Xu hướng chung của nhiều thiếu gia hiện nay là chăm chỉ sắm siêu xe, hàng hiệu và hẹn hò với các sao nữ xinh đẹp. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ và chưa khẳng định được nhiều nhưng một số cậu ấm cô chiêu vẫn dễ dàng nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc trong công ty gia đình.
Vì vậy, doanh nhân Đỗ Quang Vinh, con trai ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) vô tình trở thành “ca đặc biệt”. Là cậu cả của bầu Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SHB và tập đoàn T&T – một trong những người giàu nhất Việt Nam nhưng chàng trai sinh năm 1989 lại rất thân thiện và giản dị. Sau khi đi làm, anh Đỗ Quang Vinh mới dùng hàng hiệu. Và số tiền mà anh đổ vào những sản phẩm xa xỉ này khá hạn chế.
|
Gia đình bầu doanh nhân Đỗ Quang Vinh. |
Tuy nhiên, điều doanh nhân trẻ này khiến người xung quanh tò mò và cảm mến lại chính là việc anh không chọn cho mình một vị trí “hoành tráng” tại SHB hay T&T. Sau khi tốt nghiệp, thay vì làm việc cho công ty do bố mình xây dựng nên, Đỗ Quang Vinh đầu quân cho ngân hàng nước ngoài Hana Bank với vị trí của một “nhân viên quèn”.
Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, con trai bầu Hiển trở về phục vụ cho T&T. Nhưng nơi anh chọn không phải là một chiếc ghế “ngồi mát ăn bát vàng”. Ngược lại, anh tìm cho mình con đường khó khăn. Đó là một mình sang Mỹ để xây dựng và phát triển T&T Mỹ.
Phóng viên báo điện tử VTC News đã có cuộc phỏng vấn doanh nhân Đỗ Quang Vinh về câu chuyện chuyển giao quyền lực tại gia đình bầu Hiển và nhận thêm một bất ngờ nữa khi cậu cả họ Đỗ chia sẻ thêm về ý định bầu Hiển có thể hiến tặng toàn bộ tài sản cho xã hội.
|
Là con trai cả của bầu Hiển - một trong những người giàu nhất Việt Nam nhưng thiếu gia Đỗ Quang Vinh rất gần gũi, thân thiện. |
- 27 tuổi, độ tuổi mà khá nhiều thiếu gia khác đã tiếp quản doanh nghiệp của bố mẹ. Tại sao anh chưa nhận một chức vụ thật cao tại SHB hay T&T?
Trong xã hội hiện nay, tôi đánh giá một người có thực sự giỏi và thành đạt hay không không phải qua chức vụ, qua vị trí của họ, mà phải từ trí tuệ, sự thông minh và kinh nghiệm của họ. Có thể một số bạn cảm nhận được mình đã đủ khả năng để đảm nhận những vị trí như vậy nên các bạn gánh vác trọng trách sớm hơn tôi.
Tôi cho rằng khi mình nhận một trọng trách cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm của mình cao hơn và phải coi nó như một thử thách trong cuộc sống. Nếu vượt qua được thử thách, bạn sẽ thành công hơn. Nhưng với riêng tôi, dù có được nền tảng gia đình vững chắc, tôi vẫn chấp nhận bước chậm hơn các bạn khác vì tôi vẫn nghĩ "lùi một bước tiến hai bước".
Khi nào tự cảm nhận thấy mình đủ kiến thức, kinh nghiệm và sự trải nghiệm, tôi mới đón nhận những vị trí quan trọng. Tôi biết quản lý là công việc không dễ nên tôi phải học hỏi nhiều để đủ khả năng quản lý hàng ngàn nhân viên, những người có những tư duy, suy nghĩ khác nhau.
Và chỉ khi đó tôi mới được nhân viên của mình thực lòng công nhận và nể phục khả năng của mình. Tôi không muốn sớm làm sếp lớn nhưng lại bị nhân viên đánh giá mình lên được như vậy chỉ là do bố mẹ, chứ bản thân không có tài cán gì. Tôi ghét bị đánh giá như vậy.
Vì vậy, nói tóm lại, quan điểm của tôi là chậm mà chắc còn hơn vội mà thất bại
- Đó là lý do sau khi ra trường anh không vội về SHB hay T&T mà lại làm “nhân viên quèn” ở Hana Bank?
Tôi đi làm ở bên ngoài vì muốn có một bản CV thật tốt. Tôi muốn được những người xung quanh nhìn nhận một cách thật nhất, nhìn nhận như một người lao động bình thường có nhiều cố gắng chứ không phải một ông chủ nhỏ trong công ty gia đình.
Tôi cũng muốn chứng minh rằng dù gia đình mình có như thế nào, tôi vẫn có thể tự kiếm được một công việc để lo cho cuộc sống, chứ không phải ngồi môt chỗ chờ người khác mang mọi thứ đến tận tay và chỉ việc hưởng thụ.
Có những người suy nghĩ đơn giản lắm. Họ cho rằng hãy cứ sống bằng tiền của bố mẹ nhưng họ không biết rằng tiền dù nhiều đến đâu, cứ tiêu đi rồi sẽ tới lúc hết, bố mẹ rồi sẽ có lúc nghỉ hưu. Nếu không tự phấn đấu thì sau này ai có thể giúp đỡ được mình đây.
Tôi khá tự hào với khoảng thời gian làm việc ở Hana Bank. Đến bây giờ tôi vẫn có thể tự tin nói rằng tôi đã làm tốt công việc của mình. Khi tôi rời đi, sếp và đồng nghiệp đều ít nhiều tiếc nuối và nhớ về tôi như một nhân viên tốt.
