Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank từ ngày 15/7/1995. Tính đến khi thôi chức (2/11/2012), ông Thành đã có 18 năm liên tục là Chủ tịch HĐQT của Sacombank.
Ông Thành khởi nghiệp với công việc kinh doanh phân phối đường cát, mật rỉ, thực phẩm công nghệ và sản xuất kinh doanh cồn. Sau một thời gian, ông gây dựng công ty Thành Thành Công. Năm 1991, ông đã giao công ty cho vợ (bà Huỳnh Bích Ngọc) và chuyển sang lĩnh vực tài chính tín dụng với việc xây dựng Ngân hàng Sacombank. Ông Đặng Văn Thành chính là người có công đưa Sacombank từ quy mô vẻn vẹn 3 tỷ đồng ngày đầu thành lập, lên 10.000 tỷ đồng như hôm nay.
Con trai lớn của ông Thành là Đặng Hồng Anh, hiện là Chủ tịch Công ty Sacomreal. Con gái Đặng Huỳnh Ức My đang theo nghiệp mẹ trong ngành mía đường và làm Chủ tịch HĐQT Bourbon Tây Ninh, đồng thời làm thành viên HĐQT của Đường Biên Hòa và Tổng giám đốc Thành Thành Công.
|
Tài sản trên sàn chứng khoán của gia đình ông Thành - bà Ngọc. |
Tính đến ngày 2/11/2012, tổng tài sản của gia đình ông Đặng Văn Thành trên sàn chứng khoán là hơn 1.514,9 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến khối tài sản, cổ phần tại các công ty chưa niêm yết mà mỗi thành viên nhà ông Đặng Văn Thành đang đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu, từ chủ tịch đến tổng giám đốc và thành viên HĐQT.
Trong nhiều năm liên tiếp, hai cha con nhà họ Đặng liên tục lọt Top 10 những người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Ngay cả trong năm 2012, khi cổ phiếu Sacombank bị sụt giảm mạnh, hai cha con ông tiếp tục ở Top 15 người kiếm tiền giỏi nhất trên sàn chứng khoán.
Cũng trong năm này, Sacombank trải qua một cuộc thâu tóm lớn từ nhóm cổ đông "đại gia". Đến tháng 2/2012, cha con ông Đặng Văn Thành bị nhóm cổ đông nắm hơn 51% vốn điều lệ ngân hàng, yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo. Ngày 2/11/2012, ông Thành thôi chức Chủ tịch ngân hàng này. Cùng ngày, thông tin vợ ông Thành - bà Huỳnh Bích Ngọc rời HĐQT Công ty Bourbon Tây Ninh.
Mới đây, thông tin Sacombank "siết nợ" cha con ông Đặng Văn Thành được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây xôn xao dư luận. Theo đó, trong báo cáo tài chính riêng năm 2012, được PwC kiểm toán, Sacombank cho biết đã ký thỏa thuận (được phân loại vào tài sản siết nợ) với ông Đặng Văn Thành và con trai ông Đặng Hồng Anh vào ngày 5/12/2012.
Cụ thể, Sacombank đồng ý sử dụng trên 7,4% vốn (tương đương khoảng 80 triệu cổ phiếu STB) do cha con ông Đặng Văn Thành sở hữu để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư trái phiếu và khoản phải thu khác với tổng giá trị thỏa thuận gần 1.600 tỷ đồng, theo
VnExpress ngày 2/4.
Các khoản cấn trừ này bao gồm, gần 172 tỷ đồng từ công ty Tín Việt; trên 678 tỷ đồng tại Sacomreal; hơn 329 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Sacomreal; 18 tỷ đồng cho vay Thành Thành Công; khoảng 192 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Thành Thành Công; hơn 148 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu công ty Đặng Huỳnh; gần 59 tỷ đồng cho vay công ty Thành Ngọc.
Vào ngày 11/12/2012, Sacombank đã ký các biên bản thanh lý với các đối tượng vay hoặc phát hành trái phiếu nêu trên, hạch toán khỏi các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu tương ứng, đồng thời giải chấp các tài sản đảm bảo liên quan.
Theo thỏa thuận này, ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh ủy quyền cho HĐQT được toàn quyền mua, bán định đoạt, sở hữu cổ phiếu Sacombank mà họ nắm giữ.
Nhà băng cũng cho biết, đã thông báo với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM về thỏa thuận cấn trừ.
Theo tiết lộ từ phía Sacombank, ngoài số nợ trên, ông Thành và gia đình còn phải thanh toán rất nhiều khoản tiền liên quan đến hoạt động đầu tư, mua bán bất động sản đã phát sinh trước đó.
Nói về vấn đề này, ông Đặng Văn Thành cho biết trên
Tuổi trẻ ngày 4/4, không thể cho rằng đây là siết nợ, vì siết nợ phải là những khoản nợ xấu và việc siết nợ do một bên - ở đây là Sacombank thực hiện. Còn trường hợp này hoàn toàn khác, đó là thỏa thuận giữa hai bên, trong đó Sacombank và sự chủ động của tôi. Các khoản nợ vay của chúng tôi đều có thể chấp, đầy đủ giấy tờ, là nợ trong hạn, được xếp loại A".
Trả lời về thông tin cho rằng, nhóm công ty có liên quan đến gia đình ông Thành đã vay Sacombank 4.000 - 5.000 tỷ đồng, ông Thành cho biết: "Con số đó bao gồm cả những công ty mà HĐQT mới cho là có liên quan đến chúng tôi, cộng lại mới lên như thế. Nhưng theo tôi được biết, khi Sacombank có quan điểm này, họ đã thanh toán. Các khoản nợ vay của chúng tôi tại Sacombank đều còn trong hạn, do vậy Sacombank không thể đòi ngang. Tuy nhiên, do cả hai bên cùng muốn xử lý dứt điểm, vì thế đã chọn cách là dùng cổ phần của chúng tôi tại ngân hàng này để cấn qua".
Ông Thành cho rằng, nhóm cổ đông mới có cách hiểu khác về các khách hàng liên quan đến gia đình ông. "Các công ty bị coi là có liên quan đến gia đình tôi thực chất đều là những công ty cổ phần đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán như đường Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh, Ninh Hòa... mà chúng tôi chỉ là cổ đông, không nắm quyền chi phối. Các công ty này có vay nợ và đều trả đúng hạn".
"Theo quan điểm của HĐQT cũ và đã xử lý như thế từ nhiều năm qua thì những công ty đó không liên quan đến chúng tôi. Sau này, HĐQT mới cho là nhóm khách hàng này có liên quan đến chúng tôi, có vấn đề, như thế phải trích lập dự phòng rủi ro. Theo tôi, điều này không có lợi cho bản thân Sacombank cũng như cổ đông của ngân hàng. Và nếu cứ duy trì tình trạng như thế, tôi cũng chẳng thể cộng tác, vì vậy tốt nhất là giải quyết dứt điểm. Nhận thấy không chỉ có cự ly về quan điểm và tôn trọng quan điểm của HĐQT mới, tôi quyết định chủ động để cấn trừ".
Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, thông tin cho rằng Sacombank “siết nợ” đối với gia đình ông Đặng Văn Thành là chưa chính xác, do hầu hết các khoản vay này vẫn còn trong hạn. “Việc xử lý số cổ phiếu Sacombank do ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh để thanh toán một số khoản nợ do nhóm công ty thuộc gia đình ông Thành vay tại Sacombank trước đó là theo nguyện vọng của ông Thành”, ông Phú nói.