghiệm để xác định chính xác chủng vi rút gây bệnh”, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, các ca bệnh dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng chắc chắn không phải cúm A(H5N1) hay H7N9.
 Việc buôn bán gia cầm mọi lúc, mọi nơi như thế này rất dễ bùng phát dịch bệnh
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm A/H5N1 có độc lực mạnh. Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cũng đã báo cáo lên Bộ Y tế, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội để tiến hành xử lý ổ dịch. Đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và dự kiến có kết quả trong ngày 22/1.
Theo ông Kính, chủng cúm A/H5N1 gây bệnh cho phổ rộng hơn, vì thế nếu bùng phát cũng rất nguy hiểm. Trong khi đó, hiện nay, việc vi rút cúm gia cầm lưu hành trên đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện là một mối nguy lớn do không kịp thời phát hiện nguồn bệnh để kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh nhất trong năm. Để phòng lây nhiễm các loại cúm gia cầm nói chung, người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm chết, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tránh đưa tay lên mũi và miệng, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường..
Đồng thời, người dân không nên giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm không rõ lý do, sau khi tiếp xúc với gia cầm có các triệu chứng ho, sốt, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.
Sau ca nhiễm cúm A/H5N1 tử vong đầu tiên trong năm 2014 tại Bình Phước, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế và Trung tâm y tế dự phòng Bình Phước điều tra dịch tễ, tăng cường triển khai các biện pháp giám sát và phòng, chống cúm A/H5N1 trên địa bàn. Viện Pasteur TP.HCM cũng đã lập đoàn kiểm tra giám sát, điều tra ca bệnh, ca tiếp xúc, kiểm tra các điểm chăn nuôi gia cầm tại địa phương.
Trước đó, ngày 20/1 Bộ Y tế đã chính thức xác nhận về một trường hợp tử vong do cúm H5N1 gây ra tại Bình Phước. Theo thông tin từ Cụ Y tế dự phòng, đây là ca nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm 2014, sau 9 tháng Việt Nam không ghi nhận ca bệnh trên người.
Cũng liên quan đến dịch cúm gia cầm, đêm 20/1, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ 39 tuổi ở Thanh Oai, Hà Nội bị suy hô hấp nặng phải thở máy. Điều tra dịch tễ học cho thấy tại nhà bệnh nhân này có gà chết không rõ nguyên nhân nên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu xét nghiệm.
Lê Phương