Vụ việc nữ Tổng giám đốc Tổng công ty May Hồ Gươm Ninh Thị Ty có những lời lẽ không hay, xúc phạm người lao động không chỉ gây bức xúc cho hàng trăm công nhân may, mà còn nhận sự dò xét đánh giá của dư luận.
|
Bà Ninh Thị Ty đã có những lời lẽ xúc phạm tới công nhân xí nghiệp may trong giờ ăn trưa. Ảnh: VnEconomy |
Theo đó, trưa 3/6, đến bữa ăn trưa của công nhân Xí nghiệp May 8 thuộc Tổng Công ty may Hồ Gươm (thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) nhưng do nhà bếp nấu thức ăn còn sống, một số công nhân không ăn được nên đã bỏ ăn. Sự việc đến tai Tổng giám đốc Ninh Thị Ty. Bà Ty đã có mặt tại nhà bếp và có những lời lẽ miệt thị, xúc phạm, khinh rẻ công nhân. Theo lời của một số công nhân, hôm đó bà Ty đã nói: "Chúng mày không ăn thì về, dân nhà quê chúng mày mà cũng đòi ăn ngon à". Những lời lẽ khinh miệt này đã gây bức xúc trong công nhân và họ đồng loạt bỏ cơm, đi ăn ở ngoài. Đến chiều 4/6, tất cả công nhân của xí nghiệp đều nghỉ làm đình công, yêu cầu bà Ty phải có lời xin lỗi. Tuy nhiên, sau đó, bà Ty lên xe bỏ mặc yêu cầu của công nhân để về Hà Nội nên sự việc càng trở nên phức tạp.
Trước tình trạng công nhân đồng loạt đình công, Ban Điều hành xí nghiệp đã phối hợp với UBND xã Cẩm Tú triệu tập cuộc họp ở Nhà văn hóa thôn Cẩm Hoa để công nhân đưa ra những thắc mắc của mình. Suốt những ngày qua, rất nhiều công nhân vây kín cổng xí nghiệp may tỏ thái độ hết sức bức xúc và yêu cầu phải làm rõ sự việc. Mặc dù công an huyện Cẩm Thủy vào cuộc, nhưng tình trạng trên vẫn chưa chấm dứt.
|
Trong những ngày qua, rất nhiều công nhân vây kín cổng xí nghiệp may để yêu cầu làm rõ sự việc. Ảnh: Infonet |
Nhiều công nhân còn cho biết, đây không phải là lần đầu tiên bà Ty có những lời lẽ thô tục, chửi bới công nhân. Trước đó, bà Ty đã đánh những công nhân nữ khiến cho những công nhân này uất ức bỏ về.
Hành vi của bà Ninh Thị Ty khiến dư luận rất bất bình nhưng càng bất bình hơn khi biết rằng, bà Ty đã từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên báo Kiến Thức, thạc sĩ - luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định: Hành vi của bà Ninh Thị Ty là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người lao động, đây cũng là một trong những hành vi ngược đãi người lao động.
Theo luật sư Phạm Văn Phất, về khía cạnh Nhà nước, hành vi của bà Ty là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính. Theo điều 17, Nghị định 47/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, hành vi
"miệt thị" công nhân của bà Ninh Thị Ty có thể bị xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
Điều 8.2, Bộ luật Lao động mới ban hành năm 2012 quy định, cấm người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, cưỡng bức người lao động. Do đó, hành vi này của lãnh đạo một doanh nghiệp là điều không thể chấp nhận được.
Luật sư Phạm Văn Phất cũng cho biết thêm, đối với trường hợp của bà Ninh Thị Ty, Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa là người có thẩm quyền xử lý hành vi này. Chánh Thanh tra có thể lập biên bản và yêu cầu xử phạt bà này.
Về khía cạnh cá nhân, luật sư Phạm Văn Phất cho rằng, hành vi "miệt thị" công nhân của bà Ninh Thị Ty là hành vi xâm phạm danh dự người lao động theo điều 37, Bộ luật Dân sự. Điều 35, Bộ luật Dân sự cũng quy định, người lao động có thể yêu cầu các cơ quan chức năng buộc người sử dụng lao động phải có lời xin lỗi hoặc đền bù thỏa đáng về danh dự cho người lao động.
Luật sư Phất cho rằng, đối với hành vi của bà Ninh Thị Ty thiệt hại với người lao động thật khó chứng minh nhưng cái mà nhìn thấy trước mắt là ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần của người lao động. Một lời xin lỗi của lãnh đạo doanh nghiệp cũng không đủ để xóa đi những bức xúc trong tâm lý của người lao động. Tuy nhiên, quan hệ lao động cũng là một quan hệ khá phức tạp, người lao động ngoài những phản ứng nhất thời như đình công, họ cũng luôn cần được pháp luật bảo vệ.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phùng Trung Tập, Trưởng Bộ môn Luật dân sự, Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng, hành vi của bà Ninh Thị Ty chứng tỏ không tôn trọng người lao động, xâm phạm danh dự nhân phẩm của người lao động. Hành vi "miệt thị" công nhân của bà Ninh Thị Ty phản ánh tầm văn hóa của lãnh đạo một doanh nghiệp, đồng thời tạo ra dư luận không tốt về lãnh đạo, cũng như doanh nghiệp may này.
Luật sư Phùng Trung Tập cho rằng, bà Ty cần phải có lời xin lỗi chính thức tới công nhân xí nghiệp may và cam kết không tái phạm những hành động tương tự. "Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn nhớ rằng, sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào công nhân vì chính công nhân là người tạo nên sản phẩm cho doanh nghiệp đó. Nếu công nhân không có thiện cảm với lãnh đạo, họ cũng sẽ không còn niềm say mê với chính công việc mình đang làm. Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn tới năng suất công việc không cao và ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty", luật sư Phùng Trung Tập khẳng định.
Theo giới thiệu trên trang web của Trường Đại học Trưng Vương, nơi bà Ninh Thị Ty đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, bà Ninh Thị Ty còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Chiến Thắng, Nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Bà Ty cũng được giới thiệu là một nữ doanh nhân có nhiều bằng cấp, là một kỹ sư "3 lần đào tạo tại Đức" và là Thạc sĩ quản trị kinh doanh Mỹ (MBA).
Bà Ty còn là một doanh nhân thành đạt, đã vực dậy nhiều doanh nghiệp may đang trên bờ vực phá sản. Bà Ty đã được nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen, huân huy chương.
|
TIN BÀI LIÊN QUAN
Nguyễn Đóa