Ba bệnh nhân Ebola ở Mỹ là Sacra, nữ y tá gốc Việt Nina Phạm và phóng viên NBC Ashoka Mukpo đều được truyền máu của bác sĩ Brantly, người đánh bại
vi rút Ebola. Và cả ba đều hồi phục. Các chuyên gia cho biết trong máu người sống sót có chứa kháng thể chống Ebola.
Chính điều này đã tạo cơ sở cho việc phát minh huyết thanh tử máu người khỏi bệnh Ebola để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm vi rút tử thần này. Đặc biệt là trong bối cảnh căn bệnh khủng khiếp chưa có thuốc đặc trị, phác đồ cụ thể cũng như không có vắc xin để ngăn chặn, liệu pháp sử dụng máu của người sống sót được kỳ vọng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) như một "biện pháp khắc phục hiệu quả".
Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) bác sĩ Marie Paule Kieny, đại diện WHO, cho biết huyết thanh từ máu người khỏi bệnh Ebola sẽ có mặt ở Liberia trong vài tuần tới. Bà cho biết WHO cũng đang nỗ lực sản xuất thuốc và vắc xin chống Ebola để sử dụng vào đầu năm 2015.
|
Truyền máu từ người hồi phục sau nhiễm Ebola có thể chữa khỏi cho những người nhiễm loại vi rút này. |
Các chuyên gia y tế cho rằng trong máu của những người khỏi bệnh Ebola có chứa các kháng thể chống lại vi rút nguy hiểm này. Ở Mỹ, bác sĩ Ken Brantly từng sống sót sau khi bị nhiễm Ebola đã hiến máu cho ba người bệnh, trong đó có nữ y tá gốc Việt Nina Phạm. Hiện Nina Phạm đang phục hồi tốt.
Nữ y tá Tây Ban Nha Teresa Romero, người đầu tiên nhiễm virút Ebola cũng được điều trị bằng phương pháp này và đã khỏi bệnh. Dù vậy, bác sĩ Kieny cho biết phương pháp trị liệu này cũng có một số rủi ro. WHO đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể. Bất kỳ ai hiến máu sẽ phải xét nghiệm HIV và viêm gan.
Hôm 21/10, bệnh viện Nebraska cũng đưa ra thông báo, nhà quay phim của đài NBC, bị nhiễm Ebola tại Liberia, đã được chữa khỏi và có thể trở về nhà vào hôm nay 22/10. Ashoka Mukpo cũng được bác sĩ Kent Brantly (người sống sót khi nhiễm Ebola tại Liberia do được truyền máu từ cậu bé 14 tuổi) truyền máu.
Mặt khác, phương pháp điều trị này từng được sử dụng từ các ổ dịch đầu tiên Ebola năm 1976 tại Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo). Nó đã cho thấy "kết quả đầy hứa hẹn", theo báo cáo của WHO. Nhiều bệnh nhân được truyền máu đã hồi phục. Năm 1999, tạp chí Journal of Infectious Diseases công bố một bài báo phân tích sự thành công của việc truyền máu trên một số bệnh nhân nhiễm Ebola bùng phát trong năm 1996 tại Kikwit, Congo. Trong số 8 trường hợp tham gia thử nghiệm, chỉ có một người tử vong.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại phương pháp này cũng tồn tại nhiều yếu tố rủi ro. Theo ông Jeffrey Klausner, giáo sư y khoa tại Đại học California, Los Angeles, nếu không có các biện pháp thích hợp, bác sĩ có thể đưa bệnh nhân đến nguy cơ mắc bệnh như AIDS, giang mai hoặc đối diện với các phản ứng xấu khi truyền máu. Hơn nữa, hiện vẫn chưa công bố cụ thể và chính xác về hiệu quả điều trị của biện pháp này.
Để ngăn chặn rủi ro, WHO khuyến cáo các bác sĩ chỉ lấy máu từ người sống sót sau khi thử nghiệm các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan C. "Các nhóm máu phải phù hợp để tránh những phản ứng truyền máu", tiến sĩ Amesh Adalja, từ Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA) khuyến cáo.
Trong khi đó, giám đốc một trung tâm điều trị ở Liberia, nước đang bị dịch Ebola tàn phá mạnh nhất tây Phi, đã kêu gọi những người từng bị nhiễm Ebola hiến máu để điều trị cho các bệnh nhân đang mắc bệnh.“Chúng tôi cần những người đã thoát khỏi bệnh đến đây và giúp chúng tôi bằng cách hiến máu”, Attai Omoruto, bác sĩ người Ugandan đang chịu trách nhiệm điều hành bệnh viện Island Clinic gồm 150 giường mới mở tại thủ đô Monrovia của Liberia.
Linh Chi (TH)