Nhưng khi bác sĩ tiếp nhận lại không thấy bất cứ một em nào nôn trong bệnh viện và cũng không “đi tiêu”, tổng trạng ổn định, đi lại bình thường. Tuy nhiên, lại có những tin “đồn” và còn “nhân bản” tin đồn khiến người trong cuộc cũng bức xúc. Thông tin này thật sự như thế nào các chuyên gia trực tiếp cấp cứu sẽ chia sẻ cùng độc giả.
|
Sổ khám bệnh và chẩn đoán của BS về tình trạng của 3 học sinh Trường Tiểu học Mỹ Tân được thăm khám ngày 21/4.
|
Bệnh viện nhi chuyển trẻ em qua bệnh viện người lớn?
Ngày 22/4, BS Đinh Công Minh - Trưởng khoa Cấp Cứu Sơ Sinh, Bệnh viện Nhi Nam Định vừa là bác sĩ trực tiếp thăm khám cho 9 em học sinh lớp 5C và 5D (Trường Tiểu học Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đồng thời là người trực lãnh đạo của Bệnh viện Nhi Nam Định hôm 18/4 cho biết: “Chúng tôi là bệnh viện nhi thì làm sao lại chuyển qua bệnh viện người lớn được. Vả lại không có ai chuyển bệnh nhân đi đâu, các cháu đến với tổng trạng ổn định, đi lại bình thường, còn ồn ào như một nhà trẻ trong bệnh viện, rồi tự ăn cháo và sau đó gia đình và nhà trường ký giấy xin cho các cháu về”.
Theo BS Công Minh, không có một phóng viên nào đến phỏng vấn hay hỏi BS Công Minh về việc này, nên đã có một số tờ báo mạng đăng thông tin không chính xác như vậy. "Trong chiều hôm đó, không có bệnh viện nào chuyển bệnh nhi đến bệnh viện chúng tôi và chúng tôi cũng không hề chuyển bệnh nhi. Có chăng là ngay khi xe chở các cháu học sinh từ trường lên thì đưa qua Bệnh viện Đa khoa Nam Định mấy cháu và đưa qua bệnh viện chúng tôi mấy cháu như vậy. Bệnh viện chúng tôi là bệnh viện chuyên khoa nhi nên các cháu học sinh tiểu học nếu có vấn đề về sức khỏe thì bệnh viện nhi là nơi thu dung, điều trị cho các cháu là chính", BS Minh nói.
BS.CK II Trần Trọng Du - Giám đốc Bệnh viện huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cho biết, mặc dù xã Mỹ Tân là thuộc huyện Mỹ Lộc nhưng về mặt địa lý thì nó giáp ranh với thành phố Nam Định nên khi học sinh của Trường Tiểu học Mỹ Tân có vấn đề về sức khỏe thì chuyển qua Bệnh viện Nhi Nam Định sẽ gần hơn là chuyển về Bệnh viện huyện Mỹ Lộc.
Theo BS.CK II Trọng Du, lý do có 6 học sinh Trường Tiểu học Mỹ Tân lại vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Nam Định là do thói quen, ý thích của phụ huynh, chứ hoàn toàn không phải do bệnh nặng gì cả, vì sau đó 6 trẻ này cũng ra về.
|
Các cháu được cho là bị ngộ độc sữa đang chơi đùa vui vẻ.
|
Giao mùa xuân - hè, cẩn trọng bệnh tiêu hóa
BS.CK II Trọng Du khuyến cáo, trong giai đoạn giao mùa giữa mùa xuân sang mùa hè, thời tiết oi bức rất dễ bị bệnh tiêu hóa, không chỉ có trẻ em, người già mà tất cả mọi người đều có thể bị. Nên cũng dễ nhận thấy, gần 700 học sinh uống sữa nhưng tổng cộng chỉ có 15 học sinh thông báo có triệu chứng buồn nôn, đau bụng như vậy.
