Văn hóa xếp hàng là biểu tượng của sự công bằng trong xã hội

Google News

(Kiến Thức) - Đó là những chia sẻ của các diễn giả trong buổi talkshow "Văn hóa xếp hàng" do một nhóm sinh viên trường Học viện Báo chí & Tuyên truyền tổ chức.

Van hoa xep hang la bieu tuong cua su cong bang trong xa hoi
 
Văn hóa xếp hàng - Sự tất yếu trong cuộc sống tại Anh
Tôi xếp hàng - Xếp hàng qua góc nhìn Văn hóa là buổi talkshow đúc kết lại những câu chuyện và chia sẻ liên quan đến văn hoá xếp hàng nơi công cộng từ những diễn giả có uy tín trong lĩnh vực giáo dục và đời sống như PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh – Giảng viên cao cấp tại Đại học Ngoại Thương Hà Nội, PGS.TS ngành Văn học Ngô Văn Giá - Nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí – ĐH Văn Hóa Hà Nội; Nhà báo Kim Ngân, tác giả của hai cuốn sách văn hóa Thế giới nhỏ xinh như bàn tay con gái và Yêu một cô gái Việt.
Thông qua talkshow, các diễn giả đã đem đến góc nhìn mới mẻ về gốc rễ của văn hóa xếp hàng, cũng như những trải nghiệm thú vị về thực trạng xếp hàng ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời mang lại những giải pháp có giá trị nhằm xây dựng và hình thành văn hóa xếp hàng của người Việt Nam.
Van hoa xep hang la bieu tuong cua su cong bang trong xa hoi-Hinh-2
PGS. TS Ngô Văn Giá và PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh. 
"Văn hóa xếp hàng chính là biểu tượng thể hiện rõ nhất của sự công bằng trong xã hội. Chỉ khi xếp hàng, tất cả mọi người mới đạt được nhu cầu một cách hài lòng nhất. Ai đến trước người đó được trước, đó là điều đương nhiên và được mọi người chấp nhận. Nhưng có vẻ Việt Nam không có văn hóa xếp hàng, nó thể hiện qua hình ảnh chen lấn ở các bến xe, bến tàu, chen lấn khi xếp hàng thực hiện các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh ở bệnh viện và nộp hồ sơ vào trường học cho con cái..." - PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh nhận định.
Đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, PGS. TS Ngô Văn Giá cho biết thêm: "Phải xem việc xếp hàng như một giá trị cần tôn vinh và theo đuổi thì khi đó xếp hàng mới được gọi là có văn hóa. Ở Việt Nam, việc xếp hàng chỉ thực sự diễn ra khi có một sự bắt buộc hoặc có chung một cảm xúc thiêng liêng như viếng thăm Lăng Chủ tịch...".
Là một người sinh sống và làm việc tại Thụy Điển, nhà báo Kim Ngân lại lạc quan cho rằng: "Sau 10 năm về Việt Nam tôi thấy văn hóa xếp hàng của người Việt đang tốt lên từng ngày khi một người không xếp hàng đã bị người khác lên tiếng". Cô cũng chia sẻ, ở Thụy Điển "khi đứng một mình họ cũng xếp hàng".
Van hoa xep hang la bieu tuong cua su cong bang trong xa hoi-Hinh-3
 Nhà báo Kim Ngân và người điều phối chương trình Văn Thắng.
Vậy nguyên nhân người Việt không có văn hóa xếp hàng là do đâu?
"Người Việt không hình thành được thói quen xếp hàng có lẽ phần lớn là do gia đình. Tôi nhớ có một lần khi đi xe bus tại Việt Nam, một bà cụ đã nói với tôi nhường ghế cho cháu trai của bà, khi đó cậu bé đã 10 tuổi. Tôi nói, tôi có thể nhường nhưng là cho bà chứ không phải cho cậu bé ấy. Và bà đã tỏ ra rất khó chịu. Điều gì sẽ xảy ra nếu trên xe xuất hiện một bà cụ khác? Liệu cậu bé ấy có sẵn sàng nhường chỗ cho bà cụ ấy hay không? Hãy tạo dựng thói quen xếp hàng từ những việc làm nhỏ nhất" - Nhà báo Kim Ngân cho hay.
Không đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, trường học ở Việt Nam cũng không dạy được văn hóa xếp hàng, và trường bà là một ví dụ. Nó thể hiện qua việc xếp hàng đi thang máy, người bên trong chưa ra, người bên ngoài đã lập tức chen chân để có thể vào được thang máy nhanh nhất.
Từ quan điểm đó, bà Ánh đưa ra một lời khuyên với các bạn trẻ: "Nếu có bạn gái hoặc bạn trai khi xếp hàng mà chen ngang, đừng lấy bạn ấy, dù có bóng bẩy và hay ho thế nào cũng phải là đối tác sống hết cuộc đời với bạn".
Van hoa xep hang la bieu tuong cua su cong bang trong xa hoi-Hinh-4
Các diễn giả và BTC Talkshow "Tôi xếp hàng". 
Nhận thấy văn hóa xếp hàng là một vấn đề cấp thiết và nổi cộm, có tác động trực tiếp đến đời sống của cá nhân mỗi con người nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm của xã hội, nhóm dự án Tôi xếp hàng đã thực hiện chiến dịch này như một nỗ lực để có thể góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam văn minh, hiện đại.
Đỗ Thị Việt Hà – Trưởng ban Tổ chức của dự án chia sẻ: "Dù Tôi xếp hàng là dự án xã hội do nhóm sinh viên khởi xướng, nhưng nó có sức ảnh hưởng lớn tới mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội. Vì thế, thông qua buổi talk show lần này, chúng tôi muốn chia sẻ góc nhìn chân thực và khách quan về những hành vi ứng xử nơi công cộng, đặc biệt là văn hoá xếp hàng của người Việt Nam hiện nay".
PV