Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử là “người cha vô cùng vĩ đại” của những doanh nhân nổi tiếng Việt Nam: ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI và TPBank; ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank và Tổng Giám đốc Công ty CP Diana; ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty FTD; bà Đỗ Xuân Mai, điều hành Công ty Green Global; bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa...
Sinh ra tại vùng đất Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), cụ Đỗ Thế Sử vốn là người minh tuệ, qua nhiều thăng trầm mà bản lĩnh vững vàng, ý chí sắt thép hơn người, trở thành doanh nhân kỳ cựu và truyền cảm hứng tới biết bao thế hệ doanh nhân Việt. Dù đã bước sang phía bên kia triền dốc, cụ vẫn quyết định thành lập doanh nghiệp và điều hành công ty với phương châm “Còn sức lực sẽ còn kinh doanh, còn làm ngọn cờ đầu trong mái nhà doanh nhân của mình”.
Thế nhưng ai biết rằng, ở tuổi 90, cụ Đỗ Thế Sử vẫn dành thời gian để chắp bút cho hồi ký “Chưa trọn Trăm năm đã vẹn Một chữ Người” để “vẽ lại” cuộc đời, thực hiện lời hứa với những người con của mình.
Gia thế giàu có nhưng giàu nghị lực
Cũng từ cuốn hồi ký vô cùng quý giá này, chân dung một đại lão doanh nhân với những biến cố thăng trầm của cuộc đời để tôi rèn nghị lực và tâm hồn giàu nhân văn, bác ái đã được thể hiện rõ nét nhất. Từ “thuở niên thiếu” là cậu bé 6 tuổi thông minh, nhanh nhẹn, đã biết chơi trống chầu cho tới “một thuở yêu đương” là chàng trai biết yêu và yêu rất chân tình.
Dù được sinh ra trong một gia đình điền chủ giàu nhất vùng Sơn Tây lúc bấy giờ với hàng trăm mẫu ruộng “thẳng cánh cò bay” nhưng bởi sự thông minh, ưu tú hơn người, cụ Đỗ Thế Sử đã sớm giác ngộ cách mạng. Cụ là người vận động mẹ của mình hiến ruộng đất cho chính quyền,sau đó lên đường tản cư kháng chiến. Khi giành chính quyền thời kỳ năm 1945, cụ là Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa đầu tiên của tỉnh Sơn Tây. Trong thời gian tham gia kháng chiến, dù bị Quốc dân Đảng bắt tù đày, cho tới những tháng ngày bị xử oan trong cải cách ruộng đất, cụ vẫn một lòng trung kiên với Cách mạng.
Trong những dòng viết hồi tưởng về cuộc đời, cụ Đỗ Thế Sử có nhắc tới người mẹ của mình, gọi mẹ là “Người đàn bà nông dân đáng nể phục”, và càng phục hơn khi “mẹ dám bỏ ruộng vườn tài sản, bỏ trâu bò để cùng con đi theo kháng chiến”. Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn. “Cả đời tôi ngưỡng mộ và kính phục mẹ mình. Chính bà là tấm gương cho tôi theo và truyền cho tôi ý chí và nghị lực, nhất là khi cuộc đời thử thách mình” – cụ Đỗ Thế Sử trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Đúng vậy, cuộc đời đã đưa chàng trai vốn kiệt xuất hơn người đứng trước vô vàn khó khăn thử thách. Đó là khi tham gia kháng chiến bị địch bắt, và nhất là khi người vợ yêu dấu qua đời, để lại cho 9 người con, đứa lớn mới chua tròn 18 tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên 2. Ông gồng mình lên, chuyển nghề, thuê lại chính công việc của các xã viên trong hợp tác xã, làm bất kể ngày đêm để đảm bảo đàn con của ông được cơm ăn, áo mặc đầy đủ, đi học thành người.
Ông giữ và làm trọn lời hứa với người vợ đã khuất “nuôi các con ăn học đến đầu đến đũa cho dù gian khổ đến mức nào”. Và sau gần 14 năm “đứng vậy nuôi đàn con đông tới 9 đứa”, “mỗi đêm ngủ thường phải soi đèn đếm chân xem có đủ 9 đứa con không”, ông tục huyền với người vợ sau – bà Nguyễn Kim Phương, người được các con yêu quý và kính trọng.
Người viết lên huyền thoại Đỗ gia lẫy lừng
Từ cách dạy con xuất phát từ tình yêu thương của một người cha nghiêm khắc, tài cao tâm sáng, ông đã có một gia tài lớn – không phải lợi nhuận nhiều tỷ đồng từ công ty của mình mà là 11 người con đều thành đạt… Các con cụ Sử đều tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm, Bách khoa, Y khoa ở trong nước và nước ngoài như Cộng hòa Séc, Hoa Kỳ… và sau này nhiều người đã trở thành giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ...
Đến nay, người con gái đầu của cụ là nhà giáo Đỗ Minh Thuận đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn tham gia công tác giảng dạy, người con trai cả của cụ là Đại tá, Kĩ sư Đỗ Thái Tùng đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang làm việc cho một công ty lớn ở Hà Nội. Con trai thứ hai là Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), hiện nay là Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 5 sao Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup). Người con trai thứ ba là Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng TPBank. Người con thứ tư là Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Tắc-xi Hà Nội. Người con thứ năm là Đỗ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty FTD Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt lạnh. Người con thứ sáu là Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank và Tổng Giám đốc Công ty Diana và người con trai thứ bảy là Đỗ Khôi Nguyên, Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ.
Sau này, nối tiếp truyền thống gia đình, các cháu, chắt của cụ đều học hành giỏi giang và thành đạt khi tuổi đời còn trẻ. Nhiều người đang cùng thế hệ cha anh dẫn dắt doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Và còn rất nhiều những mầm non tài năng tương lai trong nhiều lĩnh vực đang được ươm trồng và dưỡng dục tại đại gia đình họ Đỗ.
Tới nay, cụ đã có tất thảy 22 con, 37 cháu và 25 chắt, và tất cả con cháu dâu rể đều là cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên và có gần chục Giáo sư, Phó giáo sư và Tiến sỹ.
Coi trọng đạo học khi ở tuổi cửu thập
Chẳng ai tin nổi, dù đã rất giỏi tiếng Pháp, ngoài 80 tuổi cụ vẫn tiếp tục học tiếng Anh tại trung tâm Apolo. Cụ trở thành học sinh đặc biệt của trung tâm này vì cao tuổi nhất nhưng lại giành điểm cao nhất của khóa học trong lịch sử của Apolo khắp toàn cầu.
Bước sang tuổi đại thọ xấp xỉ 90, cụ mua sách tiếng Trung về tự học. Truyền tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ tới những thế hệ kế thừa, cụ luôn khuyến khích con cháu học tập chăm chỉ. Chiều 30 Tết năm nào cũng vậy, trong buổi sum họp con cháu đông đủ, cụ tổng kết năm cũ bằng tiếng Anh rất tự tin và trôi chảy.
Ghi nhận những đóng góp trong 50 năm làm doanh nghiệp của cụ Đỗ Thế Sử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp”.
Trong những trang cuối cùng của cuốn hồi kí “Chưa trọn Trăm năm đã vẹn Một chữ Người”, đại lão doanh nhân thể hiện tài năng thi ca với những vần thơ giàu xúc cảm, mang triết lý nhân văn sâu sắc.
Xin được trích những câu thơ của cụ Đỗ Thế Sử - một doanh nhân ở độ tuổi ngoài 90 nhưng vẫn luôn cuộn trào dòng máu kinh doanh trong huyết quản, trong trái tim, để khép lại cuộc đời đáng kính phục của một con người tài hoa, một nhân cách đẹp và nối truyền cảm hứng sống tích cực tới bao lớp người:
“Gối cứng, chân thon, đường khúc khuỷu
Gan vàng dạ thép, chốn ngược xuôi.
Một thuở thi gan cùng tuế nguyệt
Vượt hết đêm đen, đến sáng trời”.
PV