Không thể phủ nhận thành công của đế chế Thế Giới Di động (TGDĐ) gắn liền với giai đoạn bùng nổ công nghệ số và di động. Nhưng việc vận dụng linh hoạt các phương thức kinh doanh đã giúp ông Nguyễn Đức Tài cùng doanh nghiệp phá bỏ ranh giới một hình thức kinh doanh bán lẻ thông thường, vươn lên thành người khổng lồ trong lĩnh vực này.
Xem khách hàng là đối tác
Sau khi khởi nghiệp một mình thất bại, năm 2004 Nguyễn Đức Tài quyết định trở lại đường bay cùng một phi hành đoàn gồm 4 người. Họ lập ra một lịch trình cụ thể với dự án kết hợp giữa một trang web trực tuyến và hệ thống bán lẻ di động có số vốn khoảng 1 tỷ đồng.
|
Văn hóa phục vụ của Thế Giới Di động là nền tảng để duy trì kết quả kinh doanh. |
Khởi điểm, họ mở ra 3 cửa hàng điện thoại và chờ đợi khách ghé sau khi tham khảo website. Dù lượng người truy cập website và ghé các cửa hàng tương đối lớn nhưng hiệu quả kinh doanh lại không cao. Bởi độ vênh của web và các cửa hàng thực tế là rất lớn. Họ lại quay về vạch xuất phát và quyết gom 3 cửa hàng thành một có quy mô hơn, bài bản hơn, tạo tiền đề cho sự bùng nổ sau này.
Khi hệ thống đã tương thích, vận hành bài bản, cộng hưởng với sự bùng nổ công nghệ số thì dấu hiệu kinh doanh đã khả quan, các cửa hàng bán lẻ được “nhân bản” liên tiếp với tốc độ cao.
Trong giai đoạn 2004-2008, Nguyễn Đức Tài là người chịu trách nhiệm chính trong hoạt động của TGDĐ, từ duyệt mặt bằng, đàm phán với nhà cung cấp, tuyển dụng cho đến quyết định giá cả bán ra. Suốt thời gian này, 40 cửa hàng TGDĐ đã ra đời, và từ đó đến nay con số này đã lên cấp số nhân. Hiện tại số cửa hàng đã tăng lên 780, phủ rộng khắp các tỉnh thành. Miếng bánh thị phần ngành hàng di động cũng ngày càng phình to với 39% thị trường.
Sau khi thăng hoa với chuỗi bán lẻ di động, việc mở rộng các sản phẩm điện máy đã mở ra hướng mới để định hình một đế chế bán lẻ. Không chỉ mở rộng vì thị trường điện máy vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, mà việc này còn được nhiều người đánh giá là bước đi hợp lý nếu thị trường di động bão hòa hoặc gặp phải “thời tiết xấu”.
Với kinh nghiệm bán lẻ sẵn có, hệ thống điện máy cũng duy trì được mức tăng trưởng đều đặn và việc mở rộng nhanh chóng hệ thống như một quán tính tự nhiên. 99 cửa hàng điện máy, trở thành một trong 3 công ty hàng đầu Việt Nam về bán lẻ thiết bị gia dụng và điện tử.
Chiến lược của TGDD là trở thành nhà bán lẻ lấy khách hàng làm trọng tâm: “Hãy xem khách hàng là đối tác chứ không phải nhìn vào túi tiền của họ”, ông Tài nói.
Những vũ khí bí mật
Ngoài yếu tố thiên thời địa lợi, hành trình vươn mình trở thành người khổng lồ của ông Nguyễn Đức Tài gắn liền với việc lựa chọn những giá trị đúng và thích hợp.
Giá trị đúng đầu tiên để TGDĐ bứt tốc trong một cuộc đua marathon gồm nhiều đối thủ sừng sỏ, chính là việc kết hợp nhuần nhuyễn vũ khí thông tin và lời giải Internet. Đây là điểm khác biệt để ông chủ TGDĐ lúc bây giờ không phải lo lắng quá nhiều về các đối thủ cạnh tranh.
Giải pháp được ông Tài lựa chọn là thẻ kỹ thuật số ghi giá tập trung cập nhật hai lần một ngày và liên kết với trang web. Khách hàng sẽ nhập số điện thoại của mình vào, và trong khoảng thời gian sớm nhất nhân viên của TGDĐ sẽ gọi điện, viết đơn hàng, chuyển giao cho nhân viên giao hàng và thu tiền mặt về. Một website với vài thao tác đơn giản này đã mang về cho hệ thống khoảng 1 triệu USD mỗi tháng.
Đó cũng là cơ sở đầu tiên để TGDĐ đạt được mức tăng trưởng doanh thu khoảng 200% trong những năm đầu tiên triển khai. Mức doanh thu này còn được duy trì ổn định nhờ vào khả năng quản lý chặt chẽ, cũng là tiền đề để TGDĐ đưa ra những kế hoạch đột phá tiếp theo.
Năm 2014, TGDĐ có bước chuyển mình quan trọng khi IPO với một hồ sơ sạch sẽ và mức tăng trưởng đáng mơ ước. Đây là cơ sở để giá cổ phiếu của TGDĐ luôn neo ở mức cao và duy trì đà tăng, nâng giá trị tài sản của CEO Nguyễn Đức Tài dần qua từng năm và lọt danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán.
Nhưng giá trị cốt lõi của TGDĐ không nằm ở mức giá cổ phiếu, mà chính là văn hóa quản trị khác biệt.
Ở một cuộc chia sẻ gần đây, doanh nhân này đưa ra mô hình quản trị nhân sự theo hình thái kim tự tháp ngược, gây bất ngờ cho nhiều người. Chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm và xóa nhòa ranh giới trong mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên đã đem lại thành công cho TGDĐ.
Ông Tài chia sẻ, nhân viên được đặt ở vị trí thứ hai, chỉ sau khách hàng và cao hơn cả cổ đông – những ông chủ thực sự của doanh nghiệp, hay đối tác, bạn hàng. Nếu có mâu thuẫn lợi ích giữa nhân viên, TGDĐ sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho nhân viên, như cách họ giữ chính sách ESOP (cổ phiếu thưởng cho nhân viên) cao, dù từng gây tranh cãi với cổ đông.
Theo Zing News