Dập tắt dịch càng sớm càng tốt
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63 tỉnh, TP. Tính đến ngày 23/4, cả nước ghi nhận 3.569 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Số trường hợp mắc chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Bắc và miền Nam, riêng Hà Nội chiếm 37% số ca mắc được ghi nhận. Tại một số bệnh viện (BV) tuyến T.Ư, số bệnh nhân sởi mới nhập viện có xu hướng chững lại và không tăng so với những ngày đầu tháng 4/2014. Về tử vong, tính đến thời điểm này, có 25 ca tử vong trực tiếp do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi, chủ yếu vào điều trị tại các BV tuyến T.Ư.
|
Điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh sởi tại khoa Nhi, Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới T.Ư. |
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết một số khó khăn trong phòng, chống sởi là thời gian gần đây, ảnh hưởng của một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng nên người dân có tâm lý e ngại không đưa con đi tiêm chủng, trong đó có vaccine sởi. Bên cạnh đó, tình trạng người dân vượt tuyến, dù bệnh nhẹ vẫn đưa con đến BV Nhi T.Ư dẫn đến hiện tượng lây chéo, nhiễm bệnh và tử vong, ngoài ra, thời tiết nóng ẩm đang là điều kiện thuận lợi để virus phát triển, khó kiểm soát.
Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc giám sát tình hình dịch bệnh, cấp cứu, điều trị đối với bệnh nhân sởi, hạn chế thấp nhất tử vong do sởi. Đồng thời, quan tâm thực hiện hiệu quả các biện pháp chống lây nhiễm chéo, không để lây nhiễm chéo; đảm bảo đủ nhân lực, kinh phí, thuốc men, phương tiện cho công tác phòng chống dịch sởi; phải quyết tâm dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Đủ vaccine đáp ứng nhu cầu tiêm chủng
Trong một nỗ lực khẩn trương phòng, chống dịch, ngày 23/4, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, TP hướng dẫn mua vaccine phục vụ nhu cầu tiêm phòng, trong đó có cả loại vaccine do ngân sách Nhà nước và BHYT chi trả thực hiện theo quy định và vaccine phục vụ tiêm dịch vụ. Ông Nguyễn Tất Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược chỉ rõ, trong thời gian qua, việc lập dự trù, đặt hàng của một số cơ sở tiêm chủng chưa kịp thời, dẫn đến việc thiếu vaccine cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân kèm theo việc giải thích không rõ ràng dẫn đến hiểu lầm là Bộ Y tế không cấp phép kịp thời, đặc biệt là vaccine sởi và vaccine thủy đậu. Ông Đạt cho biết, hiện có 2 loại vaccine phòng bệnh sởi đơn giá và 6 vaccine phòng bệnh sởi đa giá (sởi, quai bị, rubella) có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực.
Trong đó, vaccine sởi đơn giá do Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế sản xuất, với công suất 7,5 triệu liều/năm, có thể đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của Nhân dân. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Dược phẩm Sài gòn (Sapharco) và Công ty TNHH MTV Vaccine, sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang có vaccine phòng bệnh thủy đậu đủ cho nhu cầu tiêm chủng. Cục Quản lý Dược cũng có công văn đề nghị Cục Y tế dự phòng có văn bản hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng chủ động liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vaccine để ký hợp đồng cung ứng.
Cùng ngày 23/4, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu triển khai nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia về bệnh sởi mang tên "Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, virus, miễn dịch, lâm sàng và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở Việt Nam năm 2013 - 2014". Đề tài đã được Bộ KH - CN phê duyệt thực hiện trong thời gian 6 tháng và có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực dịch tễ học, miễn dịch học, virus học, lâm sàng bệnh sởi. Kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra các bằng chứng khoa học nhằm áp dụng các biện pháp hiệu quả nhất khống chế bệnh sởi. Đây là vấn đề mà Tổ chức Y tế thế giới cũng như nhiều quốc gia quan tâm, đầu tư nghiên cứu trong thời gian tới.
Tối 23/4, theo thống kê của Sở Y tế, số bệnh nhân phát ban nghi sởi vào viện trong ngày là 114 ca, trong đó, BV T.Ư 14 ca, các BV của Hà Nội 100 ca. Cũng trong ngày, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra công tác tiêm vét vaccine và phòng chống dịch sởi tại huyện Chương Mỹ. Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vaccine miễn phí phòng sởi cho trẻ em từ 9 tháng đến 71 tháng tuổi tại điểm tiêm 70 Nguyễn Chí Thanh và 30 điểm tiêm tại Trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã.
Theo Kinh tế và Đô thị