Vinmec chữa khỏi bệnh nhi bị BV Singapore “trả về”

Google News

(Kiến Thức) - Sang tận Singapore để chữa trị nhưng căn bệnh viêm tụy hiếm gặp của bé Nguyễn Phương Khánh My (17 tháng tuổi, Hà Nội) không tiến triển.

Đưa con trở về từ Singapore trong nỗi tuyệt vọng, gia đình đưa cháu vào BV Đa khoa Quốc tế Vinmec. Nhờ được chẩn đoán và xử lý chính xác, sau 2 tuần cháu đã được xuất viện.
3 tháng ròng rã trong tuyệt vọng
Đang phát triển bình thường, cách đây 3 tháng, bé Khánh My bỗng có triệu chứng bụng chướng, biếng ăn. Thấy dấu hiệu lạ, gia đình đưa bé tới một bệnh viện tại Hà Nội khám. Các bác sĩ ở đây kết luận bé bị viêm tụy và điều trị bằng phương pháp nuôi dưỡng tĩnh mạch dẫn lưu ổ bụng.
Sau 2 tháng nằm viện, tình trạng của bé vẫn không được cải thiện, men tụy tiếp tục tăng cao. Thêm nữa, bé không thể ăn uống bằng đường miệng thông thường, cơ thể suy kiệt, trọng lượng giảm từ 8,5kg xuống còn 6,3kg.
Thương bé ngày một yếu đi, gia đình quyết định đưa bé sang Singapore điều trị. “Các bác sĩ ở Singapore cũng chỉ nhận định cháu không có bệnh, chỉ do bị va đập tổn thương ở tuỵ. Sau 3 đến 6 tháng, cơ thể sẽ phục hồi chứ không cần điều trị” – Bà Võ Hải Yến – bà nội bé Khánh My nhớ lại.
Gia đình đưa bé về, tiếp tục chứng kiến sức khỏe của bé ngày một yếu đi. Trong lúc gần như tuyệt vọng, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, nhờ cậy các bác sĩ tìm cách chữa trị.
Bé Khánh My nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, khó thở, nghe phổi có hội chứng 3 giảm ở phổi trái, bụng chướng mềm, ấn đau vùng mũi ức. Kết quả xét nghiệm tại Vinmec cho thấy lipase, amilase trong máu và nước tiểu đều cao; X - quang có hình ảnh mờ toàn bộ phổi trái; siêu âm bụng và chụp CT bụng có dịch quanh gan, lách và tụy; khối nang giả tụy lớn ở hậu cung mạc nối.
Với những biểu hiện này, nếu không xử trí kịp thời, bé có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ Bệnh viện Vinmec đã quyết định dẫn lưu màng phổi lấy ra khoảng 500ml dịch với amylase trong dịch màng phổi tăng cao, đặt catheter nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn cho bệnh nhi. Điều này cải thiện khả năng thông khí phổi. Tuy nhiên, dịch màng phổi đã bị nhiễm trùng nên khoang màng phổi bị chia cắt thành nhiều khoang nhỏ, làm phổi không mở được. GS Nguyễn Thanh Liêm – Tổng Giám đốc bệnh viện Vinmec tiếp tục phải nội soi bóc ổ cặn mủ màng phổi trái cho bệnh nhi.
Bé My đã trở lại khỏe mạnh, đáng yêu sau 2 tuần điều trị tại BV Vinmec. 
Sau phẫu thuật, Khánh My vẫn còn tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, bạch cầu cao nên tiếp tục được điều trị tích cực, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, sử dụng thuốc kháng sinh mạnh kết hợp với thuốc tăng cường miễn dịch. Với phương thức điều trị này, Khánh My dần cai được máy thở và tập ăn bằng đường miệng, có nuôi dưỡng tĩnh mạch hỗ trợ. Mỗi ngày qua đi, sức khỏe bé lại hồi phục thêm, các chỉ số sinh tồn, men tụy dần dần bình thường.
Xuất viện sau 2 tuần điều trị tại Vinmec
Sau hơn 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, ngày 5.12, bé đã được xuất viện.
Bé My đã quen với sự thân thiện, chăm sóc chu đáo của bác sĩ Mai Kiều Anh – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. 
“Sau 3 tháng căng thẳng và lo âu, chứng kiến cháu đau đớn, gầy gò, ốm yếu, đến hôm nay gia đình tôi thực sự vui mừng và xúc động. Kết quả này có lẽ còn tốt đẹp hơn cả mong chờ của gia đình. Nhìn cháu mấy hôm nay tươi cười múa hát, đặc biệt là ăn rất tốt, tôi không dám tin, vì cách đây không lâu thôi, cháu hầu như chỉ nằm im trên giường, không nói, không cười. Sự quyết đoán của các bác sĩ khoa Nhi Vinmec, của bác sĩ Mai Kiều Anh đã mang đến sự an toàn cho cháu tôi, sự an tâm cho gia đình tôi. Chúng tôi thực sự cảm ơn và dành những tình cảm, lòng ngưỡng mộ tới các bác sĩ, điều dưỡng ở đây” - bà nội Khánh My xúc động chia sẻ trong ngày bé ra viện.
Bác sĩ Mai Kiều Anh dặn dò gia đình bé My cách chăm sóc để bé có thể phục hồi sức khỏe nhanh nhất. 
Nói thêm về ca bệnh này, GS – TS Nguyễn Thanh Liêm – Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: “Bệnh viêm tụy ở trẻ em có thể do giun chui ống mật, dị dạng đoạn nối giữa ống mật ống tuy, dị dạng đường mật, đường tụy, chấn thương... Các nguyên nhân này dễ phát hiện, nhưng cũng có ca không thể tìm được lý do. Trường hợp của cháu Khánh My bị viêm tụy cấp như vậy cũng thuộc nhóm các bệnh hiếm gặp, khó xác định nguyên nhân.”
Cũng theo GS Liêm, cần lưu ý với những trẻ nhỏ có những biểu hiện đau bụng mà không xác định được nguyên nhân; siêu âm thấy kích thước tụy to hơn, có bất thường ở đường nối ống mật và ống tụy, tràn dịch ổ bụng, tràn dịch phổi bên trái. Phản xạ của thầy thuốc trong trường hợp này là nên nghĩ đến bệnh viêm tụy, có biến chứng để kịp thời xử trí.

PV