|
Ảnh minh họa. |
Chó, mèo là thú nuôi phổ biến ở nước ta, chúng thường bị nhiễm giun đũa, ở chó là giun đũa toxocara canis, còn mèo là giun đũa toxocara cati. Trứng giun đũa theo phân ra ngoài và dính lên lông chó mèo, sau đó sẽ dính lên giường chiếu, ghế sopha hoặc lây nhiễm ra đất, nền nhà. Người bị nhiễm khi vuốt ve chó mèo, trứng sẽ dính lên tay, sau đó dùng tay bốc thức ăn đưa vào miệng, trứng giun sẽ đi vào ống tiêu hóa của người, nở thành ấu trùng đi xuyên qua thành ruột, theo máu đến nhiều cơ quan.
Chim bồ câu cũng là nguồn lây bệnh vì phân chim là môi trường lý tưởng cho vi nấm cryptococcus neoformans phát triển. Vi nấm sống trong phân chim và trong đất ẩm, khi gặp gió sẽ phát tán trong không khí, nếu người hít vào phổi, vi nấm sẽ xâm nhập vào đường hô hấp và theo máu lên não hoặc các cơ quan nội tạng, gây bệnh viêm màng não, đây là bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Các loại thủy sản bày bán ở các chợ đều có nguồn gốc từ các địa phương khác nhau, do đó có thể mang các mầm bệnh ký sinh trùng. Nếu nấu thức ăn không kỹ, người ăn sẽ bị nhiễm ký sinh trùng này vào cơ thể. Ấu trùng của chúng vào cơ thể sẽ đi chu du ra ngoài mô dưới da, gây áp xe di chuyển hoặc lên não gây xuất huyết não.
Phòng ngừa bằng cách nên tránh tiếp xúc với thú nuôi, chó, mèo và phải xổ giun định kỳ tại phòng khám thú y. Thú nuôi, chó mèo, chim bồ câu phải được nuôi nhốt, tránh thải phân bừa bãi ra xung quanh. Ngoài ra, thức ăn phải được nấu chín, rau phải rửa thật sạch để tránh nhiễm ấu trùng và trứng giun sán. Nên đi khám bệnh ký sinh trùng định kỳ tại bệnh viện chuyên khoa.
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM)