-
Thưa ông, sau 7 năm triển khai dự án, với vai trò là đại diện của Ngân hàng thế giới (WB), ông đánh giá như thế nào về việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả và các chiến lược của dự án này?
- Dự án Phát triển CNTT-TT tại Việt Nam là một dự án quan trọng vì tiềm năng phát triển đối với sự phát triển KT-XH tại VN. Dự án giúp Chính phủ VN thực hiện có hiệu quả Chính phủ điện tử (CPĐT) thông qua phát triển CNTT-TT tại VN; thúc đẩy việc sử dụng CNTT-TT trong khu vực tư nhân. Từ đó tác động trực tiếp tới việc nâng cao khả năng cạnh tranh của VN cũng như nâng cao quản lý hành chính công một cách hiệu quả nguồn lực của các cơ quan nhà nước.
- Ông đánh giá như thế nào về việc sử dụng nguồn vốn trong 7 năm qua khi dự án tiếp cận nguồn vốn vay ODA?
- Như những dự án CNTT - TT khác trên thế giới, đây là một dự án mà khi triển khai không hề đơn giản, khá phức tạp vì quy mô khá lớn. Theo thống kê, bình quân trên thế giới, 1/3 các dự án phát triển CNTT - TT có thể được đánh giá là thành công, 1/3 là tương đối thành công và còn lại là thất bại. Theo đánh giá của WB thì dự án CNTT - TT tại Việt Nam được coi là thành công, bởi dự án đã tạo ra cơ sở hạ tầng về chính sách, nguồn lực con người, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giúp VN áp dụng CPĐT. Ngoài ra, dự án cũng xây dựng được nhiều cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy việc áp dụng CNTT - TT ở nhiều lĩnh vực.
- Cá nhân ông có thể chỉ ra một số kết quả khả quan mà dự án mang lại?
- Dự án khi triển khai tại VN trong 7 năm qua đã làm thay đổi khá nhiều việc ứng dụng CNTT vào xử lý công việc ở các cơ quan, ban ngành, tỉnh, thành phố được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi của WB. Dự án giúp Bộ TT-TT đánh giá được sự phát triển CNTT-TT trong ngành, từ đó xây dựng được chiến lược phát triển CNTT-TT và khuôn khổ về CPĐT. Dự án đã giúp Tổng Cục thống kê (TCTK) điều chỉnh và tổ chức lại các quy trình nghiệp vụ từ phức tạp đến đơn giản, đưa mô hình quản lý thông tin phân tán sang tập trung theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, việc TCTK sử dụng phương pháp quét dữ liệu giúp rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu…
Nguồn vốn vay của dự án cũng giúp Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành đầu tiên có cơ sở, khuôn khổ CPĐT một cách đồng bộ, toàn diện. Đà Nẵng đã đưa vào vận hành hệ thống wifi công cộng, áp dụng CNTT - TT vào giao thông, quản lý chất lượng nguồn nước…
Ở cấp vĩ mô, dự án cũng giúp Chính phủ VN xây dựng khuôn khổ CPĐT chung và đưa vào áp dụng thí điểm tại các tỉnh thành và đơn vị trong dự án.
- Ngân hàng Thế giới đã giám sát việc thực hiện triển khai dự án này như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Dũng: Dự án này là dự án của Chính phủ VN nên việc giám sát, chỉ đạo là trách nhiệm của CP VN, đặc biệt là Bộ TT-TT. Vai trò của WB trong dự án này cũng rất quan trọng. Đây là một trong số những dự án thuộc hạng lớn nhất về CNTT-TT mà WB có tài trợ nguồn vốn trên thế giới. WB đã làm việc hết sức chặt chẽ với Bộ TTTT, ban QLDA và các đơn vị liên quan, thực hiện giám sát định kỳ. Với các dự án khác, mức độ giám sát là 2 năm/lần, còn dự án này, trong thời gian cuối, WB đã thực hiện giám sát 4 lần trong 1 năm, chưa kể các hoạt động giám sát thường xuyên thông qua video conference và trao đổi qua internet (1 tháng/lần).
- Ngoài các kết quả tích cực đã đạt được, theo ông dự án cần rút ra những bài học gì?
- Theo tôi, cần nâng cao mức độ áp dụng CNTT trong lĩnh vực tư nhân. Dự án vừa qua chủ yếu phổ biến nâng cao nhận thức trong việc áp dụng CNTT và đào tạo nguồn nhân lực tại một số thành phố, cơ quan nhà nước. Việc tận dụng các cơ sở hạ tầng được xây mới cũng cần làm tốt hơn. Chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm khi triển khai dự án cần đúng tiến độ, việc để chậm 2 năm kéo dài thành 7 năm cũng làm ảnh hưởng đến việc giải ngân có hiệu quả của dự án.
- Xin cảm ơn ông!
Huyền Sâm