Chính vì vậy, nhiều phụ huynh còn chưa tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang giúp con phòng sởi khi đến lớp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, sáng nay (22/4), PV Báo Kiến Thức đã có cuộc ghi nhận tại Trường tiểu học Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Nhiều lý do để chưa đeo khẩu trang cho con
|
Lối vào Trường tiểu học Nghĩa Tân, phía đường Tô Hiệu...
|
Qua quan sát cho thấy, mặc dù đã có quy định của nhà trường song còn có khá nhiều học sinh chưa đeo khẩu trang để phòng dịch. Khi được hỏi tại sao không đeo khẩu trang cho con, một số phụ huynh đưa ra lý do quên mất ở nhà; khẩu trang đang nhét trong balo; vừa ăn sáng xong chưa kịp đeo cho con hay là do trường gần nhà nên không cần đeo… Thậm chí, có những bậc phụ huynh còn thản nhiên nói rằng “chả cần”.
Chị Nguyễn Thị Phương Lan, có con học lớp 3, cho biết: “Sáng đi vội, nên mình quên mất ở nhà”. Còn ông Nguyễn Văn Bách, có cháu 8 tuổi cũng học ở Trường Tiểu học Nghĩa Tân, thì lại cho rằng, chẳng ai quy định nên cũng chẳng cần cho cháu đeo làm gì. Trong khi đó, anh Nguyễn Quang Anh, có con học lớp 2, thì lại chia sẻ: “Cũng có nghe tuyên truyền nhưng mình cũng không để ý, nhiều lúc cũng chủ quan”.
Có một điều dễ nhận thấy là dù cho con đeo khẩu trang hay không thì đại đa số phụ huynh đều rất lo lắng cho con em của mình trước dịch sởi. Trao đổi với PV Kiến Thức, anh Nguyễn Trung Thành, có con 9 tuổi, chia sẻ: “Tôi được biết hiện nay dịch sởi đang lan rộng, với tốc độ nhanh chưa từng có nên rất lo sợ. Vì thế, khi đưa con đi học mình đeo khẩu trang cho cháu để phòng tránh được dịch sởi chút nào hay chút đó”.
|
... nhiều cháu đến trường không đeo khẩu trang mặc dù nhà trường đã tuyên truyền.
|
Còn chị Lại Thị Thu Hằng có 2 cháu 7 tuổi và 10 tuổi cũng chia sẻ: “Việc đeo khẩu trang cho cháu là rất cần thiết, không chỉ khi không có dịch sởi bùng phát mà tôi mới làm việc này. Khi chưa có dịch tôi cũng đã luôn nhắc nhở các cháu khi ra đường phải đeo khẩu trang tránh bụi bẩn, khí thải, đảm bảo sức khỏe cho bản thân”.
“Ra đường là phải đeo khẩu trang cho cháu chứ, xem thời sự thấy dịch sởi gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới tính mạng, nhất là với các cháu nhỏ khiến tôi thấy lo lắng, sợ hãi. Mong rằng Bộ Y tế sớm có biện pháp khắc phục nhanh chóng, kịp thời để không còn trẻ nào bị tử vong nữa”, ông Trần Đình Nghĩa, có cháu 8 tuổi, lo lắng nói.
Còn chị Lại Bích Nga (con 9 tuổi) nói: “Nhà trường tuyên truyền nên mới đeo khẩu trang cho cháu, như mọi ngày không có dịch sởi hoành hành như hiện nay, thì mình cũng ngại cho cháu đeo”.
|
Nhưng phụ huynh này thì đeo khẩu trang, 2 con nhỏ thì không có.
|
Trong khi đó anh Đỗ Thanh, có con 9 tuổi, cho rằng: “Ngày nào ra đường cũng cho cháu đeo khẩu trang để tránh bụi. Ngoài ra, môi trường bây giờ ô nhiễm, thời tiết lại ẩm ướt như thế này là điều kiện cho các mầm bệnh phát triển. Không có gì quý hơn sức khỏe”.
