Bước tiến mới trong điều trị rối loạn cương dương

Google News

(Kiến Thức) - Rối loạn cương (RLC) thường được biết đến với những tên gọi như “yếu sinh lý” hoặc “liệt dương”...

Về mặt y khoa, RLC được mô tả là “tình trạng mất khả năng đạt được và/hoặc duy trì tình trạng dương vật cương đủ cứng để thỏa mãn hoạt động tình dục” (Hội nghị đồng thuận của Viện Sức khoẻ Hoa Kỳ 1993).
Ngại chia sẻ khiến RLC càng trầm trọng
Mặc dù RLC là đề tài mà phần lớn nam giới đều thích giữ kín, nhưng nghiên cứu Global Better Sex Survey (Khảo sát tình dục tốt hơn toàn cầu) mới đây cho thấy, rối loạn cương dương ảnh hưởng đến 48% nam giới trong độ tuổi từ 25 - 74 và tuổi càng cao thì càng dễ bị RLC. RLC cũng có liên quan đến các bệnh lý nhất định. Trong đó, tỷ lệ mắc phải rối loạn cương dương cao hơn đáng kể ở nam giới có đái tháo đường (39%), béo phì (26%) và cao huyết áp (26%). RLC còn là một cơ hội để đánh giá tầm soát sức khỏe tim mạch của nam giới và can thiệp ở giai đoạn tiến triển sớm của bệnh (theo kết quả nghiên cứu của tác giả Morales AM và cộng sự năm 2009).
Tại Việt Nam, theo điều tra do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phối hợp với Tổng cục Thống kê dưới sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, số vụ ly hôn đang tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ. Theo nghiên cứu, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này như mâu thuẫn lối sống, ngoại tình, kinh tế, bạo lực gia đình... Tuy nhiên, ít ai biết đến một nguyên nhân thầm kín sâu xa với tên gọi "vấn đề 12 giờ" hay RLC. RLC là một bệnh lý mà nam giới không muốn nghĩ đến và không dám thừa nhận vì sợ đụng chạm vào "bản lĩnh đàn ông". Do đó, nam giới thường mất ít nhất hai năm để phát hiện và thừa nhận vấn đề này. Hai năm cũng là thời gian trung bình để một cuộc hôn nhân có thể đứng bên bờ vực đổ vỡ.
Thạc sĩ - Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng (Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TPHCM)
Phát biểu về tình hình RLC tại Việt Nam, ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TPHCM cho biết: "RLC không phải triệu chứng mà là một bệnh lý mà nam giới mất nhiều thời gian để phát hiện vì mặc cảm tự ti, xấu hổ của mình. Nam giới rất ngại chia sẻ "vấn đề lớn" của mình với bất cứ ai - điều này làm cho tình trạng RLC càng trầm trọng hơn. Chỉ khi nào vấn đề sức khoẻ trở nên trầm trọng hơn thì họ mới quyết định tìm đến nhân viên y tế để tìm giải pháp. Nếu người bệnh được tư vấn kỹ lưỡng và điều trị đúng mức, mọi việc sẽ trở nên tươi sáng hơn với họ".
Hiệu quả điều trị đã được chứng minh
Đối với phương pháp điều trị tình trạng RLC, các tài liệu hướng dẫn hiện nay khuyên dùng thuốc ức chế men PDE-5 (Phosphodiesterase type 5) dạng uống làm điều trị đầu tay. PDE-5 là một isoenzyme phân bố chủ yếu ở thể hang ngăn cản sự giãn tế cơ trơn. Phương pháp điều trị này cần có kích thích tình dục để có đáp ứng tình dục tự nhiên.
Trong thực hành lâm sàng, thuốc ức chế PDE-5 dạng bào chế viên nén bao phim truyền thống đã được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của nam giới hiện nay, ngày 4/5 vừa qua, Nhánh Bayer Healthcare Pharmaceuticals (Văn phòng Đại diện Bayer [South East Asia] Pte. Ltd. tại Việt Nam) đã tổ chức các buổi hội thảo khoa học nhằm giới thiệu giải pháp mới trong điều trị rối loạn cương (RLC) cho nam giới tại Hà Nội và TPHCM. Chương trình được thực hiện dưới sự hỗ trợ chuyên môn trong lĩnh vực nam học của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bình Dân TPHCM. Giải pháp mới dạng viên tan trong miệng (ODT) của Bayer Healthcare Pharmaceuticals mang đến một bước tiến mới trong điều trị rối loạn cương dương: "Có thể uống thuốc mà không cần nước hoặc các chất lỏng khác. Viên nén này tan nhanh trong miệng trong vòng vài giây nên có thể sử dụng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu".
Giải pháp này đã được chứng minh có hiệu quả rõ nét trên các mức độ của RLC, cũng như trên bệnh nhân có một số bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu qua các thử nghiệm trên lâm sàng. Thuốc được dung nạp tốt, với đặc tính an toàn tương tự như viên nén bao phim đã được báo cáo trước đây và chỉ có thể sử dụng khi được kê toa.
“Mặc dù chúng tôi có đầy đủ các phương pháp để điều trị rối loạn cương nhưng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rào cản chia sẻ thông tin giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Vì vậy, vai trò của nhân viên y tế trong việc thăm dò nhu cầu của bệnh nhân rối loạn cương và hướng dẫn phương pháp điều trị thích hợp là điều cần thiết hiện nay”.
Thạc sĩ - Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng (Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TPHCM).
PV