Kinh tế tư nhân – Đáp án cho những bài toán khó
Năm 2019, trong khi kinh tế toàn cầu đang chững lại thì nền kinh tế Việt Nam vẫn khởi sắc với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp 30% ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động cả nước. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân đã thực sự tạo một luồng gió mới tốc độ, bứt phá và tràn đầy năng lượng cho nền kinh tế, xã hội và đời sống của cả nước. Kinh tế tư nhân, với sự đóng góp trông thấy, làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế cả nước nói chung và các địa phương nói riêng, đã không chỉ đưa Việt Nam ra thế giới, mà còn từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế.
|
Sân bay Vân Đồn - tuyến đầu chống dịch Covid-19. |
Đến đầu năm nay, khi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có – Covid-19, một lần nữa vai trò của kinh tế tư nhân lại được khẳng định. Nếu như "thời bình", nguồn lực tài chính, công nghệ, chất xám và con người chất lượng cao được khối kinh tế tư nhân huy động và phát huy một cách hiệu quả để làm nên những dự án quy mô, đẳng cấp và chất lượng, khẳng định vị thế quốc gia, thì trong giai đoạn "thời chiến" này, vẫn những nguồn lực ấy, được phát huy một cách tối đa với tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và đồng bào, để góp phần chống dịch một cách tối ưu nhất.
Hàng ngàn tỉ đồng, mặt bằng, địa điểm cách ly, thiết bị y tế... đã được khối tư nhân đóng góp. Hàng ngàn con người làm việc ngày đêm tại các "điểm nóng" chung tay với Chính phủ phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát. Nhiều cách thức đóng góp khác nhau, nhiều hình thức thể hiện khác nhau, trong đó rất nhiều sự ủng hộ, chung tay thầm lặng vẫn ngày đêm diễn ra không ngừng nghỉ trên khắp cả nước đến nay.
Sự gánh vác ấy đã đóng góp không nhỏ vào kết quả đáng khích lệ của công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Trong khi thế giới ghi nhận gần 2,5 triệu ca nhiễm, Việt Nam đang kiểm soát dịch với 268 ca, trong đó 202 trường hợp đã được chữa khỏi. Trong nhiều ngày qua, Việt Nam chưa có thêm ca bệnh mới nào.
“Khi Tổ quốc gọi, tôi chỉ nhớ mình là người Việt Nam”
Covid-19 là cuộc chiến không của riêng ai. Những gì diễn ra trong 3 tháng qua là sự kiện "không thể quên" trong lịch sử y tế và kinh tế Việt Nam, nhưng cũng thể hiện sức mạnh, ý chí của sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của doanh nghiệp tư nhân cùng nhà nước và người dân.
Dù thiệt hại từ dịch bệnh mà các doanh nghiệp tư nhân phải gánh chịu là không nhỏ, thậm chí vô cùng nặng nề, nhưng khối tư nhân vẫn nỗ lực đồng hành với sự đóng góp đáng kể cho công cuộc phòng chống dịch. Cùng với những cá nhân tâm huyết, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã lặng thầm góp sức bằng cơ sở vật chất và sự dấn thân, sự chuyên nghiệp trong cách thức thực hiện, mang tới những giá trị lớn lao cho công cuộc đảm bảo an toàn, chống dịch bệnh của đất nước.
Sở hữu hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại hàng đầu cả nước, cùng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, chất lượng cao, sân bay quốc tế Vân Đồn – một dự án lớn do tập đoàn kinh tế tư nhân Sun Group đầu tư tại Quảng Ninh những ngày này đang là tâm điểm chú ý, khi là nơi đón các chuyến bay về từ vùng dịch với một quy trình hàng không chưa từng có tại Việt Nam. Quy trình "có một không hai" và sự tận tâm đồng hành 24/7 cùng Chính phủ chống dịch của sân bay Vân Đồn đã giúp kiểm soát chặt chẽ và hạn chế lây lan dịch. Và trên hết, hàng ngàn đồng bào đã được trở về nước an toàn, lan tỏa một tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội quý báu tới cộng đồng.
|
Sun Group áp dụng quy trình đặc biệt an toàn đón hành khách. |
Con người, phương tiện, quy trình cùng tính kỷ luật, sự vững tin, sẵn sàng cống hiến và lòng yêu nước – văn hóa đặc trưng của tập đoàn kinh tế tư nhân này đã làm nên đáp án cho những bài toán "giải cứu" an toàn tưởng chừng khó thực hiện, phối hợp nhịp nhàng với chính quyền địa phương và các đơn vị quân đội, y tế liên quan đón các chuyến bay từ vùng dịch một cách trôi chảy, đảm bảo đúng quy trình.
Chia sẻ về "trọng trách" mà sân bay quốc tế Vân Đồn đang thực hiện, ông Phạm Ngọc Sáu – Giám đốc sân bay, một "người Nhà nước" chuyển sang làm cho "tư nhân" chân tình cho biết, khi đất nước và đồng bào gặp khó khăn, trong tâm không còn nghĩ đến mình là "người Nhà nước" hay "người tư nhân", lúc đó chỉ nghĩ mình là "người Việt Nam".
"Tập đoàn Sun Group đang góp sức cùng cả nước trong công cuộc chống dịch, ngăn ngừa mọi nguồn lây nhiễm ra ngoài cộng đồng. Anh em sân bay Vân Đồn đã trang bị sẵn tâm thế sẵn sàng, niềm tự hào khi tham gia vào công việc ý nghĩa này" – ông Sáu chia sẻ.
Góp công, góp sức, dù thiết bị vật tư y tế hay cơ sở lưu trú, các cá nhân tổ chức đang âm thầm cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Như báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 19/3, có 7 khách sạn tham gia ủng hộ phục vụ khách du lịch cách ly với 660 phòng, đáp ứng cho 1.362 khách. Riêng Tập đoàn Mường Thanh đã tài trợ phòng nghỉ tiêu chuẩn 4 sao cho toàn bộ tập thể cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khi bệnh viện này buộc phải phong tỏa...
Có thể thấy, nếu trước kia, vai trò "gánh vác" đất nước được hiểu như trọng trách chỉ có thể giao phó cho khối doanh nghiệp quốc doanh, là những đơn vị có đủ nguồn lực để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội... lớn lao của đất nước, thì những gì khối kinh tế tư nhân đã và đang làm ngay trong mùa dịch này đã chứng minh khu vực kinh tế tư nhân làm được nhiều điều hơn nữa cho đất nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kinh tế tư nhân đã và luôn khẳng định vai trò tiên phong, xung kích.
PV