Luật Điện lực: Cần bổ sung chính sách phát triển, vận hành điện khí

Google News

Luật Điện lực (sửa đổi) cần bổ sung chính sách ưu tiên phát triển, huy động tối đa theo khả năng cấp khí với các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước.

Bên cạnh đó, cần có các cơ chế để đảm bảo hoạt động các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án), trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án), chiếm tỷ trọng trên 24% tổng công suất toàn hệ thống phát điện. Điện khí được xác định là nguồn điện quan trọng, có khả năng vận hành linh hoạt, đáp ứng được các yêu cầu vận hành của hệ thống điện Việt Nam trong quá trình thay đổi phụ tải.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển các dự án điện khí đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi các cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện. Trong khi đó, các dự án nguồn điện khí có công suất và vốn đầu tư lớn thường sử dụng phương án tài chính dự án để vay vốn thực hiện dự án (thường là căn cứ vào hợp đồng mua bán điện - PPA) gặp khó khăn trong thu xếp vốn do cần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng như cam kết mua điện, chuyển ngang giá khí sang giá điện và một số điều kiện đảm bảo đầu tư khác để nhà đầu tư có thể thu hồi chi phí đầu tư, trả nợ vay và có lợi nhuận hợp lý.
Do vậy, để đưa được các nhà máy điện khí thiên nhiên, điện khí LNG vào vận hành từ nay tới 2030 nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng khoảng 10 – 12%/năm theo yêu cầu Quy hoạch điện VIII thì cần các cơ chế, chính sách để phát triển các nguồn điện này.
Luat Dien luc: Can bo sung chinh sach phat trien, van hanh dien khi
 Cần đảm bảo huy động các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng cấp khí
Luật Điện lực hiện nay chưa có quy định liên quan đến các vấn đề trên về cơ chế cho điện khí/LNG, nên theo Bộ Công Thương cần bổ sung khoản 8, Điều 5 vào Luật Điện lực (sửa đổi) trên cơ sở giao Chính phủ quy định cụ thể các cơ chế đảm bảo đầu tư các dự án nguồn điện khí.
Trong đó cụ thể, cần có chính sách ưu tiên phát triển điện khí sử dụng nguồn khí trong nước, phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện.
Cùng với đó, Chính phủ quy định cơ chế đảm bảo huy động các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu để đảm bảo lợi ích quốc gia.
Chính phủ quy định cơ chế đảm bảo các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG được bên cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đảm bảo thu xếp nguồn cung nhiên liệu dài hạn với thời gian áp dụng và các chính sách đảm bảo đầu tư khác để thu hồi được chi phí đầu tư. cam kết mua điện, chuyển ngang giá khí sang giá điện và một số điều kiện đảm bảo đầu tư khác để nhà đầu tư có thể thu hồi chi phí đầu tư, trả nợ vay và có lợi nhuận hợp lý.
Điểm vướng nhất với các dự án LNG hiện nay là hình thức đầu tư. Ngoại trừ Sơn Mỹ 1 và 2 được phép đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) thì các dự án còn lại có thể gọi là đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập); đó là những nhà máy điện tư nhân hoặc phát điện độc lập được thiết kế để vận hành trong thị trường phát điện bán buôn cạnh tranh. Không giống như các dự án phát điện độc lập truyền thống khác, các nhà máy này không có trả trước, không có hợp đồng mua bán điện dài hạn để bảo đảm lượng điện sản xuất. Có nghĩa các nhà đầu tư tự xây nhà máy, xong sau đó tự tham gia thị trường, bán theo giá thị trường, nhưng còn bị khống chế giá trần nữa... Do đó, đầu tư các nhà máy đều vướng mắc do không đảm bảo tính hiệu quả đầu tư, cũng như các điều kiện để vay vốn.
Để có thể thu xếp vốn lớn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài thì các điều kiện có thể gọi là tiên quyết, cần phải được thống nhất, như là: luật áp dụng; cơ quan giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ của Hợp đồng dự án (kể cả hợp đồng PPA), bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật; về chuyển đổi ngoại tệ; cam kết bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho EVN và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt PPA; xử lý tình huống cho trường hợp bất khả kháng… Và các điều kiện này chỉ có thể được quy định trong dự thảo về mẫu Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh và sẽ được Nhà đầu tư thảo luận và ký kết với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành mới quan tâm đến các hợp đồng kinh tế chứ chưa quan tâm đến các hợp đồng pháp lý.
Tại khoản 8, Điều 5 Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hiện cũng chỉ quy định về sản lượng tối thiểu và thu xếp nguồn cung nhiên liệu dài hạn, các chính sách đảm bảo đầu tư khác để thu hồi được chi phí đầu tư chỉ được quy định chung chung. Do đó, Luật Điện lực (sửa đổi) lần này cần bổ sung các cơ chế để có thể tháo gỡ được các nút thắt, thúc đẩy phát triển các dự án điện LNG để đạt được các mục tiêu đề ra, nhằm đảm bảo an ninh cung ứng điện quốc gia. 
Trần Thị Sánh