Tin đồn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt xảy ra vào sáng 21/2 khi chính vị chủ tịch này đang chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch kinh doanh. Tin đồn đã làm náo loạn hệ thống các ngân hàng và các giao dịch tiền tệ, tài chính, chứng khoán.
Chiều 21/2, giá vàng có xu hướng tăng so với sáng. Chiều thu mua ở 44,7 triệu đồng (tăng 300.000 đồng), còn chiều bán là 44,9 triệu (tăng 200.000 đồng). Trong khi đó, tỷ giá đô la sau khi chững lại vào buổi sáng, bất ngờ tăng vọt trở lại vào buổi chiều.
|
Ông Trần Bắc Hà |
Những tin đồn liên tiếp trong ngày đã khiến thị trường chứng khoán có một ngày khốn đốn. Lình xình phiên sáng, thậm chí tăng nhẹ 0,5 điểm trong đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, nhưng tới lúc đóng cửa ngày 21/2, VN-Index đã giảm hơn 18 điểm, chỉ còn lại 476,73 điểm. HNX-Index cũng lao dốc 3,55 điểm xuống mức 63,45 điểm.
Cụ thể, ngay những phút đầu tiên của phiên giao dịch chiều 21/1, hàng chục mã cổ phiếu lớn đồng loạt bán mạnh. Thống kê trên toàn thị trường cho thấy, có tới 425 mã giảm giá, trong đó 153 mã giảm sàn. Số cổ phiếu tăng giá chỉ 100 mã.
Trên sàn HoSE, các mã bluechips như BVH, REE, HPG, VSH, DIG bị giảm sàn, còn các “đại gia” vốn hóa lớn như MSN, VNM, GAS, VIC, VCB, DPM, FPT, HAG... cũng giảm điểm.
Các cổ phiếu lớn trên sàn HoSe khớp lệnh với khối lượng lớn từ vài trăm nghìn đến hàng triệu cổ phiếu. Sàn HNX ghi nhận sự sụt giảm mạnh của hàng loạt mã như SHB, SCR, VCG, PVL, KLS...
Đây là mức giảm mạnh nhất sau ngày 23/8/2012 (2 ngày sau khi bầu Kiên bị bắt) tới nay.
Theo thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/2/2013, vốn hóa thị trường sàn HSX đã giảm xuống còn 780.122 tỷ đồng từ con số 809.038 tỷ đồng thời điểm đóng cửa phiên 20/2. Như vậy, chỉ sau một ngày, vốn hóa sàn HSX đã lao dốc tới 28.916 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại sàn HNX, vốn hóa thị trường cũng giảm mạnh từ 100.833,5 tỷ đồng phiên hôm trước xuống còn 95.960,4 tỷ đồng phiên này, tương ứng mất 4.873,1 tỷ đồng.
Tổng thiệt hại toàn thị trường phiên này lên tới 33.789,1 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD).
Tuy nhiên, trong hôm nay (22/2), thị trường chứng khoán đảo chiều tăng trở lại sau khi những tin đồn thất thiệt ngày hôm qua đã chính thức bị bác bỏ.
VN-Index và HNX-Index cùng tăng hơn 2%. Các cổ phiếu hôm qua bị chất bán giá sàn thì sáng nay đồng loạt tăng mạnh.
Với nhận định của Chủ tịch BIDV thì những kẻ tung tin đồn đã tranh thủ trục lợi thu về ít nhất 500-700 tỷ đồng, trên thị trường chứng khoán cũng xuất hiện 4 mã nghi bị làm giá trong 3 phiên vừa qua.
Quay trở lại vụ việc bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB), bị bắt ngày 21/8/2012, một loạt các lãnh đạo ngân hàng khác như: ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank và ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Trần Xuân Giá, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cũng dính phốt.
|
Bầu Kiên |
Những tin đồn này đã ảnh hưởng không ít tới các giao dịch chứng khoán, làm thất thoát một khối lượng tiền lớn. Cụ thể:
Trong phiên giao dịch ngày 21/8/2012, VN-Index đóng cửa phiên giảm gần hết biên độ 4,67% xuống còn 416,84 điểm, trong khi HNX mất 5,24% xuống 66,95 điểm. Dữ liệu cuối ngày cho thấy giá trị vốn hoá thị trường trong phiên ngày 21/8 đã mất gần 19.119 tỷ đồng (920 triệu USD).
Tới phiên giao dịch ngày 23/8/2012, thị trường chứng khoán bất ngờ lao dốc mạnh. Lo ngại trước ACB, vốn là một cổ phiếu lớn có tầm ảnh hưởng mạnh tới HNX-Index, nhà đầu tư tháo chạy khỏi tất cả các sàn giao dịch từ sàn Hà Nội, sàn TP.HCM tới UpCom.
Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 23/8, VN-Index giảm 16,66 điểm, tương ứng 4,06% xuống 393,57 điểm HNX-Index giảm 3,59 điểm, tương ứng 5,55% xuống 61,06 điểm.
Bầu Kiên là người chịu thiệt hại nặng khi gia đình mất gần 300 tỷ đồng. Nhưng bầu Kiên không phải là người mất mát nhiều nhất. Vì bị bắt, bầu Kiên đã “thổi bay” 1.456,2 tỷ đồng của 5 đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Giá vàng tại Việt Nam tăng mạnh sau vụ bắt giam Bầu Kiên, vì người tiêu dùng cho rằng giữ vàng an toàn hơn là giữ tiền tại các ngân hàng. Các ngân hàng cũng phải mua thêm vàng để giao cho những người ký thác bằng vàng bây giờ muốn rút ra khỏi ngân hàng.
Với hệ lụy từ tin đồn, nhà đầu tư bị “đánh cắp” khối tài sản không hề nhỏ trên sàn chứng khoán. Những hoạt động giao dịch tiền tệ trong các ngân hàng bị xáo trộn, người dân ồ ạt đi rút tiền, trong khi đó, giá vàng cùng với giá đô la lại tăng lên.
Nhưng những ngày sau đó, với sự can thiệp của Nhà nước, mọi hoạt động giao dịch tiền tệ chứng khoán lại trở lại bình thường. Nhưng số tiền "khủng" đã mất đi do những tin đồn này không thể không khiến những nhà kinh doanh không đau lòng.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Nguyên Đa