Khó phân biệt 2 loài cùng họ
Trên thế giới, họ Sam (tên khoa học là Limulidae) bao gồm 4 loài có đặc tính sinh học khá giống nhau. Trong đó, loài Limulus polyphemus phân bố ở khu vực Bắc Mỹ, 3 loài còn lại là Tachypleus tridentatus, Tachypleus gigas, Carcinoscorpius rotundicauda phân bố tại châu Á. Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ tìm thấy 2 loài T. tridentatus (gọi là sam, sam lớn hay sam đuôi tam giác) và C.rotundicauda (gọi là so, so biển hay sam nhỏ).
So biển là loài sinh vật biển cực độc vì trong so có chứa độc tố tetrodotoxins rất nguy hiểm. Độc tố được tập trung chủ yếu trong buồng trứng của con cái. Trong mùa sinh sản, mức độ sản sinh ra độc tố số lượng lớn và có thể lây lan sang các bộ phận khác trong cơ thể chúng. Tại Việt Nam, so và sam biển thường sống ở vùng sình lầy ven bờ vịnh Bắc Bộ, miền Trung và Nam Bộ, cũng là những địa điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc do ăn so...
|
Hình ảnh của so và sam biển. |
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Gò Công (Tiền Giang) đã tiếp nhận 3 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn so biển thì 2 bệnh nhân đã tử vong ngay sau đó. Khi phỏng vấn người dân địa phương, hầu hết họ đều nói rằng, họ biết con so độc, không ăn được, nhưng vẫn xảy ra các vụ ngộ độc bởi nạn nhân đã nhầm so với sam!
Con so có kích thước bé hơn sam (khoảng 20 - 25cm, chưa kể đuôi), khối lượng nhỏ hơn sam, toàn thân màu xanh nâu đậm, không có gờ mặt lưng. Đặc điểm phân biệt dễ nhất là dựa vào hình dạng đuôi. Đuôi so hình tròn hoặc hình trứng, rìa cuối cùng của phần bụng ở mặt lưng không có gai. Đuôi sam hình tam giác, ba cạnh kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có các gai nhọn giống như lưỡi cưa. Ngoài ra, sam thường đi theo cặp, con đực hay bám trên lưng con cái. Vào mùa sinh sản thì con so cũng đi cặp với nhau. So và sam có đặc điểm sinh sản tương tự nhau, mùa sinh sản từ tháng 3 - 10 hằng năm. Để trưởng thành, sam cần thời gian khoảng mười năm, do đó rất có thể con so sẽ bị nhầm với con sam còn non.
|
Đánh bắt sam biển (hình minh họa). |
Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu
Nguyên nhân tử vong do ngộ độc so là do độc tố tetrodotoxins có trong thịt của nó. Bản chất độc tố này giống như độc tố của cá nóc, mực tuộc, cá bống vân mây... Đây là loại độc tố thần kinh mạnh, với liều thấp có khả năng gây tử vong cao. Triệu chứng gây liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp. Đặc điểm của ngộ độc so biển là thời gian ủ bệnh rất ngắn, diễn biến nhanh, mức độ nặng tùy thuộc vào lượng thức ăn mà nạn nhân tiêu thụ.
Biểu hiện rõ nhất là sau khi ăn 20 phút đến 2 giờ, môi và lưỡi hơi bị tê. Tiếp đến các ngón tay bị tê cứng có thể kèm theo đau đầu, đau bụng, nôn mửa. Sau đó mất vận động, tê liệt tri giác, nói, thở khó khăn, huyết áp tụt nhanh, nạn nhân rơi vào trạng thái mất ý thức và tắt thở nhanh sau đó. Hiện trên thế giới chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc tetrodotoxins, các biện pháp chữa trị chủ yếu là hỗ trợ sức đề kháng của nạn nhân, nếu có biểu hiện ngừng thở do tê liệt cơ hô hấp thì cần được cung cấp thiết bị máy trợ thở...
Khi thấy các dấu hiệu bị ngộ độc trên, cần khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân để tống hết thức ăn ra ngoài, chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và không gây nôn nếu là trẻ em, vì dễ bị sặc. Sau khi gây nôn nên uống oresol bù điện giải. Nếu bị co giật và ngừng thở, ngừng tim phải cấp cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Nếu hôn mê, để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên phòng chất nôn sặc vào phổi. Sau khi sơ cứu, khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện để xử lý tiếp. Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.
Lượng độc tố tetrodotoxins trong 100g thịt, trứng so biển đủ gây tử vong 1 người. Các nhà khoa học khuyến cáo người dân không nên ăn sam hay so, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, đồng thời bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm này.
TS Đỗ Văn Tứ
TS Đỗ Văn Tứ (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - IEBR)