Mơ về một công trình kỳ quan thế giới ở Việt Nam
Ở cái tuổi 72, Hải đồ cổ trẻ hơn rất nhiều so với người ta nghĩ. Ông chủ của xưởng sản xuất sứ vàng nổi danh ở Hải Phòng lại là người rất thân thiện và nho nhã. Trong bộ âu phục màu trắng, thắt cà vạt,
Hải đồ cổ toát lên vẻ phong độ, khỏe khoắn của người đàn ông đã quá thất tuần.
Nhớ về thời "oai hùng" khi sở hữu kho đồ cổ và gia tài khổng lồ mà theo giá trị thời đó, Hải đồ cổ nhẩm tính cũng phải lên tới 20 tấn vàng, ông Hải không khỏi nuối tiếc và xót xa. Nhiều lần ra tù và trắng tay, ông vẫn đeo đuổi nghiệp kinh doanh, quyết vực lại những gì mình đã mất.
Ra tù lần thứ 4 khi đã xấp xỉ tuổi 60, ông Hải vẫn miệt mài nghiên cứu và hoàn thành công nghệ vẽ vàng ròng lên đồ sứ trước khi đem nung. Ông Hải chia sẻ, ông đến với công nghệ này bằng con mắt của một nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu vàng, đồng thời cũng là một người đam mê kiến trúc. Những câu chuyện kì bí về vàng và kiến trúc xa hoa của những lâu đài ở châu Âu đã cuốn hút ông đi sâu tìm tòi học hỏi và hình thành nên một suy nghĩ có thể dùng vàng trong kiến trúc được không và làm thế nào để phổ biến công nghệ này ở Việt Nam.
|
Hải đồ cổ bên những sản phẩm sứ phủ vàng của mình. Ảnh: Hải Sơn. |
Với những suy nghĩ ban đầu về vàng, một mét vuông độ dày 5-7 phân trong kiến trúc có thể ngốn tới vài tạ vàng, thậm chí nửa tấn vàng mà quy ra tiền mặt lên tới 5-6 tỷ đồng/m2. Điều này khiến ông Hải lo ngại,
kiến trúc Việt Nam khó có thể làm được bởi lẽ một công trình có diện tích đến cả hàng trăm, hàng nghìn mét vuông thì số tiền đổ vào đây sẽ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đất nước sẽ không bao giờ có được cung vàng điện ngọc như mong ước của kiến trúc Việt Nam.
Càng trăn trở, ông Hải càng quyết thực hiện bằng được ý tưởng đem vàng vào kiến trúc. Nghĩ lại thời gian làm gốm sứ với bà Nguyễn Thị Bình (lúc đó là Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo), ông Hải đã nghĩ đến ngày sứ Việt Nam vượt sứ Trung Hoa cổ, Nhật Bản và nước ta phải có những công trình kiến trúc độc đáo mà cả thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ.
Nghĩ đến vàng, ông Hải cho rằng vàng là thứ rất dễ dát mỏng, thậm chí siêu mỏng. Khi đi vào làm sứ, ông đã nghĩ tới sứ vẽ vàng mà theo thuật ngữ của ông, phải gọi là công nghệ
vẽ vàng lên sứ, vàng phủ lên sứ, sứ phủ vàng hoặc kiến trúc vàng trên sứ mới "chuẩn". Từ vẽ những bộ ấm chén, những pho tượng, những lọ hoa... ông Hải dần dần đưa vàng vào kiến trúc bằng cách bắt tay vào làm những hoa văn trông giống hoa văn ở những cung điện châu Âu để vẽ vàng lên. Vấn đề còn lại là làm thế nào để những sản phẩm đó có thể dùng được và quy trình nung thế nào để vàng có thể bám được trăm năm là một câu hỏi lớn trong ông Hải. Ông Hải cũng lên ý tưởng đưa vàng ra ngoài trời để vàng có thể chứng tỏ được độ bền vĩnh cửu của nó.
Mọi việc thực sự bắt đầu vào năm 2004 khi ông Hải chế tạo những hoa văn thô sơ và nhìn cũng "tàm tạm" - theo lời ông nhưng ý tưởng thôi thúc ông hơn cả là vào năm 2007. Trong tâm tưởng của mình, ông Hải luôn mơ ước sẽ tạo nên một công trình kiến trúc kiệt tác của Việt Nam cao khoảng 25-30 tầng với công nghệ vẽ vàng lên sứ khiến cả thế giới phải nể phục và công trình ấy sẽ trở thành kỳ quan của thế giới. Nhắc đến chuyện này, ông Hải tỏ vẻ buồn phiền vì tới giờ ông vẫn chưa thể khởi công được công trình vĩ đại theo ý muốn. Ông ước rằng trong tay ông có thật nhiều tiền để có thể bắt tay vào xây dựng công trình vĩ đại ngay tức khắc.
