CEO “miệt thị” người lao động: “Tâm, tầm” doanh nhân ở đâu?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Nguyễn An Chất, giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn, cho rằng, những hành vi này phản ánh nếp sống văn hóa không đẹp, không thể hiện được cái tâm và cái tầm của một lãnh đạo doanh nghiệp.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, dư luận chứng kiến những vụ việc CEO một số doanh nghiệp có những hành xử không hay đối với người lao động của mình. Dư luận băn khoăn rằng, có phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng có tầm văn hóa cao và am hiểu pháp luật?

 Bà Ninh Thị Ty đã có những lời lẽ xúc phạm tới công nhân. Ảnh: VnEconomy

Vụ việc bà Ninh Thị Ty, Tổng giám đốc Công ty May Hồ Gươm (thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Chiến Thắng có những lời lẽ "miệt thị", xúc phạm công nhân đang khiến dư luận rất bức xúc. Bức xúc vì một lãnh đạo doanh nghiệp từng có bằng Thạc sĩ ở nước ngoài, từng được nhận nhiều bằng khen, danh hiệu, huân huy chương (trong đó có danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2009) lại có thể thốt lên những lời lẽ xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác. Vì bực bội khi có quá nhiều công nhân của Xí nghiệp May 8 (thuộc Công ty May Hồ Gươm) bỏ bữa ăn trưa (do nhà bếp nấu cơm sống) nên bà Ty đã đến tận nhà bếp, buông những lời xúc phạm, khinh rẻ công nhân.

Đại ý trong câu bà Ty nói, theo một số công nhân thuật lại, bà Ty coi thường những người công nhân có xuất thân thấp kém, những người nhà quê, không xứng đáng được ăn ngon. Những ngôn từ trong lúc nóng giận của bà Ty đã khiến hàng trăm công nhân bức xúc bỏ cơm và nghỉ làm đình công. Tuy nhiên sau đó, bà Ty không có một lời xin lỗi với những công nhân này, bà lên xe bỏ mặc yêu cầu của họ và trở về Hà Nội. Vụ việc càng lúc căng thẳng hơn, khi những ngày qua, hàng trăm công nhân tụ tập trước cổng xí nghiệp may, yêu cầu xí nghiệp phải giải quyết thích đáng vụ việc. Mặc dù công an đã vào cuộc nhưng không khí vụ việc vẫn chưa lắng xuống. 

 Công văn Vinaconex gửi An Khánh JVC. Ảnh: Kiến Thức
  Lý do cho thôi việc. Ảnh: Kiến Thức

Không chỉ có những lời lẽ xúc phạm đối với người lao động, một số lãnh đạo doanh nghiệp còn chèn ép nhân viên quá đáng, ép nhân viên này phải nghỉ việc hoặc buộc công ty đang sử dụng nhân viên này phải cho nghỉ việc. 

Đó là trường hợp của chị Trần Thị Huyền Trang (SN 1976), chị bị Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh "ép" phải nghỉ việc do yêu cầu của Tổng Công ty Vinaconex. Ngày 10/1/2007, chị Trang được Tổng Công ty Vinaconex cử sang Công ty An Khánh JVC làm việc. Sau 2 năm công tác, ngày 1/10/2009, chị Trang được ký hợp đồng với Công ty An Khánh JVC, loại hợp đồng không xác định thời hạn. Tuy nhiên, ngày 17/4/2013, chị Trang và một đồng sự khác cùng viết đơn xin nghỉ việc vì "cảm thấy môi trường làm việc giữa cán bộ Vinaconex tại công ty liên doanh không lành mạnh, bị chèn ép từ các cán bộ được Vinaconex cử sang giữ chức vụ trong công ty...". Sau 4 ngày, chị Trang và đồng sự rút lại đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động đã gửi vì các lãnh đạo người Hàn Quốc (đối tác liên doanh) thuyết phục 2 chị ở lại làm việc. 

Sau khi chị Trang rút lại đơn, ông Võ Khắc Thịnh - Trưởng phòng tổng hợp, Chủ tịch công đoàn Công ty An Khánh JVC đã tìm mọi cách để giải thích sai luật cho lãnh đạo người Hàn Quốc, báo cáo sai lên lãnh đạo Vinaconex với mục đích “ép” chị Trang nghỉ việc. Đến ngày 22/5/2013, Vinaconex gửi văn bản sang Công ty An Khánh JVC với nội dung: Vinaconex yêu cầu An Khánh JVC thực hiện các quy trình để chấm dứt hợp đồng lao động cho chị Trang và đồng sự từ ngày 1/6/2013 theo đúng Luật lao động hiện hành. Sau khi chấm dứt hợp đồng, An Khánh JVC phải có văn bản báo cáo với Vinaconex. Ngày 30/5, ông Hoàng Thế Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty An Khánh JVC đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị Trang và đồng sự với lý do đã tìm được người thay thế. Chị Trang vẫn thắc mắc, tại sao Tổng giám đốc của một Tổng công ty lớn lại có văn bản gửi một công ty khác chấm dứt hợp đồng lao động đối với 2 nhân viên.

Về phía Công ty An Khánh JVC, đại diện Công ty - ông Võ Khắc Thịnh luôn khẳng định quyết định thôi việc đối với chị Trang và đồng sự là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Ông Thịnh cũng cho biết, khi ban giám đốc công ty nhận được đơn thôi việc của chị Trang và đồng sự, ban giám đốc đã có buổi làm việc với hai chị, tuy nhiên, buổi làm việc chỉ là nói miệng, không hề có văn bản.

