Tỷ phú Việt Nam đầu tiên được Forbes vinh danh
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vừa được tạp chí Forbes xếp hạng trong danh sách tỷ phú thế giới. Ông xếp thứ 974, với số tài sản tương đương 1,5 tỷ USD, chủ yếu nhờ 53% cổ phần trong Vingroup.
Ngoài việc lọt vào danh sách 1.426 tỷ phú thế giới, ông Vượng cũng lọt Top 20 gương mặt mới nổi bật của Forbes năm 2013.
|
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng
|
Ông Vượng trở thành tỷ phú đô la đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7/3/2011, liên tục giữ vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán trong các năm 2010, 2011 và 2012.
Bí mật thành công của ông Vượng là tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ - những người mong muốn có cuộc sống tốt hơn so với thế hệ trước. Vì thế, ông không chỉ xây những khu nhà, biệt thự mà còn kèm với đó là cả bệnh viện, văn phòng, trung tâm mua sắm và các dịch vụ hỗ trợ.
Hiện, Vingroup mà ông nắm phần lớn cổ phần có một danh mục đầu tư với 31 dự án bất động sản khắp cả nước, trong đó 12 dự án đã được hoàn thành, 3 dự án đang được xây dựng và phần còn lại đang trong giai đoạn quy hoạch.
Ông Vượng ước mơ, biến đường phố của Hà Nội và Sài Gòn của Việt Nam trở nên hiện đại tương tự như Singapore hay Hong Kong.
CEO đầu tiên Việt Nam được vinh danh ở bảng xếp hạng Châu Á
Mới đây, Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á (có trụ sở tại Hong Kong) bình chọn bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong những CEO (Tổng giám đốc) xuất sắc của Châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư.
|
Bà Mai Kiều Liên
|
Giải thưởng này nằm trong khuôn khổ cuộc bình chọn "Những cá nhân/công ty xuất sắc nhất Châu Á 2012" của tạp chí trên, với quá trình khảo sát kéo dài 7 tháng vào năm ngoái. Kết quả được lập ra dựa trên sự đánh giá của bạn đọc và phỏng vấn các nhà đầu tư liên quan.
Đây cũng là lần thứ hai bà Mai Kiều Liên được Tạp chí Quản trị doanh nghiệp Châu Á vinh danh. Vào tháng 5/2012, bà đã được tạp chí này bình chọn và trao giải thưởng nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực Châu Á trong lĩnh vực Quản trị doanh nghiệp.
Hồi tháng 2 năm ngoái, bà Mai Kiều Liên cũng được tạp chí Forbes vinh danh trong hàng ngũ 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực Châu Á.
Công ty Vinamilk của bà Liên trong năm 2012 đã đạt doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 2.900 tỷ đồng.
Hiện, Vinamilk có một nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 11 nhà máy sản xuất trong nước. Mục tiêu của hãng là lọt vào danh sách 50 công ty sản xuất sữa lớn nhất thế giới năm 2017.
Tỷ phú Việt đầu tiên có "ảnh hưởng nhất tại Đông Nam Á"
Tháng 9/2011, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai đứng thứ 29 trong danh sách 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á và được Wall Street Journal coi là có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - đặc biệt là kinh tế tư nhân Việt Nam.
|
Ông Đoàn Nguyên Đức
|
Bản thân ông Đức cũng là một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam và luôn có ước mơ trở thành một tỷ phú thế giới.
Năm 2008 và 2009, ông Đức liên tiếp xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam. Năm 2012, ông xếp ở vị trí thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng, với tổng tài sản 5.600 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai hiện đang thoát dần khỏi tình trạng nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào các dự án bất động sản trong nước. Tập đoàn này đang chuyển dần mũi nhọn sang cao su với 51.000ha cây công nghiệp loại này tại Lào, Việt Nam và Campuchia. Một số tính toán cho thấy, khi toàn bộ diện tích này được khai thác sẽ mang về cho Hoàng Anh Gia Lai khoảng 300 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, dự án bất động sản 300 triệu USD tại Yangon có thể mang lại cho tập đoàn này cả tỷ USD nếu thị trường Myanmar nóng lên trong vòng 5 năm tới. Đồng thời, các dự án cao su, mía đường ở Lào... cũng là một tài sản tiềm năng lớn của đại gia này.
