Quyết tâm “dẹp” sởi bằng tổ chức chích ngừa
BS Thọ nhấn mạnh, thông thường, trẻ sẽ chích tất cả 2 mũi ngừa sởi. Mũi thứ nhất vào lúc 9 tháng và mũi thứ 2 vào lúc 18 tháng tuổi. Nếu trường hợp nào chưa chích đủ liều sẽ được chích bổ sung. Thậm chí nếu phụ huynh không nhớ rõ đã chích sởi cho con chưa vẫn nên đưa trẻ tới trạm y tế phường chích tiếp mũi sởi nữa cho chắc. Chỉ cần lần chích này cách lần chích trước đó (bất kể là chích ngừa gì) một tháng là được.
Sởi là một bệnh có trong chương trình tiêm chủng quốc gia và có thể điều trị tại nhà. Nhưng từ trước Tết, tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM mỗi ngày nhận thêm từ 5 – 7 ca sởi mới (cả người lớn và trẻ em), lượng bệnh nhân sởi phải điều trị nội trú tại bệnh viện này luôn ở mức 25 ca/ngày. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 cũng tương tự.
|
Trẻ em bị sởi, người lớn cũng bị sởi đang điều trị tại khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM. |
ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, hiện tại khoa có 24 bé đang nằm viện điều trị sởi, chiếm ¼ trên tổng số ca bệnh nhiễm, trong đó có 5 trường hợp sởi nặng bị biến chứng sang phổi.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện tại khoa này có hơn 30 trẻ đang nằm viện điều trị sởi. Bình thường, số trường hợp trẻ phải nhập viện để điều trị bệnh này chỉ vài ba ca.
Nhiều bác sĩ lý giải, nguyên nhân bùng phát dịch sởi như trên do người dân sợ biến chứng nên không đưa trẻ đi chích đủ liều.
Chích ngừa sởi tại trạm y tế vào thứ 7 và chủ nhật
Triển khai công tác phòng, chống sởi, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ đã thống nhất với đại diện y tế của 24 quận, huyện bắt đầu tổ chức chích ngừa sởi tại trạm y tế vào thứ sáu và thứ bảy mỗi tuần, bắt đầu từ ngày 7/3.
Ngoài ra, để tiện cho phụ huynh, ở những điểm như trường học, lớp học có từ 30 trẻ trở lên sẽ được ngành y tế địa phương đến tổ chức chích ngừa tại chỗ.
Theo số liệu thống kê từ Viện Pasteur TP.HCM, hiện 19 tỉnh thành phía Nam đã có ổ bệnh sởi. Trong đó, 43% là trẻ dưới 18 tháng tuổi và 13% là trẻ dưới 9 tháng tuổi.
Cúm gia cầm rình rập
Song song với dịch sởi, đại diện phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cảnh báo: “Mặc dù chưa phát hiện ca cúm A/H7N9 nào nhưng TP. ta đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn.”
Trước tình hình đó, Sở Y tế TP. đã chỉ đạo xuống y tế các quận/huyện lập đội phản ứng nhanh để rà soát các trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh, chuẩn bị về thuốc men, nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó khi có dịch cúm xảy ra.
Đại diện trung tâm y tế dự phòng tại một số quận/huyện cũng phản ánh trong buổi họp giao ban quận, huyện về tình trạng nuôi gà đá tự phát, rất khó quản lý trong dân chúng.
Một trong số phản ánh đó là Trung tâm Y tế Dự Phòng quận Tân Phú: “Trên địa bàn quận Tân Phú người dân nuôi gà đá rất nhiều. Nhỡ có dịch cúm gia cầm xảy ra sẽ rất khó kiểm soát. Chúng tôi đã kiến nghị với UBND quận và về phía UBND cũng đã triển khai một số biện pháp nhưng gần như phải…bó tay.”
Tình trạng nuôi gà đá, tự phát trong dân cư tại TP. không hề ít. Dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa (quận 1, Phú Nhuận) có khá nhiều hộ dân nuôi gà đá, gà cảnh. Hiện nay, tình trạng cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp ở Trung Quốc, Việt Nam lại có đường biên giới khá dài với Trung Quốc nên đứng trước nguy cơ rất cao.
Trong buổi họp trực tuyến về công tác phòng chống cúm A/H7N9 giữa Bộ Nông nghiệp phát triển và Nông thôn cùng các tỉnh, thành và các bộ phận liên quan vừa xong đã cho thấy tình hình cúm gia cầm đang rất cấp bách.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng TP.HCM không phải là ổ dịch nhưng là nơi tiêu thụ gia cầm rất lớn.
Đến nay, TP.HCM còn tồn tại 13 quận/huyện với 45 điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống không phép. Trước tình hình trên, TP. đã tăng cường thêm 2 đoàn kiểm tra để kiểm soát 4 cửa ngõ ra vào TP. Sở Y tế TP. cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng phòng dịch.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết TP.HCM có nguy cơ bị lây cúm gia cầm rất lớn từ khu vực giáp ranh biên giới ở địa phận Tây Ninh. Vừa rồi trên kênh Đông (huyện Củ Chi) đã phát hiện 11 bao gia cầm chết bị thả trôi. Chi cục thú y cũng đã xét nghiệm các mẫu gia cầm của người chăn nuôi tại khu vực giáp ranh này và phát hiện 1 mẫu dương tính với cúm A/ H5N1 trên đàn gia cầm của một hộ.
Hiện, ngoài 4 đoàn kiểm tra tại 4 cửa ngõ của TP., TP.HCM cũng đã thành lập thêm 3 đoàn kiểm tra liên ngành. UBND TP.HCM chỉ đạo tất cả các quận, huyện phải xử lý kiên quyết để những điểm nóng không trở thành điểm đen về buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép.
Đặc biệt, ngành y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối sau khi về quê không mang theo gia cầm sống lên. Mỗi tuần ngành thú y TP. bắt quả tang và xử lý hơn 1 ngàn con gia cầm lậu, chủ yếu do người dân từ quê “xách tay” lên hoặc vận chuyển bằng xe khách, xe máy (tại địa phận huyện Bình Chánh và Hóc Môn, nơi tiếp giáp với Long An, Tây Ninh).
Bùi Hương