Câu chuyện về hãng hàng không này có thể được coi là hình mẫu của một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hàng không tại Việt Nam.
Âm thầm nhưng không lặng lẽ…
Còn nhớ, 25/9/2013, khi Vietjet Air công bố thông tin ký thỏa thuận nguyên tắc đặt hàng mua và thuê 100 máy bay với nhà sản xuất Airbus, tổng giá trị lên tới 9,1 tỷ USD. Con số này mới chỉ nghe thôi, nhiều chuyên gia bàn phím đã vội tổng kết: “Chập chững biết đi đã lo… chém gió. 9,1 tỷ USD làm như lá đa vậy”. Và câu chuyện nhanh chóng rơi vào quên lãng với hàng núi thông tin khác.
Bất ngờ, Vietjet đã tạo nên một “phong cách tiêu dùng mới” - như cách nói văn vẻ của các chuyên gia maketing. Giới văn phòng thích vi vu đã tranh thủ buổi trưa để “săn” vé rẻ, các cụ già cũng đỡ “buốt ruột” hơn khi con cái muốn báo hiếu tuổi già.
|
Mới 3 năm cất cánh nhưng Vietjet Air đã đạt tốc độ phát triển "thần tốc" |
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2014, tổng lượng khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 50,5 triệu hành khách (tăng 14,7% so với năm 2013) và 905.000 tấn hàng hoá (tăng 18% so với năm 2013). Trong đó, thị trường hành khách nội địa có sự tăng trưởng cao hơn dự kiến đạt 17,5 triệu khách (tăng 20,5% so năm 2013). Rất nhiều trong số này là những hành khách đi máy bay lần đầu với sự đóng góp mạnh mẽ từ… Vietjet Air.
Trong nhiều thời điểm, giá vé các chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượt, có lúc xuống thấp còn 500.000đ/lượt cho vé máy bay thông thường chặng Hà Nội - TPHCM. Thậm chí, hè 2014, VietJet đã liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá khiến nhiều chặng giá vé chỉ còn 99 đồng/lượt, thậm chí có lúc còn 0 đồng/lượt. Đến cuối năm 2014, các hãng hàng không Việt Nam chiếm 44% thị phần hành khách quốc tế.
Ở thị trường nội địa đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ khi thị phần giữa các hãng có sự dịch chuyển. Hiện tại ở thị phần nội địa Vietnam Airlines chiếm 56%, VietJetAir 29,4%, Jetstar Paciffic 13,1%, Vasco 1,5%. Đến thời điểm này, Vietjet có hơn 150 chuyến bay mỗi ngày với 28 đường bay nội địa và quốc tế.
Tưởng như một năm kinh doanh ồn ào sẽ khiến câu chuyện mua máy bay chìm xuống một cách êm ái thì chính lãnh đạo Vietjet lại âm thầm bay qua Pháp để… tưng bừng bay về trên chiếc máy bay "chính chủ Vietjet Air" vào ngày 26/11/2014.Và ngay ngày năm cùng tháng tận 31/12/2014, chiếc thứ hai cũng đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất và các chiếc tiếp theo đang lần lượt đáp về.
Bằng những chắt chiu… tự thân
Bạn đồng nghiệp tôi kể, trên chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay “chính chủ Vietjet Air”, một cán bộ tài chính của hãng chia sẻ một chi tiết nhỏ: sau khi mở rộng các đường bay quốc tế, mỗi lần sang Hàn Quốc, Thái Lan, máy bay của hãng đều tranh thủ nạp cho no nhiên liệu, vì giá rẻ hơn trong nước.“Phải tiết kiệm và tự lo từng khoản như vậy mới cân đối và… kéo được thêm hành khách lựa chọn hàng không”, cán bộ trên cho biết.
|
Vietjet Air nhận máy bay mới trong hợp đồng mua và thuê may bay của Airbus có tổng giá trị lên tới 9,1 tỷ USD. |
Một lãnh đạo cao cấp của Vietjet Air nói rằng, là tư nhân thì phải tự bỏ tiền ra, tự xoay xở, tự chịu rủi ro và áp lực nhiều hơn. Thế nhưng, Việt Nam đang ngày có càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn và thành công, nộp thuế không kém các “ông lớn” quốc doanh được Chính phủ hỗ trợ.“Trong công ty, chúng tôi vẫn thường nói với nhau, mình là tư nhân, phải tự lực thôi”, vị lãnh đạo này nói.
Nhưng chỉ là những chắt chiu về mặt tài chính có thực sự khiến Vietjet lớn mạnh? Ông Trần Hữu Quốc - Giám đốc Trung tâm đào tạo Vietjet chia sẻ: “Mọi người bên ngoài nhìn vào Vietjet và bảo rằng tại sao Vietjet có thể làm được những điều như vậy? Tôi cho rằng, mọi công việc đều có những trải nghiệm khó khăn, chỉ có thể bằng niềm đam mê, hoài bão lớn lao mới có thể giúp họ quên hết mọi khó khăn, đồng lòng tạo nên những điều lịch sử trong ngành hàng không”.
