6 đời vợ và những nỗi hận của đại gia Lê Ân

Google News

Đại gia Lê Ân có lẽ là người có cuộc đời nhiều "chìm nổi" nhất trong giới nhà giàu Việt Nam.

Tại thành phố biển Vũng Tàu, cái tên đại gia Lê Ân được nhắc đến nhiều trong các câu chuyện liên quan đến sự giàu có và những người phụ nữ. Có dư luận phản ứng khi cho rằng ông là một kẻ chơi “ngông” và thích thể hiện khi cưới cô vợ trẻ kém ông 50 tuổi và mua siêu giường trị giá 6 tỉ đồng. Nhưng cũng có luồng ý kiến lại tỏ ra khâm phục bản lĩnh của vị đại gia đã trải qua nhiều chìm nổi thăng trầm này.
Ông Lê Ân từng chia sẻ: “Tôi có đi thầy lấy lá số tử vi và được phán rằng số nhiều của cải, nhưng gặp nhiều sóng gió, gia đạo rối ren”. Có lẽ lá số này vận rất đúng vào cuộc đời lẫn sự nghiệp của ông.
Đại gia Lê Ân. Ảnh: ĐSPL 
Tuổi thơ nghèo khó
Ông Lê Ân sinh năm 1938 (Mậu Dần) trong một gia đình đông anh em ở Quảng Nam. Ông là người con thứ 5. Lê Ân có một tuổi thơ nghèo khó, túng thiếu. Biến cố đầu tiên của cuộc đời đại gia Lê Ân chỉ xuất hiện khi ông bỏ nhà đào thoát vào thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long (nay là Bình Phước) để trốn quân dịch dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Đó là vào năm 1958.
Trốn vào An Lộc, Lê Ân mưu sinh bằng cách mướn một chiếc máy may hiệu Singer đã cũ, loại máy sử dụng bàn đạp bằng chân, rồi đặt trên vỉa hè, khách đông, có những khi Lê Ân lại phải may cuống cuồng để kịp có đồ cho khách. Hơn năm sau, Lê Ân đã có đủ tiền mua lại cái máy may đã mướn. Đồng thời, mua thêm 2 cái máy may khác rồi thuê thợ làm thêm cho mình.
Một lần, Lê Ân tiếp vị khách lạ, người đàn ông từ Bắc vào Nam từ năm 1948. Khách bảo: "Thấy ông khéo tay, lại cần mẫn làm ăn. Nếu muốn học may áo vest thì tôi sẽ truyền cho". Như người cùng đường gặp lối thoát, Lê Ân nhanh chóng nhận lời và trở thành đệ tử của vị khách lạ ấy.
Sau khi học hết nghề, với một tấm giấy hoãn quân dịch giả mua của một sĩ quan ở An Lộc, Lê Ân gom hết vốn liếng về Sài Gòn, thuê một căn nhà trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) rồi mở một tiệm chuyên may đồ vest với tên gọi Chiến's Tailor. Chỉ một thời gian ngắn, Chiến's Tailor trở thành một trong những tiệm may đồ vest hàng đầu của Sài Gòn, với phương châm: Tốt, đẹp, rẻ và đúng hẹn.
Tiền vào nhà ông như nước nên chẳng bao lâu sau, Chiến's Tailor trở thành Trung tâm Âu phục thời trang Chiến's Tailor. Ông nói: “Để quảng cáo cho mình, cứ hễ bước ra đường là tôi mặc đồ vest và là đồ do chính tay tôi may". Cái thói quen ấy, Lê Ân vẫn còn giữ mãi tới bây giờ.
Có tiền từ Chiến's Tailor, Lê Ân bắt đầu mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh khác, như thành lập xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy, kinh doanh xe lam, xe buýt chạy tuyến đường Sài Gòn - Bảy Hiền - Bà Chiểu, thành lập công ty kinh doanh địa ốc, mua trái phiếu của người cày có ruộng, công khố phiếu quốc gia, báo Đời sống và Pháp luật đưa tin.
Hình ảnh từ đám cưới của đại gia Lê Ân. Ảnh: Lao Động 
Từng mang thân tù tội
Trong cuộc đời chìm nổi của mình, việc phải đi tù là một dấu ấn lớn trong đời Lê Ân. Ông bị bắt và phải đi cải tạo do liên quan tới việc đưa người vượt biên trái phép. Mãn hạn tù, Lê Ân trở về với cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, khi chưa kịp nghĩ ra sẽ kinh doanh gì tiếp theo thì Nhà nước thực hiện chủ trương cải tạo công thương nghiệp, gia đình ông thuộc thành phần phải đi kinh tế mới.
