Những ngày qua, người dùng mạng liên tục chia sẻ, bàn tán về mối tình của Hoa hậu Phương Nga và đại gia Sài Gòn.
Phiên tòa xét xử hoa hậu phát sinh nhiều tình tiết mới so với cáo trạng. Theo đó, cô phủ nhận lừa đảo, mà khai rằng vị đại gia chi 16,5 tỷ đồng để quan hệ tình cảm trong 7 năm. Nếu phản bội trong thời gian đó, cô phải trả lại toàn bộ số tiền.
Câu chuyện này một lần nữa tạo ra những tranh luận về lối sống trong giới trẻ, nhất là các bạn nữ: Phải chẳng muốn đổi đời chỉ cần xinh đẹp, ngoan, và có đại gia bao bọc?
|
Hoa hậu Phương Nga khai tại toà rằng cô và đại gia ký kết hợp đồng tình ái. Ảnh: T. Thanh.
|
Tình yêu và cái giá cho giấc mộng giàu sang
Chuyện các cô gái trẻ đẹp từ nông thôn lên thành phố đổi đời nhờ được đại gia bao bọc không phải hiếm. Đó cũng là lý do khiến không ít nữ sinh thay vì chuyên tâm học hành lại bận rộn với quần áo, phấn son, chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng xã hội với khao khát nổi tiếng, trở thành hot girl để được để mắt.
Mới đây, Vòng eo 56, bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được gắn mác "tự truyện", dựa trên cuộc đời có thật của "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh đã đưa ra thông điệp còn tranh cãi: Một cô gái đẹp chỉ cần ngoan ngoãn và không nói dối sẽ gặp đại gia giàu có, được yêu thương chiều chuộng, mua nhà, xe và chăm sóc cho cả gia đình.
Người ta vẫn cho rằng chân dài phải lấy đại gia mới xứng. Nhưng đại gia có dễ kiếm không? Có phải ai may mắn gặp được đại gia cũng đổi đời?
Giới trẻ vẫn kể lại câu chuyện showbiz Việt từng ngỡ ngàng vì chiếc nhẫn kim cương bạc tỷ của một siêu mẫu khi cô cưới doanh nhân giàu có. Nhưng cuối cùng, đôi vợ chồng đưa nhau ra tòa với những vụ kiện đòi quyền lợi.
Một hoa hậu khác bị bạo hành, tên tuổi liên tục bị đưa lên mặt báo và dính dáng tới cả pháp luật chỉ sau thời gian ngắn công khai tình cảm với doanh nhân nhiều tiền ở TP HCM.
Theo kịch bản tương tự, cuộc tình của nữ MC xinh đẹp với thiếu gia cũng được dệt như mộng hoa, với đám cưới hào nhoáng, những chiếc xe đưa dâu bạc tỷ. Thế rồi, cô phải đối mặt cuộc ly hôn đẫm nước mắt, phải nhờ công luận lên tiếng mới được gặp gỡ con mình.
Và bây giờ, người trẻ lại thấy một trường hợp nữa về mối tình của hoa hậu - đại gia.
Trên nhiều diễn đàn, các bạn trẻ bàn luận rằng thực tế cuộc sống thường không ngọt ngào như trong những câu truyện cổ tích hay phim truyền hình dài tập.
Trước đó, tâm sự với Zing.vn, một á hậu cho biết: "Có được đại gia lo lắng là điều may mắn, nhưng ai biết được cuộc sống thực sự bên trong thế nào. Không có gì là hoàn hảo. Cuộc sống luôn có cho và nhận. Không ai dại cho mãi mãi và cũng không ai chỉ được nhận mãi mãi. Vì vậy, người ta cho cái gì đi, họ mong nhận được điều mình muốn".
Vì vậy, những cô gái trẻ hãy dùng tuổi thanh xuân để gây dựng một cuộc sống độc lập. Không nên cho rằng có nhan sắc là đã nắm trong tay tấm vé đến với cuộc sống giàu sang, thượng lưu, để rồi bán mình, bán đời vì "bản hợp đồng ma quỷ".
Hết yêu trả quà... anh về
Những trường hợp "khi yêu thì tặng rất nhiều, hết yêu đòi lại những điều đã cho" không còn mới với người trẻ.
Còn nhớ, năm 2013, trang cá nhân của cô gái tên K.T. đăng tải đoạn phim ghi lại cảnh bạn trai cũ đến tận nhà đòi lại quà gồm những món đồ trang sức, bông tai, điện thoại, vàng, thậm chí cả tiền hoa quả sau khi hai người chấm dứt mối quan hệ.
Cùng thời điểm đó, việc Bùi Ngọc Hưng (43 tuổi, Thanh Hóa) vác dao đến nhà bạn gái cũ đòi lại chiếc điện thoại Nokia 1280 tặng khi hai người còn mặn nồng đã châm ngòi cho hàng trăm bình luận trái chiều về cách các chàng trai xử sự với bạn gái cũ sau khi "đường ai nấy đi".
Thậm chí vào thời gian đó, ca sĩ Only C và Karik còn cho ra đời hẳn ca khúc mang tên "Anh không đòi quà" để phản ánh trào lưu của giới trẻ thời đó.
Chưa bàn đến chuyện đúng sai của các cá nhân trong sự việc trên, rất nhiều dân mạng bày tỏ quan điểm về cách ứng xử trong tình yêu: Có nên dùng vật chất như một yếu tố thể hiện tình cảm?
Nguyễn Minh Hà (sinh viên năm ba ĐH Giao thông Vận tải) nêu quan điểm đừng coi tình yêu như món hàng: "Nhiều người dùng quà tặng như một cách lấy lòng các cô gái. Nhưng, yêu nhau thật lòng thì không nên nhận những món quà có giá trị, để rồi không đến được với nhau sẽ mang tiếng đào mỏ. Tình yêu bắt đầu bằng tiền thì cũng kết thúc bằng tiền thôi".
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng trong tình yêu, tặng quá nhiều vật chất để mong vui lòng người yêu, thì chẳng khác nào chúng ta đang dùng tiền để mua họ.
"Khi coi tình yêu như món hàng, và tất nhiên khi không có được món hàng đó, người đàn ông liền nghĩ đến việc đòi lại số tiền đã bỏ ra. Điều đó làm mất giá trị bản thân, hạ thấp tình cảm giữa hai người. Một khi đã không đến với nhau bằng tình cảm thực sự, mà chỉ vì những hào nhoáng vật chất và hình thức bên ngoài, sự tôn trọng lẫn nhau cũng đã không còn", thạc sĩ Hiếu nói.
Theo Zing