Ông Quốc còn cho biết, từ những ngày đầu tiên dù còn nhiều khó khăn, Vietjet đã đầu tư Trung tâm đào tạo đạt chất lượng quốc tế để phục vụ cho việc phát triển nguồn lực lâu dài cho hãng và đào tạo cho các hãng bay khác trong khu vực. Trong năm 2014, Trung tâm đào tạo đã thực hiện 12,483 giờ huấn luyện, 274 lớp huấn luyện và cấp 1245 giấy chứng nhận. Đến nay trung tâm đã đào tạo 17 khóa tiếp viên; cử 21 phi công đi đào tạo tại Mỹ...
Và kết quả đã đủ chứng minh những nỗ lực không biết mệt mỏi của một hàng hàng không nhỏ về tuổi đời nhưng không nhỏ về sức phát triển.Năm 2014 doanh thu công ty đạt trên 8100 tỉ đồng, nộp ngân sách và thu hộ các lệ phí đạt trên 1400 tỉ đồng, lũy kế trên 2600 tỉ đồng. Vietjet hiện là hãng hàng không nằm trong top đầu về hệ số sử dụng ghế (gần 90% bình quân cả năm) nhưng lại có chi phí vận hành vào loại thấp nhất trong số các hãng hàng không trong khu vực châu Á.
Trên thế giới, Vietjet đã trở thành “hiện tượng” nổi bật của hàng không Việt Nam và khu vực. Trong năm 2014, Vietjet nhận giải thưởng Top 10 hãng hàng không giá rẻ tốt nhất Châu Á do Smart Travel bình chọn và được Tổ chức kỷ lục châu Á bình chọn là Hãng hàng không có nhiều hoạt động sáng tạo nhất trên tàu bay. Vietjet còn nằm trong Top 5 hãng hàng không có đường bay khai trương thành công nhất thế giới.
Hơn thế, quan niệm đi máy bay không chỉ an toàn mà còn phải vui, thoải mái và dễ chịu như “đang về nhà”, Vietjet cũng là hãng hàng không đầu tiên tiên phong đưa các sự kiện giải trí lên máy bay. Trong 3 năm qua, không thể nhớ hết những “chiêu trò” mua vui cho hành khách mà hãng hàng không này tận lực thực hiện chỉ biết rằng những màn bikini bốc lửa hay kỷ lục “hôn trên máy bay” đã được truyền thông toàn cầu khen ngợi. Qua đó, thế giới biết nhiều hơn tới một Việt Nam thân thiện, hài hước, mến khách và tươi đẹp.
Nhân lực và… niềm đam mê - điều đó đã đủ để làm nên hơn một kỳ tích!
Sải rộng cánh bay
Theo lộ trình, các nước trong khu vực ASEAN sẽ thực hiện việc “mở cửa bầu trời" vào năm 2015, theo đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không không chỉ diễn ra mạnh mẽ trong nội địa mỗi nước mà còn là giữa các quốc gia với nhau. Theo cam kết, “Bầu trời mở ASEAN” sẽ xóa bỏ các giới hạn và quy định về lượng khách cũng như kiểm soát giá nhằm tăng sự cạnh tranh và đưa ra nhiều lựa chọn đi lại, điều sẽ đem lại lợi ích cho hành khách ở các nước thành viên.
|
Đội ngũ tiếp viên của Vietjet Air trẻ trung, xinh đẹp và thân thiện. |
Với lợi thế về ví trí địa lý chiến lược trong khu vực và tiềm năng phát triển của ngành du lịch… VN đang được Hiệp hội Hàng không quốc tế đánh giá sẽ là một trong những thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới. Hiệp hội Hàng không quốc tế dự tính chỉ trong nay mai, VN sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới về chở hành khách và chở hàng quốc tế và tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới về chở khách nội địa.
Lãnh đạo Vietjet thường chia sẻ mẫu hình mà họ nhìn theo là sự mạnh bạo của Viettel khi đi ra nước ngoài. Tôi tin, Vietjet có đủ sự dũng cảm và thêm cả bản lĩnh của một doanh nghiệp tư nhân. Điều đáng nói, Vietjet nhập cuộc một cách nhanh chóng đều tạo nên nét mới trên thị trường, và cùng tạo nên thực tế cạnh tranh giá có lợi cho người tiêu dùng.
Với mong muốn mở ra cơ hội bay cho tất cả mọi người “bay dễ như ăn phở” - sứ mệnh ấy là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Vietjet. Chính vì vậy, “bầu trời mở ASEAN” đã được khởi động cho Vietjet sải rộng cánh bay!
PV