Sự việc "ép" nhân viên nghỉ việc của Vinaconex khiến dư luận liên tưởng đến vụ việc cựu CEO của Tôn Hoa Sen bị cáo buộc thiếu minh bạch trong điều hành, đẩy cước phí vận chuyển lên cao, đã gây xôn xao dư luận hồi đầu năm 2012. 

 Ông Phạm Văn Trung. Ảnh: Internet

Theo đó, hồi giữa tháng 4/2012, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG) Phạm Văn Trung đã nộp đơn khởi kiện HSG, doanh nghiệp mình từng làm việc hơn 10 năm với lý do "vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự" ông. Tòa án huyện Dĩ An, Bình Dương đã tiếp nhận đơn kiện. Vụ lùm xùm giữa HSG và cựu CEO Phạm Văn Trung bắt đầu gây cấn khi Chủ tịch HĐQT HSG Lê Phước Vũ phát biểu tại Đại hội Cổ đông ngày 22/3/2012 về lý do mà ông Trung nghỉ việc tại HSG là vì thiếu minh bạch trong điều hành. Sau đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng bắt đầu cuộc khẩu chiến giữa cựu CEO của HSG với những lãnh đạo cốt cán của HSG hiện tại.

Ngày 17/4/2012, ông Trung đã chính thức khởi kiện HSG. Ông yêu cầu HSG phải cải chính thông tin sai sự thật và xin lỗi công khai trên báo chí. Sau đó một ngày, HSG đã gửi lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM bản công bố thông tin cho biết sẽ khởi kiện ông Trung, đòi bồi thường 26 tỷ đồng và nhiều quyền lợi khác. Theo HĐQT HSG, việc ông Trung hợp tác làm việc với Công ty thép Nam Kim sau khi tự ý thôi việc tại HSG chỉ mới 7 tháng là vi phạm nghiêm trọng cam kết chế độ trách nhiệm mà ông Trung đã từng ký với HSG. Ngoài ra, HSG còn cáo buộc ông Trung đã tự ý lôi kéo một số cán bộ quản lý quan trọng khác của HSG về làm việc cho Nam Kim. Trong công bố thông tin của mình, HSG đề nghị Nam Kim chấm dứt sử dụng lao động đối với ông Phạm Văn Trung và các cán bộ quản lý khác đã từng làm việc tại HSG và có cam kết chế độ trách nhiệm với HSG. "Nếu Nam Kim không tiến hành chấm dứt sử dụng lao động đối với các đối tượng trên thì HSG được quyền xem như Nam Kim có chủ trương thông đồng, cấu kết với các cá nhân trên để cạnh tranh không lành mạnh với HSG và làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của HSG. Đến nay, vụ kiện tụng giữa HSG và ông Trung vẫn chưa có hồi kết. 

Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Kiến Thức, Phó giáo sư - tiến sĩ Phùng Trung Tập, Trưởng Bộ môn Luật dân sự, Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội cho biết: Những vụ việc trên cho ta một cái nhìn chung về văn hóa doanh nhân của lãnh đạo doanh nghiệp, cho thấy tầm văn hóa của những CEO này. Những lời lẽ không hay, có ý hạ bệ, bôi nhọ nhân viên của những CEO này đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người lao động, thể hiện sự không tôn trọng đối với lao động làm thuê, không tôn trọng quyền con người. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đến lợi nhuận của công ty mà quên đi quyền lợi cũng như đời sống của người lao động. 

Luật sư Phùng Trung Tập cũng cho biết, việc một doanh nghiệp ngăn cấm một người lao động đã từng làm việc cho công ty mình không được làm việc cho các doanh nghiệp khác trong một thời gian nhất định là không thể được, dù lý do của việc ngăn cấm là hợp lý. Điều này trái với các quy định của Hiến pháp và các quy định của Bộ luật lao động của nước ta. Cụ thể, điều 5 của Bộ Luật lao động quy định: "Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo". 

Theo luật sư Tập, lãnh đạo doanh nghiệp cần tu dưỡng về nhân cách hơn nữa, cần đọc nhiều sách để tư duy hợp lý về vấn đề lợi nhuận và quan hệ giữa con người. Hiện tại, những CEO của Việt Nam đang quá quan tâm đến lợi nhuận mà không chăm chút đến quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên. 

 Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất. Ảnh: Tiền phong

Ông Nguyễn An Chất, giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn cũng cùng quan điểm. Ông Chất cho rằng, những hành vi này phản ánh nếp sống văn hóa không đẹp, không thể hiện được cái tâm và cái tầm của một lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện cho bộ mặt doanh nghiệp đó. Một số hành vi bôi nhọ, vu khống, xúc phạm danh dự cá nhân người lao động được coi là những hành vi thấp hèn. Có thể những hành vi đó xuất phát từ sự khuất tất liên quan đến tiền tài, tình ái của vị lãnh đạo này mà nhân viên đó biết, nên những CEO này có động thái "nói xấu", thậm chí sa thải hoặc buộc các công ty khác đang sử dụng nhân viên sa thải nhân viên đó. Dù ở hoàn cảnh nào thì những hành xử đó của các CEO cũng rất tầm thường, thể hiện tính ích kỷ trong mỗi con người. 

Còn trường hợp bôi xấu một nhân viên cũ trước đại hội cổ đông, nếu những người trong đại hội đó là người hiểu biết, họ sẽ có thái độ coi thường vị lãnh đạo này. Về phía người lao động, tất nhiên họ sẽ lĩnh sự thiệt thòi, tâm lý bị tổn thương rất nhiều. 

Diên Lệ