Petrovietnam nỗ lực sản xuất kinh doanh trong tháng đầu năm

Google News

Kết quả sản xuất kinh doanh đạt rất cao năm 2022, vì vậy, việc đặt kế hoạch năm 2023 tăng trưởng so với năm 2022 là một thách thức, áp lực rất lớn.

Petrovietnam nỗ lực quản trị rủi ro ngay từ đầu năm để hoàn thành các mục tiêu quản trị, kế hoạch đặt ra.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng vừa chủ trì cuộc họp giao ban điều hành SXKD thường kỳ tháng 2 năm 2023 trực tuyến với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn về kết quả SXKD tháng 1 năm 2023 và thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Đầu năm nay, kinh tế vĩ mô thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm. Năm 2023, dự báo có nhiều bất lợi như giá dầu giảm, nhu cầu thị trường thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu... Đây là những rủi ro mà Petrovietnam phải tiếp tục quản trị biến động, xây dựng kế hoạch dự phòng để hoàn thành cao nhất kế hoạch SXKD năm 2023. Trong nước, nhu cầu tiêu thụ giảm, trong đó nhu cầu năng lượng, điện, khí cho sản xuất giảm; nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm, xuất khẩu khó khăn.
Trong khó khăn chung, Petrovietnam tập trung quản trị biến động, rủi ro, ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch SXKD ngay từ đầu năm. Cùng với việc đưa ra kế hoạch quản trị, giao mục tiêu, nhiệm vụ SXKD năm 2023, Petrovietnam đã căn cứ mục tiêu, kế hoạch từng khối, từng lĩnh vực, từng đơn vị có giải pháp quản trị, phân bổ nguồn lực trên cơ sở thực tiễn thị trường, kinh tế vĩ mô điều hành hoạt động SXKD hiệu quả cao nhất. Tháng 1, các hoạt động SXKD của Tập đoàn diễn ra an toàn, ổn định, là cơ sở hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, sản lượng khai thác dầu thô đạt 0,88 triệu tấn, vượt 11,2% kế hoạch; sản xuất điện đạt 1,65 tỷ kWh, vượt 1,8% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 159,3 nghìn tấn, vượt 8,9% kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 586,1 nghìn tấn, vượt 12,6% kế hoạch.
Petrovietnam no luc san xuat kinh doanh trong thang dau nam
Dự án Bir Seba - Algeria góp phần nâng cao sản lượng khai thác dầu thô. 
Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn cũng đạt kết quả khả quan: Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 69,4 nghìn tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch; nộp NSNN toàn Tập đoàn (không bao gồm NSRP) ước đạt 12,1 nghìn tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch.
Đặc biệt, vào ngày 8/2/2023, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã chính thức đạt mốc sản lượng khai thác 1 tỷ thùng dầu, đánh dấu mốc son mới trong hành trình truyền thống 35 năm của Tổng công ty. Đạt được kết quả này là nỗ lực rất lớn của PVEP vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức; đây cũng là kết quả rất đáng ghi nhận so với nhiều công ty thăm dò, khai thác dầu khí trong khu vực và thế giới.
Theo Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng: Các giải pháp cho mục tiêu sản lượng của năm 2023 rất nhiều thách thức. Các vấn đề đẩy mạnh các thủ tục, thúc đẩy đầu tư, triển khai các dự án mới để gia tăng sản lượng; tiếp tục thúc đẩy công tác tái cấu trúc, phân công các nguồn lực trong toàn Tập đoàn để tránh chồng chéo, kết nối, tận dụng hiệu quả các nguồn lực; tăng cường phát triển hệ thống, mở rộng thị phần; ổn định nguồn cung xăng dầu; xây dựng hệ sinh thái để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi; hình thành dịch vụ kinh doanh hạ tầng; nâng cao giá trị các sản phẩm, kinh doanh xuất nhập khẩu; tăng cường quản lý dự án, dòng tiền …
Với các dự báo năm 2023 đã được xem xét, đánh giá, thảo luận trong nhiều cuộc họp của Tập đoàn, cùng đặc thù của tình hình kinh tế - chính trị thế giới với nhiều ẩn số, biến động, tốc độ nhanh, khó dự báo, Tổng Giám đốc Petrovietnam đề nghị tiếp tục tập trung, tăng cường công tác quản trị trước các thách thức, biến động của thị trường nhằm đảm bảo các mục tiêu lớn.
Tổng Giám đốc đặc biệt nhấn mạnh các mục tiêu quan trọng trong năm 2023 của Tập đoàn là thúc đẩy xử lý các vướng mắc, khó khăn, tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý, chính sách pháp luật, thể chế nhằm tạo điều kiện triển khai hoạt động của Tập đoàn hiệu quả, an toàn.
Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về SXKD đã được Tập đoàn giao, các đơn vị so sánh, đánh giá với mục tiêu của đơn vị, cập nhật diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, đánh giá dư địa, động lực tăng trưởng để tập trung cho các mục tiêu đề ra, phát huy tối đa lợi thế sản xuất, mở rộng quy mô, quản trị tài chính, kinh doanh, xây dựng phương hướng kinh doanh, mở rộng thị trường; Tập trung quản trị công tác đầu tư và chuỗi liên kết; chú trọng các dự án trọng điểm, đặc biệt là mục tiêu tiến độ và phát huy nội lực trong ngành; Thúc đẩy công tác liên quan đến dịch chuyển năng lượng và xây dựng hệ sinh thái cho tái tạo kinh doanh ở vùng dịch chuyển; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, quản lý tổng thể nguồn lực doanh nghiệp, kết nối các đơn vị thông qua các nền tảng; thực hiện tái cấu trúc, hoàn chỉnh công tác liên quan đến tài chính; tích cực duy trì cuộc họp giao ban khối, xử lý hiệu quả, tập trung các vấn đề tồn đọng ở từng lĩnh vực…
Trần Thị Sánh