Sau thời gian đi kinh tế mới về, ông lại khởi nghiệp bằng nghề mua bán phụ tùng, sản xuất khung xe đạp và mua bán vải tại khu Chợ Đầm nổi tiếng nhất thành phố du lịch Nha Trang. Vốn liếng ông kinh doanh trong giai đoạn này cũng do một người bạn thân thiết giúp đỡ.
Lê Ân được trời ban cho cho cái duyên buôn bán, nên bất cứ ngành nghề nào khi ông đặt mục tiêu kinh doanh đều nhanh chóng phát sinh lợi nhuận. Việc buôn bán phụ tùng, sản xuất khung xe đạp lẫn mua bán vải ở Chợ Đầm đều thành công ngoài dự liệu. Không hiểu vì lý do gì, vào trong thời điểm này, ông Lê Ân quy đổi tài sản thành vàng, kim cương và giao cho vợ cất giữ. Năm 1984, vợ ông Lê Ân chủ động đâm đơn ra tòa xin ly hôn với lý do mâu thuẫn gia đình không thể hàn gắn. Chán nản, ông để lại toàn bộ tài sản cho vợ cũ, bỏ Nha Trang lang bạt vào Sài Gòn với dự tính tái khởi nghiệp.
Nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, Lê Ân mở shop bán quần áo thời trang nhỏ tại Q.3, TPHCM. Như một công thức được định sẵn, shop thời trang mang đến cho ông rất nhiều tiền, đủ để phát triển thành một chuỗi cửa hàng chuyên buôn bán quần áo thời trang tại nhiều quận khác nhau trên địa bàn TPHCM. Có tiền từ chuỗi cửa hàng thời trang này, Lê Ân quay lại những ngành nghề kinh doanh trước đây và lập thêm hàng loạt tiệm bán thuốc Tây tại khắp các quận TPHCM.
Hiện tại, sau những thăng trầm chìm nổi của cuộc đời, ông Lê Ân đang là Chủ tịch HĐQT của Công ty Lê Hoàng tại TP.Vũng Tàu, hằng ngày đưa người vợ trẻ kém mình 55 tuổi đi khắp nơi hưởng thụ cuộc sống.
Đại gia 6 đời vợ
Năm 2012, dù đã 74 tuổi, đại gia Lê Ân vẫn khiến người dân Vũng Tàu tiếp tục xôn xao khi tổ chức đám cưới với người vợ thứ 6 mới 19 tuổi. Trước đó, đại gia này đã từng trải qua 5 đời vợ và 5 lần ly dị. Đầu năm 2011, cô sinh viên 19 tuổi ngành du lịch Mai Thị Mai đến Làng du lịch Chí Linh gặp Lê Ân xin thực tập.
Lê Ân đã có cảm tình với cô gái này ngay từ cái nhìn đầu tiên và ông không ngại bày tỏ, muốn lấy Mai làm vợ. Lúc đầu, Mai cứ tưởng “chú Ân” nói đùa nhưng khi biết đại gia thật lòng, cô đã đồng ý lên xe hoa với người đàn ông lớn hơn mình 53 tuổi, khi được cha mẹ đồng ý. Từ khi kết hôn, vị đại gia luôn chiều chuộng cô vợ kém mình 55 tuổi, báo Tuổi Trẻ cho hay.
Được biết, người vợ đầu tiên của đại gia Lê Ân là bà L. (năm nay đã 70 tuổi). Hai người có 5 mặt con với nhau. Tuy nhiên, trong thời gian ông ở tù, người vợ này đã làm đơn ly dị, gửi vào tù cho ông ký và lấy hết tài sản của ông. Ông Ân cho biết, năm 1980, ông quyết định đưa các con vượt biên nhưng bị bắt tại Bến Tre. Các con được tại ngoại sớm, còn ông phải ở tù cho đến năm 1984. Vừa được thả về thì vợ ông đâm đơn đòi ly hôn.
Người vợ thứ hai là một phụ nữ lai Mỹ, ở với ông Lê Ân được một năm thì đi làm ăn xa và mất tích, để lại cho ông một đứa con trai. Ông lấy tiếp 2 bà vợ nữa nhưng đều không có con với họ. Người vợ thứ ba tên Th. - một phụ nữ xinh đẹp, có học thức, người gốc Bắc. Tuy nhiên, chỉ sau mấy tháng, cô này đã bộc lộ nhiều âm mưu thủ đoạn, trong đó có cả việc uống thuốc ngừa thai để không có con với ông. Cưới nhau chưa đầy 6 tháng, cô này đã ôm toàn bộ tiền vàng của ông bỏ trốn.
Người vợ thứ tư tên K. Khi thành lập Công ty Lê Hoàng, vì tin tưởng vợ, ông đặt bà này vào vị trí Phó chủ tịch HĐQT Công ty. Khi ông Lê Ân rơi vào cảnh tù tội, ông giao toàn bộ trách nhiệm điều hành công ty cho bà này. Tuy nhiên, trong thời gian ông Lê Ân ở tù, người vợ này đã âm thầm cùng “người tình” chuyển giao toàn bộ tài sản lẫn quyền lực của ông cho... chính họ. Và kết cục của cuộc hôn nhân này cũng là việc ly hôn trước tòa.
Theo VietQ