Mong cha mẹ sát cánh cùng Nhà trường chống sởi
Bà Lê Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết: “Trường đông học sinh, nên việc tuyên truyền để phòng chống dịch sởi là nhiệm vụ hàng đầu. Dịch sởi xảy ra thì các con của mình là người chịu hậu quả đầu tiên".
Cũng theo bà Thủy, ngay từ đầu tháng 2/2014 khi có thông tin về dịch sởi, nhà trường đã thông báo cho bên phòng y tế trường, phát các tờ tuyên truyền, về những nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh dịch sởi tới các con. "Ngoài ra, mỗi sáng trước giờ vào học trên loa phát thanh của nhà trường cũng đọc các thông báo về dịch sởi cho các con được biết”, bà Thủy nói.
|
Trường TH Nghĩa Tân đang tích cực tuyên truyền để cha mẹ các cháu cho con đeo khẩu trang.
|
Cũng theo bà Thủy, đầu giờ cán bộ lớp sẽ cập nhật sĩ số những bạn bị ốm, sau đó giáo viên chủ nhiệm sẽ điều tra nguyên nhân các cháu bị ốm. Đồng thời, cán bộ y tế vào kiểm tra các lớp, nếu phát hiện cháu nào sốt là gọi phụ huynh đến đón các cháu luôn.
"Dịch sởi rất nguy hiểm, nên nhà trường và các bậc phụ huynh cũng không hề tiếc tiền, tiếc công để mua khẩu trang cho các cháu. Hiện vào trong lớp các con sẽ được đeo khẩu trang vì nhà trường đã kết hợp với hội phụ huynh cung cấp miễn phí cho các con”, bà Thủy chia sẻ.
Theo bà Thủy, với thực trạng thời tiết thất thường, lúc nắng lúc mưa, như thế này, nhà trường còn đưa vào sử dụng phương pháp dân gian chống dịch sởi như đốt thêm bồ kết cùng với hạt mùi để ngoài cổng để khi các con đi đường xa vào cũng giảm được nguy cơ nhiễm dịch bệnh. "Hương của các loại quả này này rất tốt, mùi nó cũng nhẹ, cảm giác dễ chịu cho các cháu khi vào trường", bà Thủy nói.
Bên cạnh áp dụng phương pháp dân gian, nhân viên vệ sinh của nhà trường cũng tăng cường công tác dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ xung quanh lớp học, khuôn viên trường mang đến không khí trong lành, giảm thiểu mầm mống gây bệnh.
|
Các cháu đang ngồi bên bếp bồ kết.
|
Không những thế, tất cả đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường cũng tăng cường giữ sạch sẽ vệ sinh chung do thời tiết ẩm ướt, nhiều muỗi. Bản thân các nhân viên chăm sóc, nhân viên y tế, nhân viên đi phát cơm cho các con cũng được trang bị khẩu trang và được trang bị kiến thức phòng tránh dịch sởi. Quy trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm để tất cả giáo viên cùng vào cuộc chống dịch bệnh.
“Đối với phụ huynh, nhà trường cho dán các tờ giấy về dịch sởi khắp 3 cổng ra vào của trường, đưa lên website của trường, nhắn tin qua sổ liên lạc của các cháu để phụ huynh học sinh được biết đầy đủ các thông tin về dịch bệnh sởi. Nhà trường cũng đã có chỉ thị với bảo vệ là khi phụ huynh đem con đến trường không đeo khẩu trang cho các cháu thì nhắc nhở nhẹ nhàng cho phụ huynh nhớ", bà Thủy nói.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng tâm sự: “Trên đường từ nhà đến trường nhiều phụ huynh không cho con đeo khẩu trang cũng phải thông cảm cho họ. Công việc bận rộn đến mình cũng quên chứ không riêng gì ai. Vì vậy, mình rất thông cảm với phụ huynh. Có điều phòng bẹnh còn hơn để các các con bị nhiễm bệnh rồi mới chữa vì thế rất mong các bậc phụ huynh biết chủ động giữ gìn và bảo vệ con em mình cũng với nhà trường hơn nữa".
Tiến Dũng - Trà Đức