Loạn rượu “bổ” trên mạng
Riêng về các sản phẩm “ăn theo vua Minh Mạng" đã có đến hàng trăm loại thuốc mang tên “Nhất dạ ngũ giao” hoặc “Nhất dạ lục giao” dưới dạng ngâm rượu hoặc thuốc viên. Mội một toa Minh Mạng bao gồm đủ loại như bạch linh, bạch thược, cẩu kỷ tử, đại táo, đỗ trọng, đương quy, sa sâm, nhục quế, thục địa, phòng phong, huỳnh kỳ... và vô số thảo dược khác.
Theo hướng dẫn của người bán, các toa Minh Mạng này có thể sắc uống với liều lượng một thang mỗi ngày, không nên lạm dụng. Có thể ngâm rượu, mỗi ngày nên uống hai lần sau bữa ăn, mỗi lần một ly nhỏ khoảng 30ml. Tuy nhiên, những gói thuốc kiểu này đều là hàng tự gia công, pha chế, khó ai có thể kiểm soát bên trong nó thực chất có những thành phần nào?
Anh Văn Tuấn, một nhân viên văn phòng cho biết “Mỗi lần truy cập các trang web, diễn đàn rao vặt là tôi lại thấy vô số các topic chào bán rượu thuốc tráng dương bổ thận. Nhiều nhất là các loại rượu Amakong, Minh Mạng… Người bán đều quảng cáo rượu của mình chế biến từ những bài thuốc tráng dương bổ thận của người xưa dành cho phòng the, ngâm từ các loại động vật quí hiếm nhưng chẳng biết chất lượng ra sao?”.
Rượu “sung” kiểu này có giá “siêu rẻ”, đa số đều được rao bán đến chỉ từ 100.000 – 350.000 đồng/lít. Ngoài các loại rượu bổ, rượu thuốc, nhiều chợ mạng còn xuất hiện các topic rao bán rượu ngâm động vật như rượu cá ngựa, rượu ngâm huyết chim, huyết rắn hổ mang, rượu ngâm tay gấu, “hươu siêu nhỏ”, mã pín…. Loại rượu ngâm động vật có giá bán ở dạng “thương lượng”, tuỳ theo nhu cầu của người mua và liên hệ với số điện thoại người bán hàng để được “tư vấn” thêm.
Anh Hoàng Long, một lái xe bus cho biết, tình cờ truy cập vào một trang web rao vặt, anh đọc được mẫu tin bán rượu ngâm cá ngựa có giá 800.000 đồng/lít. Thấy người bán up ảnh cả bình rượu ngâm đầy cá ngựa khô có vẻ “chất lượng”, anh đặt mua một chai để “cải thiện” sinh lí.
“Ngâm được vài tháng thấy rượu uống có mùi khen khét, thử moi một con cá ngựa khô ra xem thế nào thì hoá ra là cá bằng… nhựa dẻo. Đốt lên còn cháy khét lẹt, không hiểu các loại tay gấu, mã pín khác có phải làm bằng nhựa kiểu này không? Thế là suốt mấy tháng, mình uống biết bao nhiêu hoá chất từ nhựa trong đấy rồi”,. anh Long lo lắng.
|
Rượu ngâm các loại động vật được rao bán công khai trên các diễn đàn mạng |
Rượu ngâm cực kì độc hại
Thượng tá Vũ Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng Giám định Hóa pháp lý, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, không chỉ nhựa mà vỏ, thân, lá, quả cây thuốc phiện đều chứa tính độc, chất gây nghiện. Người uống loại rượu này có thể mắc nghiện.
Theo một chuyên gia của Viện khoa học hình sự, nhiều người nghĩ uống rượu ngâm vỏ, thân, lá, quả cây thuốc phiện có thể nâng cao khả năng sinh lý song đó đều là ảo giác. "Sử dụng rượu ngâm cây thuốc phiện rất hại cho thận và gan", vị chuyên gia nói.
Theo cuộc điều tra của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), các chuyên gia đã thống kê trên 1.300 người tại châu Âu, có đến 1/3 nam giới và 1/5 nữ giới độ tuổi từ 16 đến 35 uống rượu với mục đích tăng khả năng giường chiếu. Tại Việt Nam, quan điểm uống rượu sẽ giúp đàn ông mạnh mẽ hơn trong chuyện gối chăn dường như tạo được niềm tin ở hầu hết những người đàn ông thích rượu.
Tuy nhiên, y học đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Bác sĩ Chu Hoàng Giang - Bệnh viện Nam khoa và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hiện chưa có một nghiên cứu khoa học tổng thể nào chứng minh rượu ngâm các loại động vật quý hiếm như máu chim, rắn hay các bộ phận của gấu…lại có tác dụng bổ thận tráng dương.
Trong khi đó, việc sử dụng thịt, bộ phận sống của các động vật quý hiếm ngâm rượu sẽ độc hại bởi thịt sống sẽ bị phân hủy vào trong rượu, uống rất mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn. Theo các kết quả nghiên cứu, đàn ông thường xuyên có lượng rượu khoảng 300 ml thì coi như đã liệt dương hoàn toàn.
Vì vậy, người bình thường cũng không nên uống rượu hay lạm dụng rượu bổ bởi thực tế, thái quá sẽ sinh bất cập, tức là vượng lên quá sẽ liệt hẳn. Bệnh nhân mắc chứng liệt dương thì tuyệt đối không nên uống rượu.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cũng cho biết tỷ lệ rượu giả, rượu nhập lậu đang giảm mạnh trong trong những năm gần đây, đứng ở mức khoảng 4,4% cuối năm 2011 theo một cuộc khảo sát chính thức do NSP - một công ty nghiên cứu thị trường về thức uống có cồn thực hiện.
Theo ông Bảo, số lượng vụ ngộ độc cấp do rượu không lớn, nhưng tỷ lệ chết người vẫn còn cao. Theo số liệu thống kê được thì từ năm 2007- 8/2012 có 36 vụ ngộ đôc do rượu với số người mắc là 249 người và số người chết là 66 người, trong đó số người chết do uống rượu trắng có methanol cao là 26 người, tiếp đến là do uống rượu trắng 20 người và rượu ngâm cây rừng độc là 13 người.
Cũng theo báo cáo của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, nguyên nhân ngộ độc rượu do người dân sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, tự ngâm động vật, thực vật để uống; do gian lận thương mại, đặc biệt là tình trạng sử dụng methanol làm tăng độ cồn trong rượu đã gây ra nhiều tình trạng tử vong. Ngoài ra còn do thị trường sản xuất, kinh doanh rượu đa dạng, phức tạp, khó quản lí với hàng nghìn cơ sở sản xuất, hàng vạn cơ sở kinh doanh khác nhau mà chủ yếu là hộ gia đình.
VietQ