Doanh nhân Việt đầu tiên gặp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu
Ông Đặng Thành Tâm là doanh nhân Việt Nam duy nhất được tiếp đón ngài Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu sang thăm Việt Nam trong chuyến thăm từ ngày 31/10/2012 tới ngày 2/11/2012.
|
Ông Đặng Thành Tâm
|
Ông Đặng Thành Tâm là Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), được biết đến là một doanh nhân thành đạt, "thu nhập" kha khá danh hiệu do các tổ chức trao tặng, mà nổi bật hơn cả phải kể đến "người giàu nhất Việt Nam" năm 2007. Năm 2008, 2009 và 2010, ông đứng ở vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng này dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu.
Ngoài ra, ông Tâm còn giữ vị trí "cầm cương" trong những công ty đã niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán đó là: Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Chủ tịch Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo…
Không chỉ tham gia kinh doanh, ông Đặng Thành Tâm tham gia tích cực vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2006, ông là thành viên hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, thành viên tư vấn cao cấp chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO của Chính phủ Việt Nam, chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nhật. Năm 2011, ông là thành viên tư vấn Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Tính đến nay, Tập đoàn đầu tư Sài Gòn của ông có tổng số vốn đầu tư tại các dự án đã công bố lên tới 16 tỷ USD. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về con số "khủng" này. Tuy nhiên, những gì mà đại gia Đặng Thành Tâm làm được và đang có, cũng là niềm mơ ước của nhiều người.
"Chúa đảo" Tuần Châu lên báo Nhật
Hãng tin JIJI Press của Nhật vừa đăng tải bài viết của Giáo sư Tsuboi về “Chúa đảo” Tuần Châu - Đào Hồng Tuyển sau khi hai người có cuộc hội ngộ trước Tết Nguyên đán.
Bài báo có đoạn: "Trước Tết Nguyên đán, tôi nhận lời của Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, về việc hỗ trợ Quảng Ninh trở thành một đầu tàu của phía Việt Nam trong hoạt động hợp tác Nhật - Việt, giúp tỉnh trở thành một 'Hội An của thế kỷ 21'. Nhân dịp này, tôi đã có cơ hội gặp ông Đào Hồng Tuyển (58 tuổi), Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu".
|
Ông Đào Hồng Tuyển
|
Bài báo nói về cuộc trò chuyện giữa hai người và giáo sư Tsuboi hết lòng ca ngợi tài kinh doanh thao lược của chúa đảo Tuần Châu. Giáo sư này viết, ông (tức Đào Hồng Tuyển - PV) đã đầu tư vào bất động sản, phát triển khu du lịch, xây dựng khu đô thị mới và khai thác các kim loại quý. Hơn 40 tuổi, ông đã có trong tay một gia sản khổng lồ và trở thành một trong một số ít những người giàu có của Việt Nam. Ngoài ra ông cũng được biết đến như một nhà hoạt động xã hội có nhiều hoạt động quyên góp từ thiện với số tiền lớn.
Ngoài sở hữu đảo du lịch quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh), hiện giờ ông Đào Hồng Tuyển sở hữu 14 công ty, 34 nhà máy xí nghiệp với cả vạn công nhân… Có nhiều tin đồn liên quan tới tài sản mà đại gia này đang sở hữu, trong đó có tin đồn ông Đào Hồng Tuyển có tới 2 tỷ đô la. Tuy nhiên, ông Tuyển khẳng định, ông chưa bao giờ công bố tài sản của mình như vậy. Ông Tuyển thẳng thắn: "Đó chỉ là chuyện phiếm". Tuy nhiên, dư luận không có gì nghi ngờ về sự siêu giàu của vị "chúa đảo" Tuần Châu này.
Những doanh nhân đề cập trong bài viết được coi là những tỷ phú đã "mang chuông đi đánh xứ người". Họ đã làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên giàu có hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Và những gì họ làm được thật khiến bạn bè thế giới nể phục.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Diên Lệ (Tổng hợp)