Điểm loạt đại gia Gia Lai gặp vận đen đầu năm 2016

Google News

(Kiến Thức) - Ba tháng đầu năm 2016, nhiều đại gia Gia Lai liên tục gặp vận đen kinh doanh, giá cổ phiếu giảm, thất thu trăm tỷ đồng.

Cổ phiếu lao dốc
Các phiên giao dịch cuối năm 2015 và đầu 2016 của các đại gia Gia Lai như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai… đều có những điểm trũng khiến doanh nghiệp thất thu cả trăm tỷ đồng.
Trong đó, phiên giao dịch 5/1/2016 đánh dấu cột mốc đáng buồn với cổ đông Hoàng Anh Gia Lai khi cổ phiếu chỉ còn hơn 9.600 đồng/cổ phiếu, mức thấp kỷ lục kể từ khi tập đoàn này niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2008.
Liên tục lao dốc sau các phiên giao dịch (từ mức giá 22.200 đồng ở thời điểm đầu năm 2015), cổ phiếu HAG đã giảm tới hơn 50%. Cổ phiếu xuống thấp kỷ lục khiến tài sản chứng khoán của đại gia Đoàn Nguyên Đức mất thêm 487 tỷ, xuống còn 3.129 tỷ đồng sau 12 phiên giao dịch. So với khối tài sản đầu năm 2015 là 7.575 tỷ đồng, tài sản của Bầu Đức đã "bốc hơi" khoảng 4.446 tỷ đồng. Bầu Đức cũng nhiều lần mất vị trí Top 3 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Diem loat dai gia Gia Lai gap van den dau nam 2016
Một năm kinh doanh không mấy may mắn của bầu Đức khiến đại gia này mất đi khá nhiều tiền. 
Tình hình cổ phiếu cũng không mấy sáng sủa với Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan khi mà mức giao dịch ở ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu, xuống thấp tới 50% so với cách đây một năm.
Trong khi đó, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai cũng không mấy khởi sắc, với mức 6.500 đồng/cổ phiếu, giảm tới 37% so với thời điểm đầu năm 2015.
Kinh doanh không khởi sắc
Mặc dù theo báo cáo tài chính quý IV/2015, hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai có bước phát triển, tuy nhiên, ở một số lĩnh vực như khai khoáng, tập đoàn thua lỗ hàng trăm tỷ.
Từ cuối năm 2015, đầu năm 2016, tập đoàn của bầu Đức liên tiếp gặp vận đen. Trong công bố tài chính hợp nhất quý IV/2015, Hoàng Anh Gia Lai báo lỗ 588,9 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ lỗ 566,3 tỷ đồng. Dù được ghi nhận mức doanh thu thuần có tăng gấp đôi so với năm 2014, song áp lực tài chính khi thanh lý ngành khai khoáng và chi phí lãi vay tăng, cùng nhiều yếu tố khác trong kinh doanh nên HAG chỉ còn lãi ròng 574 tỷ đồng, giảm 58% so với mức 1.382 tỷ đồng của năm 2014.
Hoàng Anh Gia Lai cho biết mức lỗ khi thanh lý ngành khoáng sản là 396 tỷ đồng và tập đoàn cũng đã đóng cửa các mỏ khai khoáng, xóa sổ các khoản đầu tư thiết bị hạ tầng ngành khai khoáng và khoản lỗ trong quý IV/2015 của tập đoàn. Đầu năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai bị nhắc nhở 2 lần về vi phạm nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính.
Diem loat dai gia Gia Lai gap van den dau nam 2016-Hinh-2
Bà Nguyễn Như Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai.
Tương tự với Hoàng Anh Gia Lai, tháng 2/2016, công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016. Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2015, ở thời điểm cuối năm, QCG có khoản nợ 1.621,86 tỷ đồng tại ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh Quang Trung với lãi suất 11,5%/năm. Những khoản vay này đáo hạn từ 30/7/2015 đến 31/12/2015.
Báo VTC News có đưa thông tin, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cầm cố tài sản vay hơn 1.600 tỷ đồng. Theo đó, bà thế chấp toàn bộ dự án khu dân cư Phước Kiển và cổ phiếu riêng trong công ty để có khoản vay này. Nhiều thông tin rộ lên nghi ngờ năng lực tài chính, tình hình kinh doanh bết bát của tập đoàn. 
Tuy nhiên, nữ đại gia Như Loan đã lên tiếng khẳng định trên Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, giá trị đầu tư của dự án Phước Kiển là 3.798,2 tỷ đồng và tăng thêm hơn 300 tỷ đồng ở đầu năm 2016. Số nợ của dự án là 1.600 tỷ đồng và bà đã dùng tài sản thế chấp vay vốn đầu tư. Tuy nhiên, thế chấp vay vốn đầu tư là con số nợ chỉ chiếm hơn 16% trên tổng mức đầu tư và là quá nhỏ so với tổng tài sản mà QCG đang nắm giữ.
Liên tục dính tin đồn thất thiệt
Từ đầu năm 2016, các đại gia Gia Lai cũng vướng phải nhiều tin đồn vỡ nợ hay nợ trăm tỷ mua máy bay loại sang.
Cụ thể, bầu Đức dính tin đồn nợ trăm tỷ mua chiếc phi cơ phản lực Legacy 600. Thông tin VietTimes cho biết, chiếc phi cơ phản lực Legacy 600 không thuộc quyền sở hữu của ông Đoàn Nguyên Đức hay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, mà chỉ thực hiện thuê mua (thuê sau một thời gian mới được chuyển quyền sở hữu) lại của Công ty Cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt - Vietstar Airline và số tiền thuê mua chiếc máy bay từ công ty Vietstar Airlines vẫn do Hoàng Anh Gia Lai đứng ra chi trả. Tính đến cuối quý III/2015, số tiền phải thu bầu Đức đã lên đến 108,5 tỷ đồng, phản ánh khoản tiền đặt cọc và chi phí thuê máy bay phải trả cho Vietstar Airline.
Tuy nhiên, về thông tin này, đại gia Đoàn Nguyên Đức đã lên tiếng bác bỏ. Ông nhấn mạnh, không có chuyện ông mua chiếc phi cơ phản lực Legacy 600 như báo chí đưa tin.
Các tin đồn về tài chính bết bát, thua nợ, vỡ nợ, dùng tài sản thế chấp vay ngân hàng cũng đeo bám tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, khiến đại gia Như Loan phải nhiều lần đính chính, công bố báo cáo tài chính để khẳng định năng lực tập đoàn. Kết thúc năm tài chính 2015, tổng doanh thu của QCGQCG đạt 391,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 25,4 tỷ đồng. Tập đoàn có đủ năng lực tài chính cho các năm tiếp theo.
Ngọc Linh (Tổng hợp)