- Rời Hana Bank để về T&T, anh đã không chọn cho mình một vị trí hoành tráng. Đó là quyết định của bố anh hay của anh?
Đúng là trong công việc hay cuộc sống, hầu hết khi phải quyết định những việc quan trọng thì bố tôi đều là người quyết định. Nhưng trong gia đình tôi, mọi thứ đều phải có được sự đồng thuận từ cả hai. Cũng may mắn là tôi và bố có suy nghĩ khá giống nhau nên bố thường định hướng đúng với con đường mà tôi muốn đi.
Vì vậy việc tôi không vào Hội đồng quản trị SHB hay T&T là do tôi và bố tôi cùng thấy chưa thích hợp khi tôi chưa có đủ khả năng cũng như kinh nghiệm để đảm đương vị trí đó.
Khi vào Hội đồng quản trị, tôi có cơ hội được nhiều cao nhân chỉ dạy để tiến bộ nhanh nhưng tôi cũng cho rằng ai cũng có những kinh nghiệm sống và cách làm việc của riêng họ. Tôi sẽ được học tất cả những thứ tốt đẹp của mỗi người xung quanh nếu biết đi chậm lại và đi từ dưới lên. Đây cũng là lý do tôi chọn làm nhân viên ở Hana Bank thay vì chọn một chức vụ to ở SHB.
Và khi rời Hana Bank về T&T, tôi chọn cho mình con đường thử thách hơn là làm việc tại T&T chi nhánh Mỹ. Ở chi nhánh mới này, tôi đảm nhận hầu hết tất cả các chức vụ từ nhân viên tới sếp vì tạm thời chỉ có một mình nên tôi phải giải quyết tất cả mọi công việc.
- Bắt đầu xây dựng T&T Mỹ từ con số 0. Chắc hẳn đây là công việc rất khó khăn. Tại sao anh không chọn một công việc đã ổn định, dễ dàng và “có tiếng” hơn ở T&T?
Có thể SHB và T&T Việt Nam sẽ có thương hiệu hơn. Nhưng tôi thích thử thách bản thân để chứng tỏ cho các nhân viên của bố tôi thấy ràng tôi cũng phải bươn trải, phải tự lực cánh sinh bước chân vào thị trường Mỹ đầy khó khăn, thử thách. Tôi nỗ lực để đạt được thành quả nhất định nào đó, để khi trở về không ai có thể nói tôi chỉ là “con ông nọ bà kia”.
Thật ra tôi phải nỗ lực như vậy vì tôi có áp lực khi “là con bầu Hiển”. Tôi rất tự hào và cảm thấy may mắn khi là con của bố. Nhưng bên cạnh đó, khi còn nhỏ, tôi đã phải cố gắng học tập tốt vì tôi sợ bị mọi người xung quanh nói “bố giỏi mà sao con học dốt thế”. Tôi biết nếu mình không ra gì, bố tôi và gia đình tôi sẽ bị ảnh hưởng.
Vì vậy, tôi không cho phép mình dễ dài với bản thân. Tôi hy vọng, với khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm sống ở nước ngoài và kinh nghiệm làm việc, tôi sẽ đạt được kết quả tốt tại Mỹ để đóng góp một phần nhỏ vào thương hiệu của tập đoàn T&T mà bố tôi vốn đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và tâm huyết để gây dựng từ khi còn trẻ.
- T&T Mỹ mới hoạt động. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy, anh đã làm được gì cho công ty?
T&T Mỹ đã có giấy phép xuất nhập khẩu, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính. Trước mắt, T&T Mỹ tập trung vào đầu tư bất động sản và xuất khẩu nông sản.
Về xuất nhập khẩu, tôi đã kết nối được với một số đối tác ở Mỹ, đặc biệt là có sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ VCCI và lãnh sự Việt Nam tại Mỹ. Nhưng vì tôi muốn làm một cách chuyện nghiệp khi tiếp cận các đối tác nước ngoài nên tôi đang đề nghị đầu mối Việt Nam phải chuẩn bị rất kĩ càng cả về chất lượng lẫn số lượng của sản phẩm định xuất khẩu trước khi chào hàng.
Về bất động sản, tôi đã có mối quan hệ với một số tập đoàn phát triển dự án bất động sản lớn của Mỹ nên họ đã giới thiệu được một số dự án đầu tư bất động sản tiềm năng tại California.
- Dường như anh đang khá thuận lợi với T&T Mỹ. Nhưng không dễ ngày một ngày hai mà thành công ở Mỹ được. Có vẻ như con đường chuyển giao quyền lực từ bầu Hiển sang anh còn khá dài.
Bố tôi luôn động viên hãy cứ làm việc chăm chỉ. Còn chuyển giao quyền lực hay không là điều không nói trước được. Không biết có phải do bố động viên, thúc đẩy tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa hay không nhưng bố từng nói bố có thể sẽ dành toàn bộ tài sản đóng góp cho xã hội. Đó cũng là cách hay để anh em chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần tự đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Thật lòng mà nói tôi không hề buồn nếu bố quyết định như vậy. Nếu tôi thực sự có khả năng, tôi có thể làm lớn được, làm lớn ở SHB, T&T hay bất cứ công ty nào khác không thuộc sở hữu của bố tôi. Nếu đủ tin tưởng, bố tôi sẽ trao lại công ty cho tôi.
Còn nếu tôi không đủ khả năng, không thực sự thành công, sau khi bố tôi bàn giao lại, tôi có thể khiến sự nghiệp của bố đi xuống. Như vậy, tôi thà để cho người khác quản lý, để công ty tồn tại lâu còn hơn là mình tự tay phá hủy.
- Xin cảm ơn anh. Chúc anh sẽ sớm gặt hái thành công.
Theo VTC News