|
Các nhà đầu tư Việt Nam đang tìm thấy nhiều cơ hội tiềm năng với mô hình P2P. |
“Gây sốt” trên thế giới
Lần đầu tiên được áp dụng tại Anh năm 2005, P2P hoạt động theo hệ thống kết nối đầu tư ngang hàng trực tuyến, là cầu nối giữa nhà đầu tư có vốn với các cá nhân cần vốn nhưng không tiếp cận được với ngân hàng.
Mô hình P2P nhanh chóng nở rộ và lan rộng ra các quốc gia, trong đó có Mỹ năm 2006 với 2 cái tên điển hình là Prosper và Lending Club. Với tốc độ phát triển cấp số nhân, hiện Lending Club là nền tảng cho vay ngang hàng lớn nhất thế giới với 31 tỷ USD giải ngân trong 10 năm qua và chính thức IPO vào năm 2014.
Tại Châu Á, Trung Quốc là nơi có thị trường P2P phát triển sớm và sôi động nhất khu vực với những cái tên nổi bật như: CreditEase, China Rapid Finance và DianRong... Theo báo cáo của Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc, đã có khoảng 50 triệu người dùng tham gia vào các nền tảng P2P. Trong tháng 8/2016, tất cả công ty cho vay ngang hàng ở Trung Quốc có doanh thu vượt 191 tỷ Nhân dân tệ (29 tỷ USD).
Sở hữu nhiều ưu điểm đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng như: chi phí hoạt động thấp, sử dụng hệ thống dữ liệu BigData và ứng dụng trên điện thoại giúp người vay truy cập, kết nối với người cho vay nhanh hơn, còn nhà đầu tư có thể dễ dàng theo dõi nguồn lợi nhuận của mình, P2P ngày càng nhận được sự tham gia của nhiều khách hàng.
Các chuyên gia đánh giá, mô hình này có thể thay thế hoạt động ngân hàng truyền thống trong tương lai.
Vẫn còn mới tại Việt Nam
So với các nước trong khu vực, P2P mới chỉ du nhập vào Việt Nam khoảng 2 năm gần đây và cho đến nay, thị trường cho vay ngang hàng nội địa vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, chưa đạt đến mức chuẩn của P2P như thế giới.
Dù là một mô hình hữu hiệu để khơi thông nguồn vốn, nhưng vấn đề tồn tại đáng nói hiện nay là nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận để hiểu rõ bản chất của P2P.
Đặc biệt, giữa lúc thị trường “tranh tối tranh sáng”, 1 số đơn vị đã sử dụng “chiêu trò” làm biến tướng mô hình, khiến cho P2P được hiểu như hình thức tín dụng đen trá hình, cho vay nặng lãi với lãi suất “khủng”… Trên thực tế, Việt Nam cũng đã xuất hiện một số mô hình cho vay trực tuyến mà lãi suất được phản ánh lên tới 50 – 70%/năm.
Ngoài ra, có những đơn vị sử dụng đơn vay ảo để nhà đầu tư không giao dịch được với người vay nhằm ăn chặn phí mà nhà đầu tư đóng đối với mỗi đơn vay.
Cũng có rất nhiều trường hợp phản ánh không tiếp cận được vốn vay hoặc cho vay mặc dù người tham gia đã đăng ký điền thông tin đầy đủ tại các ứng dụng. Điều này cho thấy thông tin cá nhân của khách hàng có thể được thu thập nhằm bán cho một bên khác và sử dụng không đúng mục đích.
Một nhà kinh doanh thừa nhận, P2P chỉ thực sự mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và người vay khi được đưa vào tay những “người tốt”. Nếu một công ty P2P không có đủ năng lực để thẩm định người vay hoặc sử dụng vốn của nhà đầu tư không đúng mục đích, rủi ro có thể xảy ra là rất lớn.
Để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, vị này khuyến cáo các nhà đầu tư cần nhận thức rõ P2P là một kênh đầu tư, không phải là kênh gửi tiền, lựa chọn công ty P2P uy tín để được kiểm soát từ khâu kiểm định khách, cũng như có các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư thu hồi vốn trong trường hợp người vay mất khả năng thanh toán. Về phía bên người đi vay cũng cần đọc kỹ điều khoản về lãi suất vay, tránh bị sập bẫy tín đụng đen.
Nhiều chuyên gia đánh giá P2P là mô hình sáng tạo của nền kinh tế số và là xu hướng không thể cấm. Do đó, thị trường cần có sự tham gia của các đơn vị chuyên nghiệp cùng những sản phẩm dịch vụ chất lượng để thúc đẩy mô hình P2P phát triển đúng hướng tại Việt Nam.
Kênh tiếp cận vốn đáp ứng nhu cầu thực
Nắm bắt nhu cầu và xu hướng của thị trường, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính đã “lấn sân” sang P2P, trong đó điển hình phải kể tới VnVon.com – kênh liên kết cho vay P2P có quy mô lớn hàng đầu Việt Nam.
Sở hữu đội ngũ nhân viên kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và công nghệ, Vnvon có nhiều lợi thế trong việc lựa chọn và đánh giá danh mục đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro chắc chắn.
Với việc áp dụng nền tảng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu của nhà đầu tư và doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần vốn sẽ được Vnvon phân lọc, nghiên cứu và phân tích chuyên sâu đảm bảo tối thiểu những rủi ro xảy ra.
Theo đại diện của VnVon, lợi suất đầu tư tại công ty ở mức hấp dẫn từ 15 – 20% và ổn định không phụ thuộc vào biến động của thị trường. Cùng với đó, Vnvon luôn có những biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư với khâu thẩm định chặt chẽ, cùng khoản bảo hiểm chủ doanh nghiệp.
“Mặc dù thị trường P2P mới ở giai đoạn đầu nhưng ngày càng nhận được sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư, khách hàng, chứng tỏ mô hình cho vay ngang tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn”, đại diện VnVon nhận định.
PV