Đại gia Diệu Hiền ra sao sau biến cố nợ nần?

Google News

(Kiến Thức) - Đã có lúc, từng biến cố dù lớn hay nhỏ của “đại gia thủy sản” Diệu Hiền đều được dư luận theo dõi sát sao…

Bởi đi cùng với sự nổi tiếng về thành đạt trong kinh doanh và “sở thích” chơi trội của mình thì bà Diệu Hiền, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) cũng khiến dư luận rùm beng với vụ vỡ nợ cực “khủng” lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, đẩy hàng chục người nông dân trước nguy cơ mất nhà, mất đất. Sau biến cố lớn lao này, bà Diệu Hiền đã phải đối diện với sự an nguy của tính mệnh khi phải sang nước ngoài điều trị bệnh ung thư và giao lại quyền điều hành cho chồng, ông Trần Văn Trí.
Đến nay, sau hơn một năm, “bão tố” phần nào cũng đã đi qua. Bianfishco đã được Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tiếp nhận và tái cấu trúc toàn diện. Vợ chồng bà Diệu Hiền đã chính thức rời khỏi công ty và lui về “ở ẩn”. Tuy nhiên, thông tin mới nhất về việc bà Hiền phải mổ lại mới đây lại khiến dư luận được dịp quan tâm và nhìn lại cuộc sống của doanh nhân nổi tiếng này sau những thăng trầm tưởng không qua nổi.
 Bà Diệu Hiền
Sức khỏe đang diễn biến không tốt
Phát biểu với báo giới, ông Trí cho biết, vợ ông vừa trải qua ca mổ kéo dài 6 tiếng đồng hồ ở một bệnh viện bên Thái Lan. Đến chiều ngày 26/8, bà Hiền vẫn còn nằm ở phòng hậu phẫu. Tuần trước, bà Hiền rời Việt Nam khi xuất hiện các triệu chứng không tốt về sức khỏe như đau tức vùng ngực, sụt cân, sưng chân.
Bà Diệu Hiền bị ung thư gan, mổ lần thứ nhất vào năm 2008. Đầu năm ngoái bà Hiền sang Mỹ xạ trị. Trong thời điểm công ty đang lao đao vì nợ lớn thì chuyến đi chữa bệnh này của bà bị hiểu lầm là cuộc chạy trốn dư luận.
Tháng 9/2012 bà Diệu Hiền về nước. Tổng chi phí cho đợt trị bệnh của bà vào khoảng trên 457.000 USD. Nữ doanh nhân được xếp lịch phẫu thuật vào tháng 1 năm nay tại Bệnh viện Thánh Giuse ở California nhưng bà Hiền không quay lại Mỹ mà cùng chồng về Sóc Trăng cải tạo lại khu du lịch Bình An để làm nơi nghỉ dưỡng cho gia đình.
Trong một năm qua bà Diệu Hiền trị bệnh ung thư với những liều thuốc được bào chế từ nọc bọ cạp xanh của Cu Ba. Theo ông Trí thì đơt phẫu thuật này, dự kiến sau khoảng 1 tháng, bà Diệu Hiền sẽ được xuất viện về nước.
 Khu du lịch Bình An đang hồi sinh
Từ thời điểm bà rơi vào thăng trầm lớn đến nay, bà Diệu Hiền nhiều lần bày tỏ sự xúc động vì sự hy sinh của chồng. khi thấy người chồng sẵn sàng bỏ tất cả sự nghiệp chính trị để gánh vác nợ nần, ngược xuôi Nam - Bắc lo chuyện kinh doanh.
"Hai năm qua anh Trí cực lắm. Áp lực đầu tiên là dư luận xôn xao chuyện nợ nần tại Công ty thủy sản Bình An khi tôi qua Mỹ trị bệnh. Sau đó là quyết định nghỉ làm viên chức để thay vợ cáng đáng công việc trước giờ anh ấy chưa từng làm. Khó khăn lắm nhưng anh Trí đã vượt qua tất cả bằng nghị lực của người cha, người chồng để cho vợ được bình an", bà chia sẻ với báo giới.
Cùng chồng đánh thức khu du lịch Bình An
Tạm xa rời thương trường cùng những bộn bề lo toan, tính toán, bà Diệu Hiền đã chọn Sóc Trăng làm quê hương thứ 2 của mình. Đặc biệt hơn, bà cùng chồng hồi sinh lại khu du lịch Bình An tại đây. Đây cũng là khu du lịch sinh thái lớn đầu tiên ở miền Tây mang tên con gái bà. Tuy nhiên, trước đây, vì bận kinh doanh nên khu du lịch rộng hơn 10 ha này bị bỏ quên, thậm chí còn bị người dân ví với khu du lịch “ ma”. Dường như mọi niềm vui, tâm huyết còn lại của bà đều đang dồn vào hết khu du lịch này. Hằng ngày, dù nắng hay mưa, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Bình An đều đội nón lá trực tiếp chỉ huy nhóm công nhân "khẩn hoang" khu du lịch sau nhiều năm bị lãng quên. Người dân cũng được thấy chiếc siêu xe Rolls Royce Phantom biển số tứ quý gây xôn xao dư luận ngày nào của bà vẫn chở chủ nhân đi mua cây ăn quả mang về trồng trong khu du lịch Bình An.
Siêu xe biển số tứ quý của bà Hiền.
Tại khu du lịch, bà Hiền cho trồng cây xanh, đặt tượng thú rừng và xây lại cổng chính, tháo biển quảng cáo, phá bỏ cửa hàng giới thiệu nước uống collagen - sản phẩm kinh doanh mang lại nhiều tiếng tăm cho bà trước đây. Tượng Hai Bà Trưng cưỡi voi trước khu du lịch được giữ lại, bên trong là vườn cây ăn trái, đối diện khu vực đặt tượng Phật ngồi trên tòa sen nhìn ra lối vào căn biệt thự cạnh núi Quan Âm.
Những nơi cây cỏ mọc um tùm được thay thế bằng vườn cây ăn trái. Theo bà Hiền thì tuy sửa lại rất nhiều nhưng gói ghém chi phí nên không tốn bao nhiêu bởi vật tư, cây cảnh đều được tận dụng tại chỗ. Đặc biệt, trên đỉnh núi nhân tạo bà cho gây dựng đã có rất nhiều chim yến đến làm tổ, khiến bà vui lây vì ý nghĩ “đất lành chim đậu”.
Với những tĩnh tâm trong thời gian này, bà Diệu Hiền được cho là đã hoàn toàn trải qua khỏi cú sốc quá lớn, bỏ lại phía sau bao bộn bề, lo toan. Trước mắt, bà chỉ còn phải đấu tranh với chính bệnh tật của mình để được hạnh phúc, vui vầy cùng người thân.
Lê Thịnh (tổng hợp)