Vừa qua báo Dân trí đưa tin, tại quán cà phê ở Kiên Giang trưng 2 bình rượu trong đó có một bình rượu ngâm cả một con ngựa con còn nguyên vẹn các bộ phận. Con ngựa con có trọng lượng khoảng 5-6kg, tứ chi co rúm, trông rất đáng thương.
Bình rượu không chỉ để trưng bày mà còn được người chủ thường xuyên sử dụng và rất quý dù công dụng tác dụng của nó thế nào.
Thực tế, những hình ảnh trên không phải hiếm. Ở nước ta, việc người dân ngâm các loại rượu, rắn, rượu chim, rượu tắc kè, rượu ngựa hay một loại động thực vật nào đó để tẩm bổ là khá phổ biến.
Chỉ cần có tin đồn loại rượu đó bổ âm, bổ dương, hay nhiều dinh dưỡng là dân đua nhau đem nguyên con, nguyên cây, nguyên củ thả vào rượu ngâm rồi uống... mà không cần biết nó có lợi như lời đồn hay không.
|
Bình rượu ngâm một con ngựa con còn nguyên ở Kiên Giang gây ám ảnh người xem. Ảnh: Dân trí |
Theo lương y Lê Văn Cảnh: "Với các con vật, nếu dùng rượu 40 độ hay thấp hơn để ngâm rồi uống thì sẽ rất bẩn và độc. Bởi rượu nồng độ đó không làm chín con vật, dẫn tới con vật bị phân hủy và sản sinh các vi sinh và độc tố.
Uống loại rượu với kiểu ngâm như thế vừa mất vệ sinh vừa nguy hiểm có thể đưa độc chất vào cơ thể, bổ dọc bổ ngang chưa thấy đâu nhưng đã rước lấy hại vào người".
Theo đông y thì các bài thuốc ngâm rượu từ động vật hay thực vật muốn có tác dụng và không gây hại thì phải đúng bài, đúng vị, đúng tỉ lệ thành phần kết hợp với nhau theo đơn của các lương y hoặc người có chuyên môn. Việc tự ngâm rồi uống theo kinh nghiệm của người dân mình rất dễ gây hại hoặc trở thành độc dược.
Ngựa được
đông y và khoa học chứng là một kho dược liệu sống quý hiếm. Thịt ngựa có vị ấm, bổ máu, bổ thần kinh, mạch cơ xương, cứng gân... Cao xương ngựa bạch có tác dụng rất tốt với chứng đau nhức xương khớp , đau lưng, loãng xương, bổ dưỡng ích khí...
Tuy nhiên rượu ngâm ngựa con thì không có bất cứ một bài thuốc hay tài liệu nào cho thấy tác dụng của nó với sức khỏe và cơ thể người.
Thu Nguyên