Ông Trần Bá Dương
Tỷ phú Trần Bá Dương (SN 1960, Huế) – Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) không chỉ nắm giữ “anh cả” ngành ô tô mà còn là Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Trân Oanh.
Vị đại gia tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM với bằng kỹ sư cơ khí. Ông bắt đầu làm việc tại một xưởng ô tô vào thập niên 1980 và trở thành quản lý. Năm 1997, ông thành lập Công ty ô tô Trường Hải. Đến năm 2008, Jardine Cycle and Carriage đã mua cổ phần và tham gia quản trị doanh nghiệp. Đến nay, công ty này đã trở thành công ty xe hơi lớn nhất Việt Nam với 1/3 thị phần ô tô cả nước.
Ông Dương đang nắm giữ hơn 42 triệu cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, tương đương 610 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Dương là người giàu thứ 6 trong danh sách các tỷ phú tuổi Tý giàu nhất Việt Nam và đứng ở vị trí 89 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Nhưng trên thực tế, tài sản của ông Trần Bá Dương nhiều vượt trội so với con số thống kê kể trên vì ông Dương là Chủ tịch Thaco. Tỷ lệ sở hữu vốn của ông Dương và gia đình tại đây là con số không hề nhỏ.
Hiện tại, ông Dương nắm giữ hơn 28 triệu cổ phiếu THA của Thaco. Theo thị giá THA 43.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường OTC, lượng cổ phiếu này mang về cho ông Dương khối tài sản gần 1.205 tỷ đồng. Như vậy, ông Dương có 1.815 tỷ đồng.
Ngoài việc sở hữu trực tiếp 28 triệu cổ phiếu THA, ông Dương còn sở hữu gián tiếp qua công ty riêng, qua người thân. Vì vậy, theo thống kê của Tạp chí Forbes, ông Trần Bá Dương là tỷ phú đô la. Tại thời điểm 13/12/2019, ông Dương và gia đình có trong tay 1,7 tỷ USD (khoảng 39.474 tỷ đồng).
Ông Dương Công Minh
Trong danh sách các doanh nhân tuổi Tý giàu nhất, đại gia Dương Công Minh (SN 1960, Bắc Ninh) là cái tên cần được nhắc đến với với 632 tỷ đồng có được từ việc sở hữu hơn 62,5 triệu cổ phiếu STB của Sacombank.
Ông Dương Công Minh tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc làm cho một cơ quan chuyên xuất nhập khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và nhập khẩu công nghệ của Bộ Quốc phòng ở phía Nam.
Ông Minh được biết đến với biệt danh "Minh Him Lam" hay "Minh Xoài", cái tên bắt nguồn từ việc ông kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.
Vị đại gia xứ Kinh bắc từng tiết lộ, trong thời gian đi buôn chuối, một người bạn của ông đã hỏi mua xoài, sau đó ông quyết định buôn xoài xuất khẩu sang nước ngoài. Biệt danh Minh Xoài của ông có từ đó.
Năm đầu tiên ông Minh làm công việc thu mua, xuất khẩu xoài một mình. Năm thứ 2 ông làm cùng bạn và có một chuyến buôn xoài lớn nhất với 110 xe xoài xuất đi nước ngoài thì gặp sự cố. 110 xe xoài đều là xoài non nên trên đường xuất khẩu đã thối và hỏng hết. Chuyến buôn này khiến ông phá sản, bao nhiêu vốn liếng có từ trước đó mất hết.
Ông Minh phải bán nhà để trả nợ. Nhưng chính lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà, ông Minh nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty Cổ phần Him Lam.
Tên tuổi của ông Minh gắn liền với Tập đoàn Him Lam, nơi ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 99% và LienVietPostBank, nơi ông cùng từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức trúng cử vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank. Để bước chân vào Sacombank, ông Minh đã phải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank. Đồng thời Tập đoàn Him Lam cũng buộc phải thoái toàn bộ phần vốn của mình tại LienVietPostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan
Bà Nguyễn Thị Như Loan là nữ đại gia sinh năm Canh Tý tại Phú Yên, hiện giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai. Bà chỉ học hết lớp 12, không có một tấm bằng đại học nào nhưng vẫn là một “nữ tướng” đáng nể trên thương trường Việt Nam. Giá trị tài sản hiện tại của bà Loan là 485,15 tỷ đồng.
