Một nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Basel, Thụy Sĩ được đăng tải trên tờ Daily Mail cho biết, con người thường khó ngủ và ngủ không sâu giấc khi mặt trăng ở đỉnh điểm của chu kỳ. Điều này khiến các chuyên gia tin rằng đây là bằng chứng của một đồng hồ sinh học nằm bên trong con người và nó chính là sự di truyền từ tổ tiên để lại. Đó chính là thói quen sống trong hang động.
|
Các nhà khoa học nhận thấy vào mỗi đêm trăng tròn, con người sẽ ngủ ít hơn và cũng phải rất khó khăn mới ru mình vào giấc ngủ. Ảnh minh họa |
Các nhà khoa học nhận thấy vào mỗi đêm trăng tròn, con người sẽ ngủ ít hơn và cũng phải rất khó khăn mới ru mình vào giấc ngủ. Không chỉ vậy, giấc ngủ của con người thường không sâu. Những chuyên gia này cũng khẳng định việc con người khó ngủ không phải do mặt trăng quá tròn hay ánh sáng quá đẹp hấp dẫn mà nó xuất phát từ thói quen đào hang của tổ tiên để lại.
Bác sĩ Christian Cajochen, từ Bệnh viện tâm thần thuộc Đại học Basel, Thụy Sĩ, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết rằng các chu kỳ mặt trăng dường như ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người ngay cả khi người ta không nhìn thấy nó. Để làm rõ hơn điều này, ông đã cùng các nhà khoa học nghiên cứu giấc ngủ của 33 tình nguyện viên trong phòng thí nghiệm. Những tình nguyện viên này không hề biết gì về mục đích của việc nghiên cứu và họ cũng không được nhìn thấy mặt trăng. Mô hình bộ não của họ được theo dõi cùng với chuyển động của mắt và lượng hormone tiết ra khi ngủ.
|
Nghiên cứu mới được công bố trên tờ Daily Mail cho thấy giấc ngủ có liên quan mật thiết với vòng quay của mặt trăng. Ảnh minh họa. |
Sau một thời gian nghiên cứu, kết quả cho thấy rằng tất cả những tình nguyện viên này đều mất rất nhiều thời gian để ngủ và chất lượng giấc ngủ của họ không được tốt. Hoạt động của não liên quan đến giấc ngủ sâu giảm 30%, đồng thời nhóm khoa học thấy ở họ có sự sụt giảm hormone melatonin liên quan đến chu kỳ đồng hồ tự nhiên cơ thể.
Để giải thích rõ ràng hơn, bác sĩ Christian Cajochen cho biết, bình thường, cơ thể tạo ra nhiều melatonin hơn so với ban ngày. Việc tiếp xúc với ánh sáng chói vào buổi tối, hoặc quá ít ánh sáng vào ban ngày có thể phá vỡ chu kỳ melatonin tự nhiên. Tuy nhiên, giáo sư Christian Cajochen và các đồng nghiệp cho biết tác động của mặt trăng không liên quan đến độ sáng của nó. Có thể nói rằng đây là bằng chứng đáng tin cậy về việc trăng tròn có tác động tới giấc ngủ con người trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ của phòng thí nghiệm và không có tín hiệu về thời gian.
Gia Linh