1. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Petrovietnam đã hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động SXKD của Tập đoàn tạo tiền đề cho chiến lược phát triển ổn định, bền vững.
- Hoàn thành Đề án điều chỉnh và thay thế Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Ngày 24/11/2023, Ban Kinh tế Trung ương đã trình Bộ Chính trị xem xét ban hành NQ mới, tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển bền vững.
- Luật Dầu khí năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 và Nghị định 45/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/7/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí là khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí.
- Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 25/10/2023; khẳng định phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực.
- Kế hoạch hoạt động SXKD và đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến hết năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 12/12/2023.
- Hiệp định Liên chính phủ về hoạt động của Vietsovpetro (VSP) và Russvietpetro (RVP): được Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Nghị quyết số 216/NQ-CP ngày 15/12/2023 và Tổng thống Liên bang Nga ban hành Luật Liên bang phê chuẩn ngày 19/12/2023.
|
Chuyến tàu LNG nhập khẩu đầu tiên cập cảng LNG Thị Vải 1 triệu tấn |
2. Đổi mới công tác quản trị: (i) Hoạch định kế hoạch quản trị với mục tiêu cao, áp lực lớn để thu hút tập trung nguồn lực cùng 6 nhóm giải pháp triển khai tạo động lực tăng trưởng; (ii) Tối ưu quản trị, ứng dụng công nghệ để nâng cao công suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh
- Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu Chính phủ giao đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2023 từ 2 – 33%; có 6 chỉ tiêu tăng trưởng so với năm 2022.
- Tối đa hiệu quả và tối ưu chi phí, tiết kiệm từ: nguyên vật liệu, vận hành khai thác, chi phí quản lý/bán hàng, mua sắm trang thiết bị,... toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 3.072 tỷ đồng, vượt 37% so với kế hoạch.
3. Vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội lập nhiều kỷ lục trong hoạt động SXKD.
- Năm 2023, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn lập kỷ lục mới trong lịch sử hình thành và phát triển, đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6 nghìn tỷ đồng phá kỷ lục của năm 2022 (931,2 nghìn tỷ đồng) trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, sản lượng dầu khí suy giảm và biến động không ổn định của giá dầu thô, giá các sản phẩm dầu khí chủ lực (giảm từ 17- 30% so với năm 2022).
- Kỷ lục về sản xuất: Ba đơn vị (BSR, PVOIL và PVCFC) đạt kỷ lục kể từ khi đi vào hoạt động với 7,3 triệu tấn xăng dầu và 950 nghìn tấn Urea.
- Kỷ lục về kinh doanh: PVOIl với 5,2 triệu m3 kinh doanh xăng dầu và PVGas với gần 2,5 triệu tấn kinh doanh LPG.
4. Góp phần quan trọng ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
- Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tương đương 9,2% GDP cả nước; tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023.
- Toàn Tập đoàn dành 750 tỷ đồng thực hiện An sinh xã hội trên mọi miền tổ quốc.
5. Mở rộng quy mô, nâng cao công suất, hiệu suất các nhà máy tạo vị thế vững chắc cho chuyển dịch mô hình kinh doanh
- Mở rộng quy mô trong nước, đẩy mạnh hoạt động quốc tế, tạo động lực mới, góp phần quan trọng hình thành hệ thống cơ sở, nền tảng mở rộng quy mô, gia tăng giá trị và tầm ảnh hưởng Petrovietnam trên thị trường thế giới; đặc biệt chủ động nắm bắt cơ hội trong xu hướng chuyển dịch năng lượng để phát triển các sản phẩm mới từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh.
- Hoạt động tại các nhà máy liên tục, an toàn, ổn định, tối ưu công suất, hiệu suất: các Nhà máy Lọc dầu công suất trung bình 105-112%; các Nhà máy Đạm công suất 114-115%; các Nhà máy Điện của Tập đoàn luôn sẵn sàng cung cấp với độ khả dụng cao.
6. Công tác quản trị đầu tư tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực
- Quản trị tốt danh mục đầu tư trong tất cả 05 lĩnh vực, tập trung các nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch đầu tư, đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án cấp bách. Giá trị thực hiện đầu tư đạt 31,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 (25,6 nghìn tỷ đồng).
- Hoàn thành đưa vào vận hành thương mại và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm: Dự án Thái Bình 2 được hồi sinh, hoàn thành và đưa vào hoạt động; vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải; Ký kết các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án khí-điện Lô B sau quá trình chuẩn bị nhiều năm. Hoàn thành đưa vào khai thác sớm 04 mỏ/công trình dầu khí.
- Có 02 phát hiện dầu khí mới – ghi nhận dấu mốc quan trọng có 02 phát hiện dầu khí mới trong một năm.
7. Công tác chuyển đổi số góp phần nâng cao giá trị, từng bước hình thành nền tảng số đồng bộ
- Petrovietnam đã hoàn thành số hóa toàn bộ các văn bản và thường xuyên cập nhật trên các ứng dụng AI và tích hợp hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
8. Đổi mới sáng tạo, bổ sung các động lực tăng trưởng mới
- Phát triển chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái Petrovietnam góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên cùng nhau nghiên cứu các giải pháp nhằm tối đa nguồn lực, đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm mới. Trong đó nổi bật: BSR đã nghiên cứu, sản xuất và xuất bán thành công 3 sản phẩm mới: BOPP, RFCC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95; PVChem phát triển các sản phẩm hóa chất, hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/ Compound từ bột PP. Với tổng số 17 sáng kiến cấp Tập đoàn, 471 sáng kiến cấp cơ sở áp dụng vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang lại giá trị trên 1.246 tỷ đồng.
- Tập đoàn tập trung đánh giá, nghiên cứu xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh. Trong đó hướng tới điện gió ngoài khơi để phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng của Petrovietnam. PTSC đã cụ thể hóa chủ trương phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác với Công ty Sembcorp Utilities Ltd (SCU) đầu tư xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam; và tích cực mở rộng cơ hội hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung tại Đài Loan (Trung Quốc) tiến tới mở rộng ra các nước trong khu vực.
9.Tái tạo văn hóa Petrovietnam, nâng cao giá trị thương hiệu
- Thực hiện tái tạo văn hóa Petrovietnam đi trước, tạo đà cho tái tạo kinh doanh, mở đường định hướng chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí "Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình" được thấm sâu trong đời sống doanh nghiệp.
- Năm 2023, giá trị thương hiệu Petrovietnam đạt gần 1,4 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với năm 2019) với chỉ số sức mạnh thương hiệu ở mức AA-. Năm thứ 4 liên tiếp PVN góp mặt trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
- Năm thứ năm liên tiếp Petrovietnam được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings đánh xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức BB+ đã phản ánh về tình hình kinh doanh và tài chính vững mạnh của Petrovietnam với mức độ liên kết cao trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.
Trần Thị Sánh