Hỏi: Tôi hiện đang bị phù toàn thân. Có người mách nên ăn thịt trâu nhưng tôi sợ độc. Xin hỏi, ăn thịt trâu hay thịt bò thì tốt hơn? Cách dùng thịt trâu chữa thủy thũng - Lê Hồng Anh (Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Thịt trâu còn gọi là thủy ngưu nhục, vị ngọt, tính mát, có công dụng bổ tỳ vị, ích khí huyết, cường gân cốt, thường được dùng để chữa các chứng lao lực, tiêu khát, tỳ nhược bất vận, thủy thũng, lưng gối đau mỏi và mềm yếu.
Y thư cổ "Bản thảo thập di" cho rằng, thịt trâu có công dụng "tiêu thủy thũng, trừ thấp khí, bổ hư, lệnh nhân cường cân cốt, tráng kiện". Kinh nghiệm dân gian cho rằng, thịt trâu lành hơn thịt bò và thường dùng thịt trâu luộc chín, thái mỏng, chấm với nước mắm gừng, giấm ăn để chữa thủy thũng do tỳ hư (thủy thũng là loại bệnh do công năng bài tiết thủy dịch trong cơ thể mất bình thường, thủy dịch ứ đọng lại gây nên phù thũng cục bộ hoặc toàn thân. Chất nước ứ đọng trong cơ thể, tràn ra da, thớ thịt, làm cho mặt, mi mắt, chân tay, lưng bụng, thậm chí toàn thân phù, gọi chung là thủy thũng).
Để chữa chứng không muốn ăn do tỳ vị hư nhược, sách "Ẩm thực chính yếu" khuyên nên dùng thịt trâu, vỏ quýt, giềng, sa nhân và thảo quả, tất cả đem băm nhỏ, trộn với nước gừng, nước hành tươi rồi đem rang khô để dùng làm thức ăn hằng ngày.
TN (ghi)