“Xinh đẹp, trắng trẻo thì làm sao bị HIV được“

Google News

Lâm hơi đẩy cô gái bán dâm ra xa khi nghe cô thủ thỉ trong căn phòng mờ tối "Anh đeo bao vào đi, em bị HIV rồi đấy!". Nhưng cuộc vui vẫn tiếp tục. Hai năm sau, Lâm mới biết hai vợ chồng anh đã nhiễm HIV.

Theo khảo sát về nhân khẩu học và sức khỏe Việt Nam năm 2002 của Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em, có 88% người dân cho rằng HIV/AIDS là một bệnh chết người nhưng chỉ có 25% người có ý thức rằng, một người có bề ngoài khỏe mạnh bình thường vẫn có thể nhiễm HIV. Trên thế giới, 70% số ca nhiễm là do quan hệ tình dục khác giới. Ở Việt Nam hiện nay, con đường lây lan chủ yếu cũng là quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục với gái mại dâm.

Thạc sĩ Đào Quang Vinh, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng, cho biết, trong công việc của mình, anh từng hỏi chuyện nhiều cô gái bán hoa. Khi anh hỏi các cô gái có dùng bao cao su trong lúc tiếp khách không, các cô bảo có thì ít, số bảo không thì nhiều.

Anh kể câu chuyện về một cô gái bán hoa mới 19 tuổi ở một nhà nghỉ trên đường Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm. Cô còn trẻ, lại xinh xắn nhất trong gần 10 cô gái bán hoa ở nhà chủ nên cô “bao” luôn cả khách của những cô khác. Số lượng đàn ông “qua tay” cô ngày càng đông, cô cũng không nhớ nổi.

Khi anh hỏi cô có dùng bao cao su trong những cuộc mây mưa đó không, cô gái bảo có, nhưng phần lớn khách hàng không thích dùng, kể cả khi cô nói cô đã nhiễm HIV. “Trông em xinh đẹp thế này mà bị “ếch” thì anh cũng bị, sợ gì đâu”. Người ta đã không thích dùng thì cô cũng chẳng mất công nói đi nói lại làm gì. Một ngày một đêm, trung bình cô tiếp 5 người khách. Cô gái kể, những người nào cô thấy hiền lành thì cô mới bảo cho biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Trong đó, chỉ khoảng 1/3 số người này đồng ý dùng bao cao su. Thỉnh thoảng có người biết cô nhiễm HIV thì sợ hãi, không tiếp tục cuộc vui, nhưng số này rất ít.

 Kiến thức về HIV/AIDS đã được nâng cao, nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu biết đúng đắn về bệnh dịch này.

Hiện nay, số lao động nam từ nông thôn di cư lên thành phố tìm việc làm rất đông. Những thanh niên này xa vợ hoặc chưa có người yêu họ tìm đến với gái mại dâm đứng đường để giải quyết nhu cầu sinh lý. Kiến thức về HIV của họ chưa đầy đủ, nhiều người trong số họ cho rằng người nhiễm HIV phải gày gò, người lở loét chứ không thể trông đầy đặn, béo khỏe.

Mặc dù kiến thức của cộng đồng về HIV/AIDS đang được nâng lên, nhưng những hiểu biết không đầy đủ khiến nhiều người giật mình. Một cán bộ công tác tại một tỉnh miền núi (xin giấu tên) được mời tới một hội nghị về dự án phòng chống HIV/AIDS. Kết thúc buổi họp, người này lao về cơ quan với tâm trạng hớt hải. Mọi người hỏi có chuyện gì vậy, thì anh ta thở hắt ra, bảo: “Vừa nói chuyện với hai người nhiễm HIV, sợ quá”. Trưa hôm ấy, anh này nhịn ăn cơm, chỉ uống nước vì cứ thấy vướng vướng trong cổ họng...

Trong một lần gặp lại Anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ, người đầu tiên dũng cảm công khai tên thật và cho phát hình mình trên đài truyền hình để tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tôi được nghe câu chuyện về một trí thức.

Anh đã có bằng thạc sĩ, gia đình giàu có và nổi tiếng học rộng biết nhiều. Nhưng kiến thức cơ bản về HIV/AIDS lại “có vấn đề”. Sau buổi gặp gỡ với những người nhiễm HIV, anh vào nhà tắm, xối nước liên tục và tắm rất lâu. Thậm chí một trí thức học rộng hiểu nhiều, sau khi anh ở nhà tắm ra, vợ anh hỏi tại sao, anh trả lời: "Anh sợ nhiễm vì đã trót bắt tay với một người có HIV".

Hiểu biết lệch lạc và không đầy đủ khiến nhiều người kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS. Và cũng từ những hiểu biết lệch lạc này, cũng khiến nhiều người vô tình nhiễm HIV trong khi lẽ ra họ có thể tránh.

TIN LIÊN QUAN:


ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Gia đình