Rau dền giàu vitamin A, B, C, PP và chứa gần 10 axit amin cần thiết nhưng loại rau này tính lạnh, dễ gây đi ngoài (nhất là loại tía), nên không dùng cùng với các thức ăn có tính lạnh như tiết, ba ba.
Cây dền tía là loại thức ăn thông dụng. Thân và lá thường làm thức ăn luộc, nấu canh. Dền tía vị ngọt, tính mát, giúp thanh nhiệt, làm mát máu, lợi tiểu, sát trùng, trị nọc ong, rắn rết, dị ứng mẩn ngứa, kiết lỵ, viêm gan vàng da. Để chữa bệnh hậu sản, dùng dền tía nấu canh hoặc xay lấy nước nấu cháo.
Để phòng chữa dị ứng, giảm tác hại của xạ trị, phóng xạ, lấy rau này thái nhỏ, đun sôi 300ml nước rồi cho vào; khi sôi lại thì cho 50g gan lợn thái miếng đã được ướp gia vị và xào với tỏi sẵn. Nếu phòng bệnh thì ăn 2 - 3 lần/tuần, còn chữa trị thì ngày một lần.
Rau dền cơm dùng để luộc, xào, nấu canh ngọt hơn dền tía; làm thuốc tương tự dền tía nhưng rau có tác dụng lợi tiểu, chữa viêm bàng quang. Để chữa bệnh táo bón, huyết áp cao, nhức đầu, chóng mặt, nóng phừng mặt, lấy 250g dền cơm luộc sôi 3 phút, vớt ra trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen, ăn với cơm. Hạt dền cơm có vị ngọt, tính lạnh. Để mát gan, trừ phong nhiệt, chữa mắt kém, dùng bài thuốc: Bột hạt dền uống với nước sắc hạt muồng
ngủ (thảo quyết minh) 12g. Để lợi tiểu, dùng nước sắc hạt dền 20g. Hạt dền còn có ích cho khí lực, thông đại tiểu tiện, trừ giun đũa.
Lá dền gai giã nát, thêm nước, chắt nước uống, đắp bã để chữa rết cắn, ong đốt lở ngứa. Toàn cây cây chứa nhiều muối kali nên lợi tiểu, chữa sốt. Lá dền gai chữa viêm phổi, lỵ, giã nát đắp chữa bỏng, nhọt mưng mủ.