Chơi vàng - thú chơi vương giả của đại gia
Hiện nay, việc xây dựng lâu đài, biệt thự dát vàng, mạ vàng khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt trong giới đại gia. Các đại gia này không tiếc tiền để thể hiện đẳng cấp, trình độ văn hóa, trình độ nghệ thuật cũng như gu thẩm mỹ của họ. Lý giải về hiện tượng có thể trở thành trào lưu ở Việt Nam trong kiến trúc tương lai gần, Hải đồ cổ cho rằng đây là thú chơi vương giả của người có tiền vì các
đại gia giàu có rất gần với các bậc đế vương thời xưa. Họ không chỉ có rất nhiều tiền mà còn có sự am hiểu về văn hóa, công nghệ nên không ngại chi tiền làm đẹp cho ngôi nhà của mình. Đây cũng là lý do mà các cung điện của châu Âu sử dụng đến hàng trăm, hàng nghìn tấn vàng trong xây dựng.
Cũng theo Hải đồ cổ, người ta ưa chuộng vàng không chỉ vì vẻ đẹp tuyệt vời của nó mà còn bởi nó là kim loại quý có lợi cho sức khỏe. Ông Hải dẫn chứng, nhiều người cũng sử dụng thạch anh trong phong thủy nhưng trường của thạch anh còn thua xa trường của vàng đến mấy chục lần. Chính vì thế, càng ngày càng có nhiều người sử dụng vàng trong kiến trúc, trong thẩm mỹ thậm chí trong ăn uống. Họ dùng vàng để trang trí nhà cửa, xe cộ, thiết bị công nghệ hoặc đắp mặt nạ bằng vàng để được trẻ đẹp. Đó là việc chứng tỏ họ đang bỏ tiền để mua cái lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, vàng còn là kim lượng của nhiều quốc gia, định giá đồng tiền, đảm bảo đồng tiền và thay cho tiền trong các giao dịch nên được nhiều người tin tưởng. Từng có thời gian, người ta mua quá nhiều vàng để tích trữ, coi như một khoản tiết kiệm. Đến bây giờ, vàng vẫn luôn được người có tiền mua về để bảo lưu tài sản của riêng mình.
|
Hải đồ cổ nói về cách phân biệt vàng sứ và vàng công nghiệp. Ảnh: Hải Sơn. |
Nói đến công nghệ vàng, ông Hải cho rằng công nghệ sử dụng vàng trên thế giới hiện nay hầu hết là công nghệ vàng sống, tức là dán lá vàng lên các vật liệu. Nước Ý dán vàng lên chất liệu composite trong các phào chỉ dùng trong kiến trúc nhưng chỉ một thời gian, màu vàng này nhợt nhạt và dễ bợt ra. Còn
vàng công nghiệp của Trung Quốc được tạo bởi các nguyên tố bình thường như sắt, lưu huỳnh... có thể gây độc hại, thậm chí ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài. Loại vàng này ban đầu hút khách bởi sự sáng bóng nhưng chỉ một thời gian sử dụng sẽ bị phai màu và bong tróc.
|
Hoa văn bằng công nghệ vẽ vàng trên sứ của Hải đồ cổ vừa được sử dụng trong một công trình kiến trúc. Ảnh: Hải Sơn. |
Khi nói đến công nghệ vẽ vàng lên sứ của mình, dường như trong con người Bùi Xuân Hải trở nên phấn khích và vui vẻ hẳn. Ông Hải nói bằng giọng tự hào về chính công nghệ mỹ thuật cao độc đáo do mình sáng tạo ra mà trong tương lai không xa công nghệ này sẽ thay đổi bộ mặt kiến trúc của toàn thế giới.
Hải đồ cổ kể rành mạch từng công đoạn trong việc vẽ vàng lên sứ mà bắt đầu bằng việc tạo cốt cho các sản phẩm. Sau khi tạo xong, các nghệ nhân sẽ lên khuôn sản phẩm. Có những sản phẩm phải lên tới hàng chục bộ khuôn khác nhau, đó là những sản phẩm cầu kỳ, tinh xảo chứa nhiều hoa văn. Sau khi lên khuôn, các nghệ nhân sẽ tạo các sản phẩm bằng đất, bằng cao lanh để nhúng men. Sản phẩm sẽ được nung ở nhiệt độ hơn 800 độ C và được vẽ vàng lên sau đó. Chưa dừng lại ở đây, sản phẩm sau khi vẽ vàng xong được nung một lần nữa để vàng có độ bền cao hơn và tăng thêm tính thẩm mỹ cho sản phẩm.
Không chỉ vẽ trên sứ, ông Hải vẫn luôn nung nấu vẽ vàng trên các sản phẩm nhỏ tinh xảo, làm đồ trang sức cho phụ nữ hoặc vẽ vàng trên các sản phẩm lớn như du thuyền, máy bay... hoặc đưa vào đồ gỗ, thời trang làm nội y cho phụ nữ...
Gắn bó với công nghệ vẽ vàng lên sứ đã gần chục năm, trong tâm tưởng của mình, ông Hải luôn tin tưởng nếu công nghệ này được phát triển trong tương lai thì có thể biến bộ mặt những thành phố lớn của nước ta như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng... thành bộ mặt mà thế giới thèm khát. Ông cũng hy vọng trong vòng 10-15 năm nữa, công nghệ này sẽ phổ biến ở Việt Nam và khoảng 25 năm nữa sẽ phổ biến và thay đổi kiến trúc siêu cấp của thế giới. Các
sản phẩm vàng vẽ trên sứ có độ bền vĩnh cửu và sang trọng.
Minh Phương