Chủ nhân mới khách sạn Kim Liên giàu cỡ nào?

Google News

Để "ăn trọn" miếng bánh 3,6 triệu cổ phần khách sạn Kim Liên, nhà đầu tư đã phải chi ra số tiền khủng hơn 1.000 tỷ đồng.

Chủ nhân “miếng bánh vàng” đó là ai trong số gần 20 “ông lớn” là các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước đăng ký mua cổ phần trong phiên đấu giá?
Giá tăng đốt nóng sàn đấu
Phiên đấu giá 52,4% cổ phần của khách sạn Kim Liên, tổ chức tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chiều qua liên tục được đốt nóng bởi giá cổ phần tăng chóng mặt. Mặc dù mức giá khởi điểm phiên giao dịch là 30.600 đồng/ một cổ phần song các nhà đầu tư đã liên tục ra lệnh bỏ giá cao hơn.
Chu nhan moi khach san Kim Lien giau co nao?
 Thaigourp được coi là đại gia đã bạo chi hơn 1.000 tỷ sở hữu khách sạn Kim Liên.
Khoảng 8h30’, giá mỗi cổ phần của khách sạn Kim Liên đã tăng lên 102.000 đồng, cao hơn rất nhiều giá khởi điểm. Một số nhà đầu tư cá nhân có mặt tại phiên đấu giá lắc đầu khi giá cuối vẫn chưa chốt. Đến 9h, giá mỗi cổ phần dừng lại con số 274.200 đồng.
Như vậy, so với mức giá khởi điểm là 30.600 đồng một cổ phần, nhà đầu tư đã phải trả số tiền cao gấp 9 lần, tức 274.200 đồng cho mỗi cổ phần. Tổng số tiền để sở hữu 3,65 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 52,43% mà SCIC bán ra là hơn 1.000 tỷ đồng. Một con số ít tai ngờ tới. Trao đổi bên lề, một nhà đầu tư tham gia cuộc đấu giá cho biết ông và các cộng sự ước lượng mức giá mua 3,65 triệu cổ phần chỉ khoảng 200 – 250 tỷ đồng.
Ai là chủ nhân “miếng bánh vàng”?
Mặc dù thời điểm hiện tại, danh tính của người chiến thắng vẫn chưa được tiết lộ song giới quan sát cho biết, với mức giá chốt trên 1.000 tỷ đồng, chủ nhân đất vàng Kim Liên chỉ có thể là nhà đầu tư tổ chức và có tiềm lực tài chính mạnh.
Một số nguồn tin đáng tin cậy cho rằng, nhà đầu tư đã bạo tay đó là Cty cổ phần Tập đoàn Thaigourp.
Nguồn tin này cũng nói rằng, hiện Cty cổ phần Tập đoàn Thaigourp đang gấp rút thu xếp số tiền khủng kia để nộp cho bên tổ chức đấu giá.
Cty cổ phần Tập đoàn Thaigourp tiền thân là Công ty Cổ phần Xuân Thành Group (Số 8, Đường 1, Phố 9, P.Đông Thành, TP. Ninh Bình).
Tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh, thành lập năm 1976 tại xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh. Trải qua một thời kỳ dài phát triển, đến năm 2007 thành lập Xuân Thành Group với một hệ thống các công ty thành viên.
Dự án lớn gần đây của Thaigourp là nhà máy xi măng Thạnh Mỹ tại Quảng Nam với công suất 2 triệu tấn/năm. Thaigourp hiện cũng đang chuẩn bị nguồn lực để thực hiện Dự án xi măng Xuân Thành giai đoạn 2 tại Hà Nam với công suất 12.500 tấn clinker/ngày, tổng mức đầu tư cho dự án này của Tập đoàn lên tới gần 11.000 tỷ đồng.
Các lĩnh vực Thaigourp đang hoạt động mạnh là: xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà máy sản xuất xi măng, cảng nước sâu, bảo hiểm, tài chính, bóng đá và chứng khoán…
Trước đó, cuộc đua mua lại khách sạn Kim Liên đã nóng ngay từ khi SCIC thông báo thoái vốn, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, có 19 nhà đầu tư tổ chức và 17 nhà đầu tư cá nhân đăng ký tham gia đấu giá.
Tổng khối lượng cổ phiếu đăng ký tham gia đã lên đến 131,1 triệu, gấp hơn 36 lần khối lượng chào bán là 3,6 triệu.
Công ty du lịch Kim Liên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, lưu trú ngắn ngày.
Khách sạn Kim Liên có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, có vị trí rất đắc địa khi toạ lạc trên khu đất 3,5ha trên phố Đào Duy Anh. Khách sạn hiện có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng.
Năm 2014, doanh thu của công ty đạt 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng.
Theo Người Đưa Tin