Bí mật đại gia “cá ngàn đô” đầu tiên ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Buôn đồ lót khi mới 13 tuổi, thích chơi game đế chế... là những điều ít ai biết được về vị đại gia cá tầm Lê Anh Đức.

13 tuổi đã có "máu" kinh doanh

Ông Lê Anh Đức được biết đến là vị đại gia cá tầm đầu tiên của Việt Nam khi ông mới 36 tuổi. Ông khởi nghiệp năm 13 tuổi, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng nghề buôn bán quần jeans và đồ xách tay từ Nga về Việt Nam. Sau đó, ông chuyển hướng buôn bán sang Ba Lan từ đồ lót, quần áo đến hàng điện tử...

Ông tự nhận mình là người mang trong mình nhiều đam mê vì mê xe thể thao, thích chơi game đế chế và từng vô địch khi tham gia Microsoft World Championship, mê toán và vật lý nên đã ba lần đạt giải nhất nhì Olympic tại Nga... Nhưng hiện tại, vị đại gia này cho biết, đam mê lớn nhất của ông là trứng cá tầm Việt Nam.
Ông Lê Anh Đức, chủ tịch Tập đoàn cá tầm Việt Nam trong bữa tiệc cá tầm ngày 5/8 tại Hà Nội.

Giờ đây, đã là một đại gia trong ngành cá tầm Việt Nam nhưng vị chủ tịch Tập đoàn cá tầm vẫn mong ước trở thành một tỷ phú của những đam mê... Ông tâm sự rằng: "Tôi không biết mình có bao nhiêu đam mê nhưng chắc chắn đam mê lớn nhất là được chơi cuộc chơi lớn với những gì mình yêu. Tôi luôn hướng đến việc trở thành tỷ phú của trải nghiệm, đam mê và tình cảm chứ không phải tiền”.

Ông miêu tả mình là "a gamer" nên đối với ông việc kinh doanh vừa là đam mê, vừa là một trò chơi để thử trí óc cũng như tay nghề. Trước cá tầm, ông từng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, hàng không, nghệ thuật. Ông luôn tâm niệm: Cuộc sống là một cuộc chơi lớn mà nếu bạn đủ tỉnh táo và cởi mở thì bạn sẽ thấy đam mê ở mọi lúc, mọi nơi.

Xây dựng thương hiệu trứng cá tầm “made in Vietnam”

Nói về cơ duyên với trứng cá tầm, ông Lê Anh Đức chia sẻ, việc gia đình từng sống ở Nga, được tiếp xúc và biết rõ giá trị của loài cá này về chất lượng, thương hiệu và kinh tế đã khiến ông nuôi mộng làm giàu từ cá tầm. Khi mới bắt tay vào làm, ông chỉ làm ở quy mô thử nghiệm và hiện tại đã thành công với cách nuôi công nghiệp.

Từ năm 1991 cá tầm tại Nga bị khai thác quá mức để thu nguồn lợi xuất khẩu trong khi không có kế hoạch bảo tồn và khôi phục. Điều này đã khiến cá tầm ở Nga gần như tuyệt chủng và bị đưa vào sách đỏ, đẩy giá trứng cá đen (caviar) lên mức cao chưa từng thấy với nguồn cầu vượt cung trên 30 lần.
 Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến thăm hồ nuôi cá tầm tại lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: TĐ cá tầm.

Cá tầm vốn là loài cá sống tại các vùng ôn đới, được xem là khó phát triển tại một đất nước nhiệt đới với nhiệt độ cao. Từ đó, việc phát triển quy mô công nghiệp ngành nuôi cá tầm ở nước ta thực sự là một khó khăn lớn. Tuy nhiên, ông Đức chỉ xem đây là một cuộc chơi đầy thử thách. Để cá tầm sống được, ông phải mất đến 4 năm tìm kiếm vùng nước thuận lợi về khí hậu, môi trường và chuyển giao kỹ thuật từ Nga về Việt Nam.

Năm 2008, lứa cá tầm đầu tiên nuôi thành công tại hồ Đa Mi (Ninh Thuận) đến 2013 đã cho 3 tấn trứng cá và hàng trăm tấn thịt cá. Hiện trứng cá tầm được bán với giá 25 triệu đồng/kg và thịt cá tầm 300.000 đồng/kg. Và trong hai năm tới khi sản lượng cá đạt được 30 tấn thì khó mà tính toán hết được giá trị tài sản mà ông Đức có được. Đó là còn chưa kể tới vị thế của doanh nhân này trên "bản đồ trứng cá ngàn đô" của thế giới nếu xét đến việc sản lượng trứng cá tầm toàn cầu chỉ là 70 tấn trong một vài năm trở lại đây.

 Cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch 30 tấn trong hai năm tới. Ảnh: Internet.

Ông Đức cho biết: Nhiều tập đoàn nước ngoài từng đến đặt mua trọn gói trứng cá tầm của Đức theo dạng nguyên liệu sau đó sẽ đóng gói lại dưới thương hiệu của họ. Hiện tại, việc các nhà buôn này đặt vấn đề là chuyện khá phổ biến trên thế giới vì có tới 90% lượng trứng cá đen đang lưu hành mang thương hiệu của nhà buôn thay vì nhà sản xuất. Thế nhưng, ông Đức đã không đồng ý với những lời đề nghị trên vì mong muốn sản phẩm của mình sẽ đi ra thế giới dưới thương hiệu của Việt Nam. Và ông đã thành công khi ra mắt sản phẩm cá tầm “made in Viet Nam” đầu tiên là Caviar de Đuc.

Nguyễn Nguyên