Bà Loan khởi nghiệp với nghề chế biến, cung cấp đồ gỗ. Nhờ đó, bà đã có được một cơ ngơi đồ sộ từ những năm 80. Sau đó bà chuyển sang kinh doanh phân bón nhưng công việc làm ăn này gặp nhiều thăng trầm, rủi ro.
Khi một khách hàng nợ tiền phân bón trả nợ bằng một lô đất, nữ đại gia đã rẽ sang bất động sản. Bà cùng với đối tác đầu tư vào khu đất này, mỗi bên góp 50% vốn lập ra Công ty TNHH Hoàng Anh. Bà bán lại cổ phần của mình và năm 1994 lập ra Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường.
Năm 2007, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và đổi tên thành Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Bà còn đầu tư thêm vào ngành xây dựng.
Hàng năm, công ty của bà xây từ 50.000 đến 70.000 m2 sàn xây dựng các loại sản phẩm như: văn phòng cho thuê; căn hộ; biệt thự; nhà phố liên kế v.v….
Năm 2008, công ty của bà Loan bước đầu đầu tư trồng cao su và lấn sân sang cả lĩnh vực thủy điện. Năm 2012, công ty cho phát điện 3 tổ máy dự án thủy điện Iagrai 1 công suất 10,8MW.
Tham gia kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng chủ yếu bà Loan vẫn làm giàu nhờ bất động sản. Bà đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản và tích lũy được khối tài sản kếch sù. Nhưng không phải lúc nào sự nghiệp của nữ doanh nhân này cũng thuận buồm xuôi gió. Thị trường chứng khoán và bất động sản đi xuống làm tài sản của bà Loan giảm đi đáng kể. Việc kinh doanh nhà đất gặp nhiều khó khăn, công ty của bà nhiều lần phải báo lỗ.
Nữ doanh dân phố núi dồn rất nhiều tâm sức cho công việc. Mỗi ngày làm việc của bà thường bắt đầu từ 9h sáng cho đến 21h. Bà tự nhận mình là người tính nóng nảy, nhưng thuộc mẫu người nói là làm, một là một, hai là hai. Chính vì tính quyết đoán này mà bà rất có duyên với các đối tác nước ngoài.
Ông Nguyễn Đình Trung
Ông Nguyễn Đình Trung (SN 1972, Bình Định) – Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Corp. Ông là minh chứng tiêu biểu cho sự vươn lên của thế hệ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.
Năm 1990, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Trung rời quê nhà vào Sài Gòn học ngành kế toán. Điều ấn tượng nhất đối với anh lúc này là sự phát triển đô thị mạnh mẽ, với những tòa nhà cao tầng, hiện đại liên tục mọc lên. Vậy nên, dù học kế toán, nhưng doanh nhân này đến với ngành kinh doanh địa ốc sau khi ra trường.
“Năm 2002, với số tiền ít ỏi tích lũy được từ việc đi làm thuê, tôi quyết định mở công ty nhỏ. Lúc đó, công ty chủ yếu làm về giấy tờ nhà đất, môi giới bất động sản. Trong đầu tôi lúc đó cũng không dám nghĩ rằng, công ty sẽ là một thương hiệu mạnh trên thị trường như hôm nay, mà tôi làm vì đam mê là chính”, vị doanh nhân nhớ lại.
Năm 2017, ông Trung được vinh dự được xướng tên trong top 10 doanh nhân trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Sao Đỏ 2017.
Ông Trung từng thổ lộ, thành công hôm nay khiến ông càng phải cố gắng nhiều hơn nữa vì sự phát triển của tập đoàn, vì những thế hệ lãnh đạo đã gắn bó từ thuở hàn vi và vì sứ mệnh chăm lo cho hàng ngàn nhân viên đang gắn bó cống hiến.
Không tự nhận là nhà phát triển bất động sản tốt nhất, song doanh nhân Nguyễn Đình Trung cho biết luôn cố gắng chăm chút cho các sản phẩm của mình nhằm đem lại sự hài lòng và chất lượng cuộc sống cao nhất cho khách hàng. Bởi trách nhiệm xã hội của doanh nhân không đơn thuần là chi tiền ra làm từ thiện thật nhiều, mà còn thể hiện ở chỗ chúng ta có phát kiến hay tạo ra giá trị gì cho xã hội trong lĩnh vực mình hoạt động.
Khai Tâm/eva.vn