Đó là cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy tính 2017.
Khởi động chính thức từ ngày 16/1/2017, cuộc thi pháo hoa trên máy tính đã thu hút rất nhiều tác giả/nhóm tác giả trẻ dự thi. Sau vòng loại của cuộc thi, Ban tổ chức (BTC) đã chọn lọc ra 25 tác phẩm chất lượng nhất để tổ chức bình chọn qua fanpage chính thức của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF 2017. Các tác phẩm dự thi đều đã thể hiện được sự sáng tạo độc đáo trong sự kết hợp giữa ý tưởng pháo hoa và âm nhạc cũng như những công nghệ mới trong việc tạo hình pháo hoa trên máy tính.
Căn cứ trên kết quả bình chọn qua Fanpage, và dựa trên các tiêu chí: Tính hoàn thiện; Tính sáng tạo; Tính thẩm mỹ; Tính công nghệ, Ban giám khảo đã chọn ra 03 tác phẩm có chất lượng cao nhất để trao Giải nhất (20 triệu đồng), Giải nhì (10 triệu đồng) và Giải ba (5 triệu đồng). Giải nhất đã thuộc về tác phẩm Đà Nẵng- Hòn ngọc thô của nhóm tác giả Võ Nhật Quyên, Tống Xuân Hòa, Tăng Hồ Khánh Linh, Mai Phú Quý đến từ Đại học Duy Tân Đà Nẵng; Giải nhì được trao cho tác phẩm Thổn thức sông Hàn của tác giả Nguyễn Tấn Thành đến từ Đại học Sư phạm Đà Nẵng và giành Giải ba là tác giả Nguyễn Trọng Tuấn đến từ Hà Nội với tác phẩm Hello Vietnam.
Ngoài ra, có 03 đội đến từ Đại học Duy Tân Đà Nẵngđược trao tặng 06 vé mời xem chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng ngày 24/6/2017 (mỗi đội 02 vé mời)cho 03 tác phẩm Nhịp Cầu Ánh Sáng; Rồng Đà Nẵng và Tứ Linh Hội Tụ. Bên cạnh đó, 25 sản phẩm lọt vòng chung khảo cũng đã được trao tặng 50 voucher Fansipan Legend(mỗi đội 02 voucher). Tất cả các đội tham dự Cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy tính Đà Nẵng năm 2017 đều được Ban Tổ chức cấp Giấy chứng nhận tham gia cuộc thi.
Xuất sắc giành giải nhất, bài dự thi Đà Nẵng- Hòn ngọc thô của các tác giả Võ Nhật Quyên, Tống Xuân Hòa, Tăng Hồ Khánh Linh, Mai Phú Quý đến từ Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã kể câu chuyện về một Đà Nẵng mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ của non nước Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hay Mỹ Khê thơ mộng nhưng vô cùng năng động, trẻ trung.
Trên nền nhạc sôi động, trẻ trung, những bông pháo hoa đủ màu sắc, hình dáng lạ với tốc độ bung nở liên tiếp trên bầu trời và trên mặt nước thể hiện một cách sinh động vẻ đẹp của hòn ngọc thô Đà Nẵng.
Trong khi đó, bài thi giành giải nhì của tác giả Nguyễn Tấn Thành đến từ Đại học Sư phạm Đà Nẵng với chủ đề Thổn thức sông Hàn lại khắc họa một sông Hàn hoang dại và phóng khoáng tựa vào đôi bờ và tỏa sáng rực rỡ với pháo hoa và ánh sáng từ những cây cầu biểu tượng.
Ở bài thi Hello Vietnam đạt giải ba của tác giả Nguyễn Trọng Tuấn đến từ Hà Nội, khán giả pháo hoa máy tính lại như được bay lên cùng với những màn pháo hoa ảo diệu được bung lên từ cầu Rồng và sông Hàn. Tuy không “sử dụng nhiều pháo” nhưng những hình ảnh biểu tượng của Đà Nẵng lại được thể hiện rất khác biệt qua các bông pháo, và góc quay 360 độ view toàn cảnh Đà Nẵng trong tác phẩm này lại cho thấy một sự sáng tạo rất riêng của tác phẩm.
Là hoạt động đồng hành gắn liền với mỗi kỳ diễn ra cuộc thi trình diễn Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, nay là Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng, cuộc thi pháo hoa máy tính cũng sôi động với những tác phẩm pháo hoa đẹp ngoạn mục không kém pháo hoa trình diễn bên sông Hàn. Những tác phẩm pháo hoa máy tính qua các kỳ đã thể hiện sức sáng tạo cũng như công nghệ năm sau cao hơn năm trước, tạo nên một sân chơi khá thú vị cho những người đam mê công nghệ và pháo hoa./.
PV