Tập bóp bóng phòng trị thoái hóa khớp tay

Google News

(Kiến Thức) - Xung quanh bàn tay có các khớp cổ tay, khớp ngón tay là hay bị thoái hóa nhất. Hy vọng những bài tập, cách chườm, xoa dưới đây sẽ giúp bệnh nhân cải thiện chứng bệnh trên.

Tiếp xúc nhiều với nước cũng sinh bệnh
Thoái hóa các khớp xung quanh bàn tay có nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố nghề nghiệp là một trong những nguyên nhân chính. Theo đó, các hoạt động nghề nghiệp khiến các ngón tay phải hoạt động nhiều mà không được thư giãn từng thời gian ngắn như nghề thợ may, lái xe, đánh máy tính. Đặc biệt, những nghề hay tiếp xúc với nước như nấu ăn, bán cá, làm nghề đông lạnh... 
Thời gian đầu bệnh nhân sẽ thấy đau, sưng các đốt ngón tay, làm cho các ngón tay không nắm vào, duỗi ra được. Nhất là ngón cái khi quặp vào và duỗi ra gây tiếng kêu, không nắm khít được bàn tay, không xòe các ngón tay về phía mu bàn tay được. Lúc này, người bệnh thường nghĩ tới việc sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm. Tuy nhiên, về lâu dài sử dụng một số thuốc này gây giòn xương, khiến tay dễ gẫy khi chỉ một va chạm nhỏ. Thời gian sau, một khi cơn đau đã trở nên trầm trọng, ngay cả lúc nghỉ ngơi không tác động tới khớp, lúc này thì người bệnh lại tìm mọi cách để phục hồi khớp. Song thoái hóa khớp cũng như nhiều bệnh lý khác, cần phải điều trị sớm mới cho hiệu quả cao. Đối với Đông y, bạn có thể sử dụng một số biện pháp sau để cải thiện chứng bệnh mà không gây tác dụng phụ.
TS Nguyễn Văn Chương hướng dẫn tập động tác nắm, duỗi tay. 
Ngâm nóng bằng nước gừng
Đây là biện pháp cơ bản nhưng cho tác dụng khá tốt. Người bệnh dùng xả, gừng, lá nốt đập nhỏ cho vào xô, đổ nước sôi vào và ngâm, khi thấy nước ấm thì cho tay vào, dùng khăn đạy miệng xô để giữ nhiệt được lâu. Thời gian ngâm tay khi nào nước nguội thì thôi. Chú ý khi ngâm tay vào xô cần nắm, xòe, vận động cổ tay trong xô. Khi ngâm xong, lau khô tay rồi xoa thuốc thảo dược như hồi, quế, địa liền, khúc khắc, dầu bạc hà...
Vận động cổ tay 
Đây là biện pháp thường xuyên để phòng và điều trị bệnh thoái hóa khớp tay. Theo đó, người bệnh có thể áp dụng một số bài tập cơ bản sau đây.
* Tập nắm, duỗi tay: Bàn tay nắm vào và duỗi ra khoảng 50 nhịp rồi đổi bên. Động tác này giúp cơ được mềm, dẻo.
* Tập bóp bóng: Hằng ngày, bạn dùng quả bóng cao su hoặc quả bóng tennis bóp nhiều lần. Động tác này rất tốt, giúp cho toàn bộ các khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay được co giãn, chống cứng khớp, vận động dễ dàng.
Ở Việt Nam, thoái hóa khớp tay chiếm tỷ lệ 14%, đứng hàng thứ tư trong các vị trí thoái hóa khớp thường gặp. Để bệnh tránh tái phát, trong đợt điều trị hoặc các đợt lạnh, người bệnh cần chú ý không nên dùng nước quá lạnh, khi đi ra ngoài đường hoặc lúc nhiệt độ xuống thấp cần đeo găng tay, để mạch khỏi co cứng...
TS Nguyễn Văn Chương (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nội - Nhi - Y học Cổ truyền, Bệnh viện Bộ Năng lượng)