Vì sao Vitamin C là “thần dược” khỏe đẹp?

Google News

(Kienthuc..net.vn) - Đặc biệt, vitamin C, giúp chống lại sự hình thành "nitrosamin" (là những chất gây ung thư, do vi khuẩn lên men nitrat thành nitrit rồi thành nitrosamin).


Vitamine C giúp hình thành collagen
Ảnh minh họa. 

Vitamin C là sinh tố tan trong nước và là một chất chống oxy hóa hiệu nghiệm. Hầu hết các loài động vật đều tự tổng hợp được vitamin C, nhưng con người, loài vượn và giống bọ thì phải dựa vào nguồn ăn uống.

Vitamin C đóng một vai trò chủ yếu trong việc hình thành collagen (chất cốt giao), rất quan trọng cho việc tăng trưởng và tái tạo  những tế bào mô của cơ thể, những nướu răng, mạch máu, xương và răng. Giúp sự hấp thu sắt vào cơ thể và chống stress. Nhu cầu sinh tố C hằng ngày cho người lớn là 60mg. Phụ nữ mang thai và cho con bú liều dùng đề nghị tăng là 100mg/ngày. Những người hút thuốc hay người già, người sống ở đô thị ô nhiễm nhiều thì nhu cầu vitamin C cao hơn, bởi mỗi điếu thuốc tiêu hủy từ 25 - 100mg sinh tố C. 

Vitamin C có tác dụng ngăn ngừa bị xơ cứng động mạch, làm lành vết thương, vết bỏng và lợi bị chảy máu. Vitamin C giúp gia tăng hiệu quả những thuốc được sử dụng trong những trường hợp nhiễm trùng đường tiểu, đường hô hấp, giúp nhanh chóng hồi phục sau khi mổ. Giúp giảm cholesterol trong máu. Giúp ngăn ngừa nhiều loại nhiễm trùng do virus hay vi khuẩn và thường làm mạnh hệ thống miễn nhiễm. Bảo vệ chống lại nhiều bệnh ung thư.

Đặc biệt, vitamin C, giúp chống lại sự hình thành "nitrosamin" (là những chất gây ung thư, do vi khuẩn lên men nitrat thành nitrit rồi thành nitrosamin). Nó có tác dụng như một chất nhuận tràng tự nhiên, làm giảm nguy cơ đông máu ở tĩnh mạch, giúp điều trị và ngăn ngừa những bệnh cảm cúm thông thường. Tác dụng kéo dài tuổi thọ của vitamin C là bởi khả năng chống oxy hóa và liên kết những tế bào lại với nhau. Ngoài ra, sinh tố C còn giúp, làm tăng sự hấp thu sắt vô cơ, giảm hậu quả của những chất gây dị ứng; giúp giảm cao huyết áp, ngăn ngừa bệnh hoại huyết. Thiếu vitamin C sẽ bị bệnh  hoại huyết. 

Sinh tố C có nhiều trong trái cây chua thuộc họ cam quýt, dâu, những loại rau lá xanh, cà chua, dưa hấu, cải bông, cải bắp, khoai tây và rau quả tươi khác.

Liều dùng mỗi ngày thông thường từ 100 - 500mg sinh tố C là đủ. Dùng quá liều có thể gây ra sự hình thành những loại sạn oxalat và urat. Vì vậy, tốt nhất là bổ sung vitamin C bằng ăn uống. Trường hợp muốn bổ sung vitamin C bằng thuốc nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.

Quá liều vitamin C gây tiêu chảy, buồn nôn, ngứa ngáy, tiểu giắt... Hấp thu nhiều vitamin C làm tăng nguy cơ lắng đọng tại thận, gây sỏi thận. Những bệnh nhân bị thừa sắt như bệnh thiếu men G6PD, khi sử dụng vitamin C có thể làm tăng hấp thu sắt, dẫn đến thâm nhiễm, tổn thương các cơ quan, đặc biệt là gan.

Vitamin C có thể tương tác làm tăng tác dụng thái quá khi dùng chung một số thuốc. Ngoài ra, vitamin C liều cao còn phá hủy vitamin B12 trong cơ thể. 


DS Phan Đức Bình (Phó Chủ tịch Hội Tiêu dùng TPHCM)