BS.CK II Trọng Du cho biết thêm, ngày hôm qua (21/4), khi nghe Trạm Y tế Mỹ Tân báo cáo có tiếp nhận một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa, trong đó có một số em là học sinh nghi ngờ rối loạn tiêu hóa chiều ngày 18/4 sau khi uống sữa. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế Nam Định chúng tôi đã tăng cường cho bác sĩ, điều dưỡng xuống trạm y tế để hỗ trợ nhưng chỉ có 4 cháu học sinh than đau bụng, cần phải được theo dõi nên chúng tôi chuyển 3 cháu lên Bệnh viện Nhi Nam Định để có đủ trang thiết bị để thăm khám cũng như cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm,…), còn một cháu thì nằm theo dõi ngay tại Trạm Y tế. Nhưng tất cả 4 cháu đều được các BS chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa chứ không phải ngộ độc, vì xét nghiệm bình thường, siêu âm bình thường, khám lâm sàng không có gì bất thường, không sốt, không nôn, không đau bụng nên được chuyển về theo dõi tại y tế cơ sở (trạm Y tế).
Trả lời phóng viên về việc trẻ em độ tuổi lớp 4, lớp 5 ở địa phương này có được phụ huynh cho uống sữa tươi thường xuyên hay không, BS.CK II Trọng Du chia sẻ: “Ở nông thôn thì trẻ em lớn như thế này thì ít được bố mẹ quan tâm cho uống sữa hàng ngày như trẻ nhỏ. Nếu có cho tiền thì trẻ cũng mua quà vặt, kẹo bánh ăn chứ không mua sữa. Nên cũng có thể vì thế mà đường tiêu hóa của các cháu không dung nạp được sữa!. Theo ghi nhận của chúng tôi thì hầu như các cháu nhỏ ở khối lớp 1, 2 mặc dù sức đề kháng còn yếu hơn trẻ lớn (lớp 5) nhưng lại không có vấn đề về tiêu hóa khi uống sữa. Có lẽ, theo BS.CK II Trọng Du là do các cháu nhỏ còn được uống sữa nên đường ruột quen hấp thụ".
Các chuyên gia chia sẻ quan điểm rằng: “gần 700 trẻ uống sữa mà chỉ có 15 em có biểu hiện đau bụng, buồn nôn,….thì có thể không phải do sữa mà do nguyên nhân khác. Khi cơ thể mà không thích ứng với chất nào thì buộc phải đào thải ra ngoài. Ví như ăn thịt gà rất ngon nhưng có người ăn vào là dị ứng, nổi mẩn ngứa mề đay ngay,….”. Cho nên, không thể “đổ tội” cho sữa được mà hãy bình tĩnh chờ kết quả xét nghiệm sản phẩm của cơ quan chức năng, để có kết quả chính xác và khoa học.
Còn theo ghi nhận của chúng tôi, các học sinh này mặc dù than đau bụng, buồn nôn đi lại rất bình thường, nét mặt cũng rất bình thường không thấy biểu hiện của người bị đau bụng, buồn nôn, thậm chí là rất vui vẻ khi được nghỉ học. Các em sau khi khám bệnh nhưng không phát hiện ra bệnh gì và khi được cho về y tế cơ sở thì các cháu chơi đùa, chạy nhảy rất vui vẻ.
Chia sẻ thông tin về chẩn đoán của bác sĩ Bệnh viện Nhi Nam Định về 3 học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Mỹ Tân. TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM cho biết, theo chẩn đoán trên sổ khám bệnh thì bệnh nhân chỉ rối loạn tiêu hóa nhưng không có sốt, mệt, không tiêu lỏng, bác sĩ có dặn nếu có các triệu chứng trên thì quay lại nhập viện....có nghĩa là bệnh nhân chỉ đau bụng thoáng qua rồi ổn nên cho xuất viện về theo dõi, không phải ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, theo TS.BS Mạnh Siêu thì vấn đề bệnh nhân có nhiễm giun sán ở nông thôn thì đó là nhiễm mạn tính, triệu chứng nếu có sẽ xuất hiện từ lâu, từ từ và âm ỉ chứ không phải xuất hiện đột ngột phải vào bệnh viện. Khi nhiễm giun sán đường ruột thì bệnh nhân sẽ có đau bụng quanh rốn kéo dài, đau lâm râm, tự hết, kéo dài hàng tháng, hàng năm, tuy nhiên không khó chịu đến mức phải nhập viện.
PV